“Dân sống trong lòng Đảng, Đảng sống trong lòng dân” (*)

Cập nhật ngày: 03/08/2018 08:29:33

Phát biểu của đồng chí Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy kết luận Hội nghị sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh

Đảng bộ chúng ta đã chính thức hoàn thành một nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội. Xét về chủ quan lẫn khách quan, chúng ta đã có những đánh giá khá toàn diện các mặt công tác và những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận.

Tăng trưởng kinh tế 2 năm đầu nhiệm kỳ tính bình quân không đạt chỉ tiêu Nghị quyết nhưng ước kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2018 là khá ấn tượng: 8,02%. Đạt được thành quả đó tuy chỉ là bước đầu nhưng đã cho thấy những nỗ lực cao của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Các chương trình, đề án trọng tâm về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Phát triển du lịch”, “Đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng”, “Tạo dựng hình ảnh địa phương”, “Khởi sự lập nghiệp”... đã đi vào cuộc sống, có tác động tích cực đến tiến trình phát triển kinh tế, xã hội và tạo dựng hình ảnh địa phương. Cải cách hành chính đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo ra sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, đứng trong nhóm tốp đầu Quốc gia; hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đổi mới, giảm dần hội họp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, hầu hết cán bộ, đảng viên nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, của cơ quan, đơn vị, từ đó có nỗ lực tự thân thực hiện chức trách nhiệm vụ, gắn với tuyên truyền, vận động người dân đồng tình, ủng hộ các chủ trương, quyết sách. Công tác nội chính, kiểm tra, giám sát của Đảng ngày càng phục vụ đắc lực cho năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Chúng ta cũng rất phấn khởi và khâm phục khi trong điều kiện còn nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà đã nỗ lực đổi mới, vươn lên, đồng hành cùng chính quyền, cùng người dân, cùng Chương trình khởi nghiệp, là động lực quan trọng đưa kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển.

Bên cạnh nguồn lực nội tại, tỉnh đã có sự nỗ lực cao trong xúc tiến, kêu gọi đầu tư, những định hướng đầu tư lớn được hoạch định, nhiều dự án đi vào hoạt động, có triển vọng tạo chuyển biến lớn cho tăng trưởng của tỉnh nhà trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trên từng lĩnh vực, cũng có những vấn đề thuộc về yếu tố chủ quan cần chấn chỉnh để đưa hệ thống hoạt động đồng bộ, hiệu quả hơn.

- Một, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Sự chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu một số ngành, địa phương chưa thật sự quyết liệt, chậm đổi mới tư duy. Một số cán bộ, đảng viên có ý thức chưa cao trong chấp hành và thực hiện tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, dẫn đến sai phạm phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực trong bộ máy. Nội dung, hình thức hoạt động Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp có đổi mới nhưng đây đó còn chậm, thiếu tính sáng tạo.

- Hai, kết quả tăng trưởng kinh tế trong những năm qua đạt thấp so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm tiến độ nhưng các biện pháp khắc phục hiệu quả chưa cao.

- Ba, chất lượng bình xét gia đình văn hóa thấp. Các thiết chế văn hoá, thể thao ở địa bàn nông thôn còn thiếu và có nơi chưa phát huy hiệu quả, còn biểu hiện lãng phí cơ sở vật chất. Thể thao quần chúng và thể thao học đường chưa được quan tâm, nhiều sân chơi thể thao bị chuyển sang phục vụ mục đích khác. Nhiều di tích được xếp hạng nhưng chưa được quan tâm đầu tư xây dựng, các di tích xuống cấp chưa được sửa chữa. Kết cấu hạ tầng, dịch vụ tại di tích chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và du khách đi lễ hội.

Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh hiệu quả chưa cao. Xã hội hóa đầu tư vào giáo dục chưa nhiều, chưa có nhiều nhà đầu tư với tư duy mới về nền giáo dục tiên tiến. Chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh.

Việc xử lý ô nhiễm môi trường còn mang tính chất đối phó với các cơ quan chức năng. Nhân lực y tế, nhất là lực lượng bác sĩ chuyên sâu chưa đáp ứng kịp yêu cầu; tình trạng quá tải ở bệnh viện chậm được giải quyết.

Ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, thống nhất; nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin còn thiếu và yếu.

- Bốn, công tác đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc trên mạng internet, mạng xã hội còn bị động; một số tội phạm và tệ nạn xã hội còn ở mức cao và có tính chất manh động; thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật vẫn còn ở mức cao.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo luận, cơ bản thống nhất với các nội dung trình Hội nghị và đồng ý ban hành Kết luận tại Hội nghị sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ, giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo hoàn thiện và ban hành.

Trước khi kết thúc Hội nghị, tôi muốn chia sẻ với các đồng chí một số suy nghĩ về những gì còn băn khoăn để tất cả chúng ta cùng thể hiện quyết tâm cho chặng đường phía trước.

1- Nhóm vấn đề thứ nhất - về phương pháp hành động của hệ thống

Chúng ta chỉ còn vỏn vẹn 2 năm để hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội. Chúng ta đã ban hành đầy đủ các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để các quyết sách đi vào cuộc sống với chiều rộng và cả chiều sâu. Muốn vậy, từng cấp ủy, tổ chức đảng phải thấm nhuần tư duy hành động, tiếp tục thực hiện phương châm “Đổi mới nhận thức, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ”, “Hướng đến người dân”. Khắc phục biểu hiện “trên nóng, dưới lạnh”, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, trước hết và quan trọng hơn hết, là trong tập thể thường trực cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Mỗi cán bộ lãnh đạo hãy là tấm gương đổi mới, ủng hộ cái mới, làm cho ngành mình, địa phương mình thật sự năng động, sáng tạo. Hãy tăng cường “xuống phố, về làng” để biết được những chủ trương được hiện thực hóa như thế nào? Để truyền thông chính sách và đồng cảm, chia sẻ khó khăn với cán bộ, đảng viên và người dân. Hãy mạnh dạn xóa bỏ “tư duy nhiệm kỳ” trong chỉ đạo, điều hành vì điều đó sẽ làm trì trệ hệ thống, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào chiến lược phát triển của địa phương.

Trên cơ sở thống nhất nhận định, đánh giá những kết quả đạt được, các cấp ủy, tổ chức đảng đã và đang tập trung lãnh đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém, quyết tâm thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là sự khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, nhưng chúng ta không được chủ quan, bằng lòng. Kinh nghiệm từ việc “ngủ quên”, lơ là trong triển khai một số chương trình, đề án lớn khiến chúng ta “được ít, mất nhiều”, nhất là mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân - điều mà có thể khiến chúng ta sẽ không bao giờ lấy lại được.

2- Nhóm vấn đề thứ hai - về thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy

- Tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chất lượng sinh hoạt chi bộ vì qua nội dung đánh giá hơn 2 năm thực hiện, chúng ta còn rất nhiều việc cần làm để tiếp tục cụ thể hoá Nghị quyết về nâng cao chất lượng hoạt động Đảng bộ xã, phường, thị trấn trong thời gian tới.

- Thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, các quy định của Trung ương và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giữ gìn kỷ cương, kỷ luật Đảng. Từng cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu phải thực hiện tốt việc nêu gương, tránh hô hào, khẩu hiệu.

- Thực hiện tốt việc vận hành gắn với rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, chuẩn bị tốt nguồn nhân sự Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Nếu không chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ, sau nhiệm kỳ 2020 - 2025, các đồng chí sẽ vẫn phải kiểm điểm nhau về những hạn chế, yếu kém của thời điểm hiện tại. Tôi lưu ý rằng, đây là trách nhiệm của Ban Thường vụ cấp ủy, của tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì tham mưu, đề xuất kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác này, bảo đảm yêu cầu lãnh đạo công tác nhân sự các ngành, các cấp cho hiện tại và cho tương lai.

- Tổ chức tốt công tác tư tưởng để triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, liên quan đến con người và sự vận hành theo nếp cũ, và sẽ có tác động nhiều chiều đến kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nếu không có cách làm đồng bộ, công tâm, khách quan.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng trọng tâm đến việc chấp hành các quy định của Trung ương, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII; việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp; việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Đồng Tháp chúng ta là địa phương có nhiều mô hình mới được Trung ương đánh giá là sự đột phá, được nội bộ đồng thuận và đồng ý về chủ trương cho nhân rộng. Những vấn đề đã được khẳng định là đúng trong thực tiễn, là “đi đúng đường”, được người dân ủng hộ, phải tiếp tục được hiện thực hóa.

Trong quá trình thực hiện, tất nhiên những cái mới bao giờ cũng có những điểm tròn, mặt khuyết. Tinh thần chung là đối với những ưu điểm, chúng ta tiếp tục phát huy; những hạn chế, khiếm khuyết sẽ được đúc rút, hoàn thiện để làm và làm tốt hơn nữa. Đáng buồn là, thời gian qua trong hệ thống chúng ta còn có biểu hiện “đứng ngoài cuộc”, nghi ngại, thậm chí là “nói ngược”.

Như tôi từng phát biểu rất nhiều lần, chúng ta, những người đang ngồi ở đây, cũng như tất cả cán bộ, đảng viên và cả người dân, không ai “vô can” với những hạn chế, yếu kém của quê hương xứ sở này. Vấn đề là, mỗi người có thật sự vào cuộc, hay xem sự phát triển hay tụt hậu của quê hương mình là chuyện của người khác? Đồng Tháp trên đà phát triển rất cần đến sự đồng thuận từ trong nội bộ, để sau đó lan tỏa ra toàn xã hội, để mỗi người luôn “Mới mẻ trong cách nghĩ, sáng tạo trong cách làm, nhịp nhàng trong phối hợp”. Mỗi năm, lãnh đạo tỉnh đều hướng đến một chủ đề hành động, và dù các chủ đề khác nhau nhưng tôi luôn cho rằng, mỗi chủ đề đều có mối quan hệ biện chứng và kế tục nhau - đó đều nhằm tạo ra “luồng sinh khí mới”, một “sự chuyển động” trong tư duy và hành động của hệ thống, với kỳ vọng đưa Đất Sen hồng ngày càng phát triển theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và sự mong mỏi của gần một triệu bảy người dân.

Chúng ta nghĩ gì khi các nhà đầu tư đến tìm quỹ đất để đầu tư du lịch có khi chỉ vài mươi héc-ta mà chúng ta rất lúng túng, trong khi các điểm du lịch của chúng ta đang quản lý có quy mô vài trăm, thậm chí vài ngàn héc-ta mà khai thác kém hiệu quả. Có đau lòng không khi có nhà đầu tư đến so sánh rằng, nguồn thu cả năm của một khu du lịch của chúng ta không bằng một nhà hàng của họ thu trong một tháng? Và, còn bao nhiêu thiết chế văn hóa từ tỉnh đến huyện, xã như khu liên hợp thể dục thể thao, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa học tập cộng đồng... được đầu tư có khi lên đến vài chục, vài trăm, vài ngàn tỷ đang hoạt động lay lắt? Có đau lòng không khi nhiều người “khen” và ngay cả chúng ta cũng tự hào về tiềm năng gần như “độc nhất vô nhị” của quê mình nhưng nguồn thu lại không tương xứng với tiềm năng đó? Điều đó không chỉ là lãng phí nguồn tài nguyên, mà còn chứng tỏ tầm quản trị của chúng ta kém, hay nói cách khác chúng ta không biết cách thức tổ chức hoạt động, thậm chí là vô cảm.

Chỉ có thể lý giải điều này là chúng ta không biết lồng ghép tư duy kinh tế vào tư duy văn hóa, vào cách vận hành ngành du lịch. Hay người đứng đầu ngành, địa phương không biết nóng ruột khi nhìn tài sản công do mình quản lý hoạt động thiếu sinh khí, kém hiệu quả. Ở chiều ngược lại, chúng ta không biết những điểm nghẽn trong vận hành kinh tế đôi khi xuất phát từ yếu tố văn hóa, đó là “văn hóa hợp tác”, hợp tác trong bộ máy và hợp tác trong xã hội.

“Đổi mới sáng tạo”, “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là vấn đề đã được ghi vào nghị quyết của Trung ương, là tiêu chuẩn để lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp ngang tầm nhiệm vụ mới. Đã là sáng tạo, là cái mới thì không thể “đúc khuôn”, “giáo điều”. Có một lãnh đạo cấp cao phát biểu rằng: “Đổi mới mà đồng thuận ngay thì đôi khi không phải là đổi mới”. Như vậy, những ý kiến khác nhau đối với cái mới cũng là điều bình thường. Nhưng làm sao cuối cùng thì cả hệ thống chính trị phải cùng nhau nâng niu mô hình mới, mặc dù, cái mới có khi vượt qua khuôn thức chúng ta đã quá quen thuộc.

Tôi xin chia sẻ câu nói của đồng chí Nguyễn Thanh Phong - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị “phá rào” ở Long An năm 2004, đó là: “Nếu nói phẩm chất của người cộng sản thì chúng tôi không thua kém bất cứ ai. Chúng tôi lăn lộn đánh Mỹ hai chục năm ở trong này không phải để chúng tôi đi theo chủ nghĩa tư bản, mà để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng chủ nghĩa xã hội gì mà bán không được, mua cũng không được? Người nông dân có thể cho chúng tôi hàng trăm ngàn tạ lúa để đánh Mỹ, nhưng bây giờ nói mua phải đúng là mua, nói bán phải đúng là bán. Cơ chế này mua không được, bán không được, trong khi lúa đang còn, thì đấy có phải thực sự là chủ nghĩa xã hội không?...”. Những quan điểm như vậy cùng với những phong trào sau này được gọi là “Khoán 10, khoán 100”, là ““phá rào” đêm trước đổi mới”... đều bắt nguồn trong sự hoài nghi, thậm chí bị cho là “chệch hướng”, nhưng sau này lại chính là tiền đề cho công cuộc đổi mới đất nước. Từ công cuộc đổi mới này, nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp bị xóa bỏ và đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng điều đáng nói là bộ máy hành chính mệnh lệnh, áp đặt một chiều vẫn chưa thể triệt để xoá bỏ cho đến tận hôm nay.

Đổi mới nhưng không buông lỏng vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, đó là “lằn ranh đỏ” không ai được phép vượt qua, nhưng đồng thời chúng ta phải thẩm thấu được giá trị và giải quyết hài hòa mối quan hệ “Nhà nước, Thị trường và Xã hội” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 đã đề ra. Một khi còn tuyệtđối hóa vai trò của Nhà nước thì chúng ta không huy động được nguồn lực vô tận của xã hội. Kích hoạt sự năng động của doanh nghiệp và người dân để tham gia vào quản trị xã hội theo phương châm “Cùng xây, cùng quản, cùng hưởng” đã mang lại sự thành công ở nhiều Quốc gia.

Trong đợt đi học ở Trung Quốc gần đây, tôi nhận ra một giá trị mới về “nhất thể hóa” các chức danh Đảng và chính quyền. Giá trị đó không chỉ là giảm đi một “chiếc ghế”, là làm cho bộ máy không bị cắt khúc, tầng nấc, chậm chạp, không xác định được trách nhiệm, mà cao hơn hết và quyết định hơn hết là đưa Đảng - thông qua hình ảnh người Bí thư cấp ủy - đến gần với dân hơn. Chủ trương này thì đã có nghị quyết rồi nhưng không phải không có những lo ngại, chần chừ, ngay cả ở cấp thấp nhất là khóm, ấp. Rất đáng mừng là có nhiều địa phương đã thực hiện gần như ở tất cả khóm, ấp. Còn các địa phương khác thì sao, hướng tới sẽ làm gì?

Đến nay, chúng ta đã có 54 “Hội quán” được thành lập. Và rất vui là, có gần 600 đảng viên đang tham gia sinh hoạt trong các không gian cộng đồng đó. Ngoài ra, còn các cán bộ lãnh đạo về hưu, sĩ quan quân đội, công an, trưởng ấp, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội cùng hòa quyện với người dân để bàn bạc “chuyện xóm, chuyện làng”, chuyện sản xuất làm sao để “chi phí giảm, chất lượng tăng”. Vậy là, “Dân sống trong lòng Đảng, Đảng sống trong lòng dân” rồi! Một sinh khí mới mẻ ở nông thôn từ 54 chấm nhỏ như vậy nếu trở thành một phong trào “về làng”, sẽ kích thích sự vận hành trong thực tiễn từ chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nửa nhiệm kỳ còn lại là làm sao tất cả chúng ta biến khẩu hiệu “Chung tay xây dựng nông thôn mới” thành những chương trình đưa tri thức, khoa học công nghệ, văn hóa, kiến thức pháp luật, sức khỏe, tinh thần hợp tác “về làng” để nông thôn ngày càng văn minh hơn, trù phú hơn, an toàn hơn, nông dân giàu tri thức hơn. Đó là một trong những điểm nhấn trong nửa nhiệm kỳ còn lại để “đắp nền” cho tương lai. Và, từng cán bộ chủ chốt ở tất cả các cấp, trước hết là Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cả hệ thống chính trị phải “về làng” để đến gần dân, để thấy còn quá nhiều việc ở nông thôn cần đến chúng ta.

Những điều trăn trở tôi vừa nêu trên rất mong các đồng chí chia sẻ. Chúng ta cùng nhau “đắp nền” cho nửa nhiệm kỳ còn lại và để có thể tự hào đã chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo nhiệm kỳ sau những gì tốt đẹp nhất! Những kết quả đạt được không chỉ đến từ nội lực của chúng ta, mà không có sự hỗ trợ từ Trung ương, mà gần nhất là các đồng chí thay mặt Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng thường xuyên đồng hành, góp ý với Đảng bộ tỉnh. Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của các Ban và cơ quan Trung ương với Đảng bộ tỉnh, trực tiếp là các đồng chí đại diện lãnh đạo các Vụ Địa phương phụ trách tỉnh Đồng Tháp!

Chúc toàn thể cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công, cùng nhau đồng lòng, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.

(*) Đầu đề do tòa soạn đặt

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn