Đồng Tháp

Nhiều kết quả phấn khởi sau 10 năm thực hiện cải cách hành chính

Cập nhật ngày: 27/08/2020 10:28:09

ĐTO - Trong giai đoạn 2011-2020, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp đã rất quan tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Đặc biệt, chỉ đạo thực hiện nhiều mô hình, cách làm mới trong xây dựng chính quyền thân thiện, có tính đột phá, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thu hút sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, mang lại nhiều kết quả đáng phấn khởi.


Tổng đài 1022 là nơi tiếp nhận, xử lý nhanh chóng các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính

Trong đó, nổi bật là Đồng Tháp đã thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2016 (sau này trở thành Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công tỉnh). Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp về cải cách TTHC đạt nhiều kết quả tốt như tiến hành rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận TTHC, thực hiện TTHC qua nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thiết thực cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Về kiểm soát TTHC, tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Hàng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC và truyền thông về hoạt động kiểm soát TTHC; Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC; Kế hoạch kiểm tra công tác kiểm soát TTHC và các văn bản để chỉ đạo, triển khai công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh.

Công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của cá nhân, tổ chức được duy trì thực hiện; bố trí bộ phận thường trực và niêm yết công khai địa chỉ, điện thoại, email của cơ quan thường trực tiếp nhận phản ánh, kiến nghị. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện niêm yết địa chỉ thường trực, thông báo đường dây nóng riêng hoặc lập hộp thư góp ý nhằm tiếp nhận kịp thời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định TTHC, góp phần hạn chế tình trạng từ chối thực hiện, thực hiện không đúng quy định hoặc tự ý yêu cầu, bổ sung, đặt thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định. Tại Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND cấp huyện, cấp xã bố trí phiếu thăm dò ý kiến khách hàng về sự hài lòng và chưa hài lòng đối với việc giải quyết TTHC. Các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về TTHC được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, để thống nhất trong toàn tỉnh việc tiếp nhận, xử lý và trả lời các yêu cầu, thắc mắc hoặc phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án thí điểm thành lập Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022. Qua đó, người dân, doanh nghiệp có thể góp ý, phản ánh thông tin bằng nhiều hình thức như: Gọi đến số điện thoại đường dây nóng, gửi thư điện tử, livechat, gửi tin nhắn qua ứng dụng Zalo, Facebook.

Đồng Tháp thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ và đúng quy định các TTHC. 100% TTHC được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và trên Trang Thông tin điện tử của các đơn vị và địa phương. Tỉnh thực hiện tốt công tác chuẩn hóa, cập nhật và công khai TTHC thuộc phạm vi công bố, công khai đối với 1.755 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia. Đến nay, tỉnh có 18 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ban, ngành), 12 đơn vị hành chính cấp huyện và 143 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (đạt 100%). Về tổ chức Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả, cấp tỉnh đã thành lập Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công thuộc Văn phòng UBND tỉnh; và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã.

Thực hiện Quyết định số 45 ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Tháp đã công bố 879 TTHC thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, với 129 TTHC ưu tiên thực hiện. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, số hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ Bưu chính công ích khoảng 50.000 hồ sơ, chuyển trả qua dịch vụ Bưu chính công ích khoảng 300.000 hồ sơ. Dự kiến tích hợp hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công tỉnh Đồng Tháp với phần mềm quản lý chuyển phát của VNPost hoạt động thời gian tới.

Mô hình hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân được áp dụng triển khai thực hiện đối với 49 TTHC thuộc thẩm quyền cấp tỉnh và 35 TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện. Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công đã được thực hiện 3 giai đoạn và đang triển khai giai đoạn 3 mở rộng. Đến nay, Đề án đã thực hiện tại Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công tỉnh; 11/12 Bộ phận Một cửa cấp huyện và 29 Bộ phận Một cửa cấp xã.

Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến thực hiện TTHC tại địa phương, trong những năm qua, Đồng Tháp đã triển khai thực hiện các mô hình thiết thực, hiệu quả. Điển hình như mô hình “Cà phê doanh nhân – doanh nghiệp”; tổ chức toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp tại Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công (Mô hình “4 tại chỗ” trong 1 ngày làm việc với 23 TTHC); xây dựng các video clip hướng dẫn TTHC (trên 30 video clip); giải quyết TTHC lưu động ở cấp xã vào các ngày cuối tuần.

Ngoài ra, tỉnh ta đã quyết định rút ngắn thời gian giải quyết của 576 thủ tục; khai thác ứng dụng Zalo trong việc đăng tải các thông tin, thông báo về dịch vụ công; phân cấp, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính và giải quyết TTHC; xây dựng và đưa vào hoạt động Trang Thông tin điện tử và Fanfage Facebook của Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công; công chức, viên chức thực hiện “6 biết”; thực hiện gửi thư chúc mừng, thư chia buồn/thư xin lỗi...

Có thể nói, trong 10 năm qua, các ngành, các cấp tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Kết quả là nhiều năm liền, Đồng Tháp liên tục đứng trong tốp đầu cả nước trên các bảng xếp hạng như: vị trí Á quân về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); hạng 3 Chỉ số CCHC (PAR Inder) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS). Đặc biệt, kết quả thực hiện công tác cải cách TTHC đã góp phần đơn giản hóa TTHC, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mang lại sự hài lòng cao cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn