Quyền lực nhà nước, cơ chế xin - cho và thông điệp của Thủ tướng Chính phủ

Cập nhật ngày: 01/09/2017 06:56:08

ĐTO - Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước cuộc mít tinh của hàng chục vạn tầng lớp nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Với việc ra đời một nhà nước kiểu mới - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, quyền lực nhà nước Việt Nam trở thành quyền lực của toàn thể nhân dân Việt Nam, được nhân dân ủy quyền cho những đại diện của mình thực thi quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước và hệ thống pháp luật. Nhân dân được quyền làm bất cứ điều gì pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Nhà nước phải có trách nhiệm và cơ chế bảo đảm người dân được thực hiện quyền làm chủ, phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân; không có đặc quyền đặc lợi; nếu không đáp ứng được lợi ích, nguyện vọng của nhân dân thì sẽ bị nhân dân bãi miễn.

Trải qua 72 năm, Nhà nước của dân, do dân, vì dân của Việt Nam không ngừng được củng cố và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và thực thi quyền lực của nhân dân, Nhà nước Việt Nam luôn là một khối tập trung, thống nhất, thực hiện thắng lợi các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dân tộc, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đạt nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế của Việt Nam không ngừng được củng cố và nâng cao trên trường quốc tế; hệ thống pháp luật được tập trung xây dựng đáp ứng sự phát triển của mọi mặt đời sống xã hội; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực, xứng đáng là những công bộc của dân.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa còn những hạn chế, bất cập, như hệ thống pháp luật vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, không ít quy định, thủ tục hành chính chồng chéo; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu mặc dù được tập trung đấu tranh quyết liệt nhưng chưa bị đẩy lùi, ngày càng tinh vi, phức tạp hơn... Nổi lên và là sự quan tâm, bức xúc của xã hội là cơ chế “xin - cho” đã và đang gây nhiều tác hại to lớn đối với đất nước, xã hội.

Thói quen xin - cho ở Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm, gắn liền với chế độ phong kiến và ách đô hộ của ngoại bang, khi “xin” là quyền của tầng lớp thứ dân chiếm đa số và “cho - ban phát” là đặc quyền của tầng lớp thống trị chiếm thiểu số. Sau này, vì nhiều lý do, cơ chế bao cấp kéo dài trong một thời gian đã tiếp tục dung dưỡng thói quen xin - cho, biến nó trở thành một thứ cơ chế thành văn hoặc bất thành văn.

Từ chuyện nhỏ như người dân phải làm đơn xin hay giấy đề nghị giải quyết thủ tục hành chính nào đó, thay vì là đơn/giấy yêu cầu; đến chuyện lớn như xin biên chế, cán bộ, ngân sách, hạng mục đầu tư, khen thưởng... mặc dù đã có chỉ tiêu phân bổ công khai đầu năm, đầu kỳ. Cơ chế này còn thể hiện ở tư duy ban hành những chủ trương, chính sách mang nặng tính ban phát, giải quyết tình huống theo kiểu cho con cá chứ không phải hướng dẫn cách câu cá, như đề ra chỉ tiêu, giải pháp giải quyết việc làm thay vì tạo việc làm, có nhiều chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo nhưng thiếu quy định thời gian họ phấn đấu thoát nghèo.

Cơ chế xin - cho dẫn đến sự tha hóa con người. Một bộ phận người dân ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước và cộng đồng, quyết tâm “nghèo bền vững”. Quyền lực nhà nước ở một số địa phương, đơn vị trở thành sở hữu riêng của một số người chứ không còn của dân, do dân; những đầy tớ của dân ở tư thế người ban phát chứ không phải là trách nhiệm vì dân khi thực thi công vụ; sử dụng quyền lực được nhân dân trao cho để nhũng nhiễu nhân dân, tham nhũng, lãng phí. Vì nó mà có người bất chấp thủ đoạn, tìm mọi cách ngoi lên vị trí cao hơn trong cơ quan, tổ chức công quyền.

Những biểu hiện tha hóa đó đã xuyên tạc, làm méo mó bản chất tốt đẹp của nhà nước ta.

Trong phát biểu nhậm chức (26/7/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ kiến tạo là cải cách thể chế gắn liền với tăng trưởng kinh tế. Trong sự tác động qua lại của hai nhiệm vụ đó đòi hỏi phải lựa chọn khâu đột phá với lộ trình thích hợp. Đồng thời thay dần tư duy từ quản lý sang lấy người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ, nỗ lực tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn.

Những nhiệm vụ cụ thể, cấp bách là tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp...; chú trọng khắc phục những hạn chế, yếu kém; giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vấn đề quan trọng, cấp thiết.

Theo đó, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiến tạo, đòi hỏi Chính phủ nói riêng và chính quyền các cấp nói chung phải đủ năng lực, minh bạch, có tầm nhìn và chính sách tốt, giải trình, giải quyết thấu đáo, chuyên nghiệp những vấn đề thực tiễn đặt ra; thân thiện, đồng hành, tạo ra và cùng khơi gợi, chia sẻ sự phát triển với người dân, doanh nghiệp...

Được như vậy, cơ chế xin - cho sẽ không còn cơ hội tồn tại và gây tác hại.

Đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính, xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính vừa là tiền đề, điều kiện và cũng là mục tiêu để thực hiện thắng lợi thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, qua đó xây dựng Nhà nước ta thật sự của dân, do dân, vì dân, trong sạch, vững mạnh, thủ tiêu tận gốc rễ cơ chế xin - cho, bắt đầu từ xây dựng, thay đổi nhận thức và hành vi của đội ngũ công chức trong quan hệ, ứng xử với dân, thật sự là công bộc của dân, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư... Đó là những việc làm ý nghĩa, thiết thực chào mừng ngày Quốc khánh và học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền và đội ngũ cán bộ nhà nước ta.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn