Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động công đoàn

Cập nhật ngày: 15/05/2019 11:51:42

Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt CPTPP) góp phần tăng nhanh số lượng lao động và các doanh nghiệp. Đây là nguồn phát triển đoàn viên (ĐV) và thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) dồi dào cho tổ chức công đoàn (CĐ) Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn, quan hệ lao động phong phú, phức tạp hơn, người lao động (NLĐ) sẽ có nhu cầu được tổ chức CĐ quan tâm đến đời sống, việc làm. Tham gia CPTPP đòi hỏi hệ thống pháp luật phải hoàn thiện, phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế, tạo cơ hội cho tổ chức CĐ Việt Nam đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động để thu hút, tập hợp NLĐ tham gia tổ chức mình.


Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói chuyện với cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn và người lao động tỉnh Đồng Tháp

Tuy nhiên, với việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, lần đầu tiên vấn đề “đa CĐ” được quy định và áp dụng tại Việt Nam. CĐ Việt Nam vừa phải cạnh tranh với tổ chức đại diện NLĐ khác để thu hút, tập hợp, phát triển ĐV; đồng thời vừa phải giữ vững vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Nếu CĐ Việt Nam không có nguồn lực đủ mạnh để tạo ra những quyền lợi khác biệt và lớn hơn giữa ĐV CĐ và NLĐ không phải là ĐV CĐ sẽ bất lợi trong việc cạnh tranh, thu hút NLĐ và tổ chức của NLĐ mới thành lập gia nhập tổ chức CĐ Việt Nam. Do đó, phải đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động CĐ để CĐ Việt Nam thực sự là tổ chức của NLĐ, do NLĐ, vì NLĐ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ các cấp, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng; hoạt động CĐ phải thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của NLĐ, tránh dàn trải, tạo điểm nhấn để khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức CĐ.

Tại buổi nói chuyện với cán bộ CĐ, ĐV CĐ và NLĐ của tỉnh Đồng Tháp, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức đối với tổ chức CĐ Việt Nam, nhất là khi tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở ra đời theo cam kết của nước ta trong các Hiệp định tự do thế hệ mới, cũng đồng nghĩa với việc CĐ Việt Nam sẽ có “Đối thủ cạnh tranh” bình đẳng để giành được sự thừa nhận, tham gia của NLĐ.

Nguồn lực tài chính của tổ chức CĐ thời gian tới phải tập trung nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng để chăm lo lợi ích, bảo vệ quyền lợi NLĐ, trong khi công tác thu chưa hết khó khăn. Tổ chức, bộ máy của CĐ sẽ tinh gọn, biên chế cán bộ CĐ sẽ giảm sút theo chủ trương của Đảng, trong khi theo dự báo, số lượng ĐV và tổ chức CĐCS tiếp tục tăng mạnh. Chính vì vậy, CĐ các cấp cần nghiên cứu, tổ chức các phương thức hoạt động CĐ mới, phong phú, phù hợp với điều kiện sản xuất và sinh hoạt của NLĐ, tận dụng tối đa thành tựu khoa học - công nghệ, định hình mô hình “CĐ 4.0”.

Hoạt động CĐ cần chuyển dần từ chỉ đạo, giao nhiệm vụ của cấp trên cho cấp dưới sang hỗ trợ, phục vụ. CĐ các cấp, nhất là cấp gần NLĐ nên tổ chức các hoạt động dịch vụ để phục vụ ĐV, NLĐ. Cơ quan CĐ trong tương lai không còn là cơ quan hành chính thuần túy của một đoàn thể chính trị mà nên là cơ quan hành chính - dịch vụ - hỗ trợ. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là ở cơ sở về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác, hiểu biết pháp luật, năng động, sáng tạo, bản lĩnh, hết lòng vì NLĐ. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ CĐCS về kiến thức, kỹ năng, phương pháp thương lượng tập thể và đối thoại; giúp cho việc ký kết được ngày càng nhiều những thỏa ước lao động tập thể thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ. Có bước đột phá trong công tác thỏa ước lao động tập thể, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Ông Trần Hoàng Vũ - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Thời gian qua, CĐ tỉnh có nhiều đổi mới trong tổ chức hoạt động, mỗi hoạt động luôn hướng đến lợi ích thiết thực cho ĐV và NLĐ, lấy việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho ĐV và NLĐ là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên. Qua đó, khẳng định vị thế, vai trò của CĐ tỉnh nhà đối với ĐV và NLĐ trong hệ thống chính trị và đối với xã hội. Tuy nhiên, thời gian tới, bộ máy CĐ tỉnh nhà sẽ ngày càng tinh gọn nhưng nhiệm vụ CĐ ngày càng nặng nề, trong khi đó nhu cầu công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho ĐV và NLĐ càng cao. Vì vậy, cán bộ CĐ phải thường xuyên làm mới, gần gũi, sát cơ sở, mỗi hoạt động, phong trào xuất phát từ nhu cầu, lợi ích chính đáng và luôn hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất với ĐV và NLĐ. Cán bộ CĐ phải thay đổi tư duy mới thay đổi hành động, qua đó giúp cán bộ CĐ, ĐV và NLĐ xích lại gần nhau hơn, hoạt động CĐ ngày càng hiệu quả, bền chặt, nhất là khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định CPTPP.

LƯU HÙNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn