Thương về miền Trung

Cập nhật ngày: 24/11/2020 16:08:03

Vậy là khúc ruột miền Trung lại lâm vào cảnh "bão chồng bão, lũ chồng lũ", chưa hết năm mà đã 14 cơn bão dồn dập ập đến rồi. Biển nước trắng đồng, ngập lên tận mái nhà. Nhà sập, tốc mái, nhà bị vùi sâu trong đất đá. Mùa màng mất trắng. Người thương vong, người vẫn còn mất tích đâu đó. Bao nhiêu gia đình bỗng chốc rơi vào cảnh mất mát, tang thương. 

"Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Những người dân Đất Sen Hồng dẫu còn lắm gian lao, nhưng đong đầy tình nhân ái với đồng bào miền Trung. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Nào gạo, nào nhu yếu phẩm. Nào bánh trái, nào quần áo chăn màn. Từng đoàn xe chở những chuyến hàng hỗ trợ cũng gửi theo tấm lòng chan chứa nghĩa tình của vùng đất, con người xứ Sen Hồng. Rồi chuyện mưa bão thất thường cũng sẽ qua. Rồi đồng bào miền Trung ruột thịt sẽ vượt qua thách thức của thiên nhiên như bao thế hệ đã kiên cường gắn bó với vùng đất khắc nghiệt, còn bao khốn khó, "đất cày lên sỏi đá", "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa".

Mà hình như điều kiện sống càng khắc nghiệt càng tôi luyện ý chí con người. Miền Trung khắc nghiệt. Người miền Trung kiên trung, anh hùng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc với số lượng Liệt sĩ, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất cả nước. Miền Trung nức tiếng là đất học bao đời nay. Người miền Trung rời khỏi quê hương đi tứ xứ đa phần đều mang theo ý chí vươn lên của những con người không khuất phục trước nghịch cảnh, thậm chí từ chính nghịch cảnh ấy mà nung nấu  khát vọng cho bản thân mình. Người miền Trung đến đâu cũng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, "người đi trước rước người đi sau", giúp đỡ nhau, hỗ trợ nhau, nâng đỡ nhau.

Ngẫm lại người dân xứ Sen Hồng mình vài trăm năm trước đa phần cũng từ đồng bằng sông Hồng vượt sông Gianh vào miền Trung, rồi từ đó xuôi về phương Nam khai mở vùng đất hoang sơ Đồng Tháp Mười. Vậy là dù ở đâu trên mảnh đất hình chữ S này, chúng ta đều có chung nguồn cội, chung một dòng máu Lạc Hồng, chung một nền văn minh lúa nước. "Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ". Vùng đất mới khai mở dần trở nên trù phú nhờ công lao bao tiền nhân tạo dựng. Đất đai được bồi đắp phù sa, nước ngọt quanh năm, mưa thuận gió hoà, trên cơm dưới cá... là những "món quà" thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này. Điều kiện đó góp phần kết tinh nên những con người hào sảng, chân tình, mến khách, thậm chí có phần dễ tính.

Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt. Điều kiện sống có phần dễ dàng, thuận lợi đôi khi làm cho con người thiếu ý chí vươn lên. Thì có gì đâu mà lo, mất mùa này thì chờ đợi mùa sau vậy thôi. Sau cơn mưa trời lại sáng thôi. "Làm cho lắm cũng mắm với cà, làm tà tà cũng cà với mắm" thôi. Nếu có nghèo khó thì do trời, do đất, do hổng ai quan tâm giúp đỡ thôi. Nghĩa là do ai đó, do đâu đó, chớ hổng phải do mình. Nghĩa là rồi cũng có chỗ, có người để mà biện minh, quy lỗi cho cái nghèo cái khó, cho cái số định sẵn. Tất nhiên đó là chuyện ngày xửa ngày xưa, giờ bà con mình cũng đã thay đổi rồi, nhưng hình như vẫn còn đâu đó trong xóm này làng kia.

Trong lúc có người nhìn quanh quất rồi than trách thì người miền Trung  tự cứu lấy mình trước. Bà con miền Trung không cam chịu mà nghĩ rằng: "trong cái khó càng ló cái khôn", chưa làm được chuyện lớn thì bắt đầu từ chuyện nhỏ, mỗi ngày một chút, "tích tiểu thành đại", "tích cốc phòng cơ". Bà con miền Trung nghĩ rằng: "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", "khi lành để dành khi đau" thôi. Bà con miền Trung thấm nhuần triết lý người xưa: "có chí thì nên", "có công mài sắt có ngày nên kim", "còn người thì còn của". Con người mới quyết định tất cả. Bà con miền Trung nhắc nhau qua bài dân ca "mười quả trứng" – trong khốn khó, thiếu thốn, gặp hết chuyện không may này đến chuyện xui rủi khác, vẫn vững niềm tin vào bản thân mình, vào một ngày mai tốt đẹp hơn: "chớ than phận khó ai ơi/ còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây". Bà con miền Trung hiểu rằng muốn ứng phó với thiên tai thất thường, thì phải sống cố kết với nhau, dùng sức mạnh của nhiều người để vươn khỏi sự khắc nghiệt trong cuộc sống. Vậy là bà con sống đoàn kết, thuận hoà với nhau bên trong những luỹ tre làng.

Vậy đó, "mưa thuận gió hoà" là chuyện của trời đất, nhưng quan trọng hơn là sự thuận hoà trong cuộc sống hàng ngày của con người. Thuận hoà là nền tảng của sức mạnh người dân. Muốn thuận hoà thì phải bớt đi những điều nhỏ nhặt, tị hiềm, so đo đố kỵ. Muốn thuận hoà thì phải biết san sẻ với nhau, nghĩ cho nhau, chứ không chỉ biết nghĩ cho riêng mình. Muốn thuận hoà thì không thể "đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm". Muốn thuận hoà thì Mặt trận Tổ chức và các tổ chức chính trị - xã hội phải vào cuộc, phải hiểu, phải nhận diện đâu là điểm nghẽn, là rào cản trên con đường đi đến giàu có, thịnh vượng.      

Nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn "Rùa và Thỏ". Rùa thách đấu Thỏ một cuộc đua. Thỏ nhanh chóng bỏ xa Rùa lại phía sau. Yên trí rằng mình sẽ thắng, Thỏ dừng lại nghỉ ngơi. Tuy nhiên khi tỉnh giấc, Thỏ nhận ra Rùa vẫn kiên trì bò một cách chậm chạp, đã về đích trước mình. Vậy đó, chỉ một giây phút tự bằng lòng, hoặc ngồi than vãn, tìm cách biện minh, thì mình sẽ bị bỏ lại phía sau.

Càng thương về miền Trung! Càng kính phục người miền Trung! Mong rằng có nhiều chuyến xe đong đầy tấm lòng của con người xứ Sen Hồng đến với bà con miền Trung ruột thịt. Và cũng mong rằng rằng những chuyến xe ấy chở đầy nghị lực của bà con miền Trung về với Đất nước Sen hồng. 

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn