Nông dân Tháp Mười thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Cập nhật ngày: 30/09/2017 06:36:06

ĐTO - Hơn 2 năm qua, Hội Nông dân (ND) huyện Tháp Mười đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi.

Đơn vị phối hợp các ngành liên quan tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, hội thảo về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, kinh tế tập thể, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... được hơn 1.300 cuộc, gần 42.000 lượt hội viên ND tham dự. Bà con ND đưa cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các khâu như làm đất, phun thuốc và thu hoạch lúa được cơ giới hóa đạt 100%, góp phần giảm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất canh tác.


Nông dân xã Thanh Mỹ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kỹ thuật trồng chanh

Hội ND huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho gần 5.200 hộ ND vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh... với dư nợ 121 tỷ đồng.

Từ năm 2014 đến nay, huyện nhận phân bổ 1,5 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ ND Trung ương và tỉnh, thực hiện nhiều dự án trồng chanh, nuôi bò sinh sản... Việc quản lý các nguồn vốn chặt chẽ, đa số ND sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi, vốn đúng quy định, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ thấp. Với sự quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật của Hội ND huyện Tháp Mười và ý thức tự lực vươn lên của mình, nhiều ND trong huyện tích cực lao động sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình. Hơn 2 năm qua, huyện có 189 hộ hội viên ND thoát nghèo.

Qua phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, ND Tháp Mười thực hiện nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế. Điển hình như mô hình trồng chanh của ông Nguyễn Đức Truyền (SN 1951) ngụ ấp Lợi Hòa, xã Thanh Mỹ. Ông Truyền cho biết: “Ban đầu, vườn tôi trồng nhiều loại cây, hiệu quả không cao. Sau đó, tôi cải tạo lại, trồng chuyên canh 3ha chanh tàu và chanh bông tím. Tôi áp dụng thành công khoa học kỹ thuật, chủ động cho trái rải vụ quanh năm. Vườn chanh mang về lợi nhuận trung bình hơn 500 triệu đồng/năm”. Còn anh Lê Văn Nữa ở ấp Mỹ Phú, xã Phú Điền thì mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng nhờ nuôi ếch, ba ba và sản xuất sản phẩm chà bông ếch, khô ếch.

Ngoài ra, huyện còn có các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả như nuôi ếch và cá của ông Lê Minh Sỹ ở khóm 3, thị trấn Mỹ An; Tổ hợp tác trồng hoa thiên lý xã Mỹ Đông; sản xuất ếch giống và cá lóc của ông Lâm Quang Hiền ngụ ấp 1, xã Hưng Thạnh... Mô hình nuôi heo trong trang trại với hệ thống điều chỉnh nhiệt độ tự động của bà Lương Thanh Hương ở ấp 3, xã Tân Kiều; nuôi vịt trong rọ lấy trứng sạch của ông Lê Ngọc Mới ngụ ấp 3, xã Mỹ Hòa; nuôi cá sặc rằn của ông Nguyễn Thanh Tuấn ở xã Láng Biển... mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Theo Hội ND huyện Tháp Mười, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo và tạo điều kiện của UBND huyện, sự phối, kết hợp của các ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu, hưởng ứng tích cực của ND nên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện được duy trì và phát triển mạnh mẽ. Phong trào đã khơi dậy và phát huy ý chí tự giác, sáng tạo của đông đảo cán bộ, hội viên ND; kịp thời động viên ND hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh.

Hàng năm, Tháp Mười có hơn 14.500 hộ đăng ký và qua bình xét có trên 7.500 hộ đạt danh hiệu ND sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Ngoài giúp ND phát triển kinh tế, phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi còn góp phần tạo động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời tác động tích cực đến phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương; xây dựng, củng cố Hội ND ngày càng vững mạnh.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn