Trường Tiểu học Tân Quới 1

Chăm lo giúp đỡ nữ cán bộ, giáo viên tiến bộ

Cập nhật ngày: 14/01/2015 14:23:26

Trường Tiểu học Tân Quới 1 thuộc vùng cù lao huyện Thanh Bình. Hiện trường có 13/34 nữ cán bộ, giáo viên (CB,GV), chiếm tỷ lệ 34,2%. Tân Quới là xã nghèo nên cuộc sống của đa số CB,GV, còn nhiều khó khăn nhất là GV nữ, ngoài chuyên môn, các cô còn dành nhiều thời gian chăm lo kinh tế gia đình mà ít quan tâm đến việc nâng cao trình độ, chuyên môn. Từ đó, nhiều GV thiếu tự tin, không mạnh dạn phát biểu ý kiến trước tập thể và ngại tham gia các phong trào thi đua do ngành, địa phương phát động.


Giáo viên của trường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, từ năm 2012, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) của trường đã lập kế hoạch hoạt động theo từng năm nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng người phụ nữ yêu nước, có tri thức, sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp, năng động và sáng tạo. Bà Trần Thị Hạnh - Chủ tịch Công đoàn, Phó Trưởng Ban VSTBPN Trường Tiểu học Tân Quới cho biết: “Ngoài việc lập kế hoạch hoạt động theo từng quý, từng năm, Ban VSTBPN của trường còn nghiên cứu tìm ra những cách làm hay, mới nhằm giúp các cô vừa hoàn thành nhiệm vụ trong công tác, vừa cởi bỏ những thói quen cũ, từng bước tiến bộ. Muốn làm được điều đó, người phụ nữ phải xóa bỏ tâm lý tự ti, có ý thức nâng cao trình độ chính trị, văn hóa. Bên cạnh đó, người phụ nữ phải khẳng định mình thông qua trình độ chuyên môn, sự đóng góp cho đơn vị, gia đình và xã hội”.

Ban VSTBPN chủ động tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ để chị em nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân với cơ quan, gia đình và xã hội; thường xuyên thăm hỏi, xét trợ cấp khó khăn, vay vốn ngân hàng giúp các cô ổn định cuộc sống, yên tâm công tác; tặng quà cho các cô đang công tác và đã nghỉ hưu nhân dịp lễ, Tết; chú trọng chăm lo sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho nữ CB,GV; công tác khen thưởng cuối năm được chú trọng, ưu tiên cho các cô có nhiều đóng góp cho tập thể và khen thưởng khích lệ các cô có con em học giỏi... Bên cạnh đó, Ban VSTBPN còn chủ động tham mưu cho Ban giám hiệu trường, Công đoàn tổ chức nhiều sân chơi tại đơn vị, vận động các cô tham gia các phong trào thi đua của ngành, địa phương. Nhờ vậy, đến cuối năm 2014, toàn trường có 1 GV dạy giỏi cấp quốc gia, 3 GV dạy giỏi cấp tỉnh. Ở các cuộc thi cấp huyện, trường có 9 GV dạy giỏi; 10 GV có sáng kiến kinh nghiệm; 11 GV đạt giải đồ dùng dạy học; 3 GV đạt giải Tiếng hát GV và 3 chị đạt thành tích ở giải cầu lông.

Ban VSTBPN trường còn phát động mô hình “Phụ nữ với tin học” thông qua việc vận động chị em góp vốn xoay vòng (500.000 đồng/tháng) để mua máy vi tính, nâng cao trình độ tin học. Theo bà Trần Thị Hạnh, ban đầu, đa số GV còn e ngại không tham gia do không biết sử dụng máy vi tính. Nhờ sự vận động, thuyết phục của Ban VSTBPN, các cô đều đồng ý tham gia. Từ ngày có máy vi tính, các cô chịu khó tìm tòi, học hỏi. Các cô còn vận dụng máy vi tính để truy cập internet tham khảo các bài giải, mở rộng kiến thức và tự thiết kế giáo án điện tử. Hiện tại, 13/13 CB,GV có chứng chỉ A, B tin học.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin của các cô đã góp phần mang lại hiệu quả trong công tác giảng dạy, quản lý của đơn vị. Với sự nỗ lực đó, trong 2 năm 2013 và 2014, các GV đã đạt được nhiều thành tích như: 6 cô nhận Bằng khen của UBND tỉnh; 1 cô đạt Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh; 22 danh hiệu Công đoàn viên xuất sắc cấp huyện; 13 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 22 danh hiệu Lao động tiên tiến.

Lê Thanh

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn