Nghĩ về lịch sử

Cập nhật ngày: 14/09/2018 09:22:17

Vừa qua (ngày 9/9/2018), những đồng chí từng công tác ngành Binh Công xưởng (thường gọi là Công trường) cấp tỉnh và huyện đã đến dự buổi họp mặt truyền thống.

Từ sau ngày giải phóng ngành này giải thể. Từ đó đến nay, ngành mất đầu mối. Anh chị em người chuyển sang ngành nghề khác, người nghỉ về gia đình lo làm ăn. Đến hiện tại chỉ còn hơn 40 người còn sống và đến dự họp mặt chỉ hơn 20 người. Số còn lại tuổi cao sức yếu, bệnh hoạn nên vắng mặt. Cuộc họp mặt có được phải nói là từ tấm lòng, trái tim và tự thấy trách nhiệm của hai đồng chí Tám Em và Thu Hà, nguyên là người của Công trường thời chống Mỹ.

Dĩ nhiên điểm họp mặt là tại nhà Tám Em. Trà bánh và bữa cơm từ “hợp tác xã” do anh chị em đến dự cùng hùn tiền vào. Bản báo cáo của Thu Hà khiến người nghe vô cùng xúc động. Đó là một ngành chế tạo, sản xuất ra võ khí thô sơ cung cấp cho các địa phương và lực lượng vũ trang, đánh địch. Một ngành hằng ngày tiếp xúc với bom, đạn pháo, hỏa tiễn lép, với thuốc nổ..., giữa cái sống và cái chết hay thương tật vĩnh viễn chỉ diễn ra trong chớp mắt.

Theo con số các đồng chí sưu tập được, danh sách anh em hy sinh vì cưa bom lép để lấy thuốc nổ, bị bom nổ có đến 66 đồng chí. Hàng chục đồng chí bị cụt bàn tay, mù mắt mà minh chứng là một số có mặt hôm nay với một tay, một mắt, có người phải chống tó. Từ sau giải phóng đến nay có thêm 41 đồng chí đã qua đời.

Phát biểu trong buổi họp mặt, nguyện vọng chung của mọi người là làm sao viết lại thành tích hoạt động của ngành, ghi lại những việc làm hằng ngày, những sáng tạo vượt qua từ không đến có, tự lực chế tạo ra các loại mìn, lựu đạn, và cả sự hy sinh lớn lao của những người trong cuộc. Chứng kiến nhiều lần anh em hy sinh cùng lúc ba, năm, bảy người, có người chết không toàn thây, song các đồng chí vì sự nghiệp chống giặc, giải phóng đất nước mà chấp nhận tất cả không rời nhiệm vụ.

Tâm tư của các đồng chí là hoạt động của một ngành dũng cảm, sáng tạo, nhiều mất mát hy sinh, góp phần to lớn vào thắng lợi chung, nếu không viết lại, không có phòng trưng bày chuyên đề lưu lại thì con cháu họ, các thế hệ trẻ về sau không biết được sự nghiệp âm thầm, bí mật, gian khổ của ông cha thời chống Pháp, chống Mỹ. Nguyện vọng rất chính đáng của các đồng chí là làm sao viết bản thành tích đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu vẻ vang đó.

Các đống chí phát biểu, không ai nói tới cuộc sống có nhiều khó khăn của mình, không ai than phiền vì mình không được khen thưởng mà chỉ tiếc cái ngành, đơn vị của mình qua kết thúc chiến tranh chưa hề được ai khen thưởng dù với hình thức nào. Mỗi lần họp mặt vắng thêm một số người. Do vậy anh chị em tha thiết mỗi năm được họp mặt một lần, để thăm hỏi nhau, để biết thêm ai đã qua đời, vì có người trên 90 tuổi và hầu hết 70, 80 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu. Tất nhiên, anh chị em tự tổ chức họp mặt tại nhà riêng Tám Em, tự lo đi đến và về, tự hùn tiền để có bữa cơm.

Từ cuộc họp mặt xúc động này, nhìn lại toàn cuộc, tôi thấy tỉnh ta còn lỗ hổng lớn về công tác lịch sử, truyền thống cách mạng. Bộ phận lịch sử trong Ban Tuyên giáo chỉ lo biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh. Ngành Công an và Quân sự có bộ phận chuyên viết lịch sử của ngành mình. Còn lại, các ban, ngành, các địa phương, đơn vị khác phải tự bươn chải, lo liệu để viết lịch sử ngành, địa phương mình. Dĩ nhiên có nơi làm được, nhiều nơi không. Vậy ai chịu trách nhiệm về việc được, không đó?

Năm rồi có một cuộc họp mặt đầy xúc động của anh em đơn vị đặc công tỉnh. Năm 1967, trên chỉ đạo và tỉnh ta thành lập đại đội đặc công trực thuộc Tỉnh đội. Cao điểm có đến 150 cán bộ, chiến sĩ. Qua năm tháng ác liệt của chiến tranh và đến nay chỉ còn sống có 12 người. Từ giải phóng đến giờ, anh em chưa từng họp mặt để biết ai còn ai mất, nhà cửa ở đâu, đời sống, bệnh hoạn thế nào. Đơn giản vì từ đó đến nay không có cơ quan, đơn vị nào đứng ra làm đầu mối để tập hợp anh em. Và tất nhiên chưa ai viết lại lịch sử một binh chủng đặc biệt nhiều gian khổ, hy sinh và nhiều chiến công to lớn này.

Tóm lại, đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mỗi ngành nghề, đơn vị, địa phương đều có phần công sức của mình, kể cả máu xương, là liệt sĩ hay thương binh. Tổ chức bộ máy và đội ngũ người viết lịch sử quá nhỏ bé so với khối lượng lịch sử phải viết. Khả năng tự viết đối với nhiều ngành, đơn vị, địa phương là quá với. Anh chị em trong cuộc thường nói mình làm được nhưng viết không được, vì không phải ai cũng viết được. Trách nhiệm này thuộc về ai? Không làm rõ chỗ này, cứ để năm tháng trôi qua, người trong cuộc, lần lượt qua đời, thế hệ trẻ ra đời và lớn lên, chúng sẽ bị hẫng hụt về khoảng trống sự kế tục bị đứt đoạn lịch sử này.

NGUYỄN ĐẮC HIỀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn