Từ mô hình “Hội quán nông dân” tiến tới thành lập hợp tác xã

Cập nhật ngày: 09/08/2018 06:31:32

ĐTO - Thời gian qua, Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy Cao Lãnh đã xác định việc xây dựng và phát triển mô hình “Hội quán nông dân” (gọi tắt là Hội quán) tiến tới thành lập hợp tác xã (HTX) trong xây dựng nông thôn mới, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt và tiến hành đồng loạt trên địa bàn thành phố.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (bên trái) thăm hỏi các thành viên của Tâm Quê Hội quán ở xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh. Ảnh: N.An

BTV Thành ủy lãnh đạo UBND TP.Cao Lãnh và cấp ủy, chính quyền cơ sở lựa chọn những địa bàn dân cư đông, có các tổ liên kết sản xuất do những nông dân có cùng ngành nghề, cùng địa bàn tự thành lập Hội quán.

Ban Sáng lập Hội quán, do Hội Nông dân xã chủ trì vận động, các hội viên nông dân tham gia là những người có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, kinh doanh.

Ban Chủ nhiệm Hội quán đều do các thành viên Ban Sáng lập lựa chọn từ những nông dân sản xuất giỏi, kinh doanh hiệu quả, có tâm huyết, kinh nghiệm, có uy tín với cộng đồng dân cư nơi sinh sống, có tư duy “dám nghĩ, dám làm”, không trông chờ, ỷ lại sự “hà hơi tiếp sức” của chính quyền.

Từ nền móng Tổ Hợp tác liên kết sản xuất xoài Hòa Long, Duy Tân Hội quán, ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh chính thức ra mắt từ tháng 9/2016. Từ đó đến nay, TP.Cao Lãnh thành lập được 11 Hội quán ở 7 xã và 2 phường.

Các Hội quán hoạt động đa lĩnh vực (sản xuất xoài, cam xoàn, nhãn, cây cảnh, hoa kiểng, rau sạch). Đặc biệt, có Doanh Tâm Hội quán là nơi tập hợp những chủ doanh nghiệp trên địa bàn để tập hợp các hộ mua bán sản xuất, kinh doanh cùng nhau phát triển kinh tế, tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phường 2 có hiệu quả.

Mô hình Hội quán đã gắn kết được với Ban quản lý cộng đồng dân cư tự quản xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp đô thị tại 9 khóm, ấp có mô hình Hội quán. Cấp ủy, chính quyền đã trở thành cầu nối gắn kết giữa các doanh nghiệp với nông dân, bước đầu, đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản giúp người nông dân an tâm trong sản xuất, tăng thu nhập và tránh được nhiều rủi ro.

Từ hoạt động hiệu quả các Tổ hợp tác, Hội quán, đến nay TP.Cao Lãnh đã thành lập được một số HTX ở xã Mỹ Trà, xã Tân Thuận Tây. Các HTX bước đầu hoạt động có hiệu quả, chẳng hạn: năm 2017, HTX Xoài xã Tân Thuận Tây hợp đồng với Công ty Long Uyên tiêu thụ 400 tấn xoài; năm 2018, HTX lúa giống xã Mỹ Trà đã ký kết sản xuất lúa giống 19ha và ký kết sản xuất lúa sạch với Công ty gạo Đồng An với diện tích 8ha.

Cũng chính từ cơ sở hoạt động hiệu quả của các Tổ hợp tác, Hội quán, trong thời gian tới, TP.Cao Lãnh sẽ thành lập các HTX khi có đủ điều kiện đối với các địa phương khác như: xã Hòa An, Tịnh Thới, Mỹ Tân, Mỹ Ngãi, Tân Thuận Đông.

Theo đồng chí Lê Thành Công - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Cao Lãnh, Hội quán đã thật sự là ngôi nhà chung của nông dân, ở đó tính tự nguyện, tự chủ của người dân được đề cao. Mọi người đến tham gia Hội quán đều vui vẻ, đoàn kết để cùng nhau sẻ chia, nói cho nhau nghe và nghe nhau nói. Cùng bàn “chuyện xóm, chuyện làng”, cùng bàn chuyện liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch, chất lượng để đi đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị nông sản, nông dân có thu nhập cao hơn, ổn định hơn và quan trọng hơn hết là thoát khỏi cái bẫy của sản xuất nhỏ, manh mún, tự phát.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn