Phong phú những mô hình học tập và làm theo gương Bác

Cập nhật ngày: 10/10/2019 05:31:53

Kỳ 1: Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo

ĐTO - Những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương ở Đồng Tháp quan tâm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc học tập, làm theo Bác gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được các địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện bằng nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo.


Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác năm 2019

Để việc học và làm theo Bác đi vào cuộc sống

Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW với hình thức đa dạng như: tổ chức những cuộc thi, sân khấu hóa, sinh hoạt chuyên đề... Trang thông tin điện tử, cơ quan thông tin đại chúng đăng tải bài viết, phóng sự về gương người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm sáng tạo về việc học tập, làm theo gương Bác thông qua các chuyên trang, chuyên mục như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Đồng hành cùng nhân dân”, “Hương sen Đồng Tháp”... Nhiều trường học lồng ghép, tích hợp giảng dạy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” trong một số môn học; tổ chức hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, các cuộc thi, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Thông qua nhiều hình thức, năm 2019, toàn tỉnh Đồng Tháp tổ chức hơn 500 cuộc (lớp) tuyên truyền, học tập về Chỉ thị 05-CT/TW với trên 80.900 lượt người dự.

Các cấp ủy, UBND, tổ chức chính trị - xã hội phát động phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng sâu rộng, hướng vào việc xây dựng những mô hình hay, những tấm gương tiêu biểu. Cơ quan, đơn vị chủ động khảo sát, rà soát những mô hình hay, cách làm mới hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW để bồi dưỡng, giới thiệu nhân rộng. Có thể nói thực hiện đúng, kịp thời công tác biểu dương, khen thưởng là một trong những giải pháp hữu hiệu để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ việc học tập, làm theo gương Bác. Do vậy, công tác biểu dương, khen thưởng được các cấp ủy chỉ đạo thực hiện bằng nhiều hình thức như tổ chức gặp mặt, giao lưu, lễ báo công, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin sinh hoạt chi bộ... Sơ tính, những năm qua, toàn tỉnh có 635 tập thể và 1.932 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tôn vinh, biểu dương, khen thưởng.


Làm giấy khai sinh cho con, chị Thái Ngọc Trinh (bên trái) không cần viết mà chỉ cung cấp, kiểm tra lại thông tin được in ra giấy để ký tên

Tất cả vì dân

Qua học tập và làm theo Bác, nhiều cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Đông Định là một trong 4 ấp của xã Tân Thuận Đông (TP.Cao Lãnh), với hơn 700 hộ dân. Muốn đến ấp cù lao này phải qua đò, chờ đợi khá mất thời gian. Nhận thấy điều kiện đi lại của người dân gặp khó khăn, Đảng ủy, UBND xã thống nhất thành lập Tổ giúp dân về thủ tục hành chính (TTHC) ấp Đông Định vào năm 2014. Từ đó đến nay, cứ vào sáng thứ Năm hàng tuần, thành viên trong tổ đến Nhà văn hóa ấp Đông Định tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân. Tổ không chỉ giúp người dân tốn ít thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại mỗi khi làm TTHC mà quan trọng hơn hết là tạo sự phấn khởi, hài lòng của nhân dân đối với chính quyền. Đây là nền tảng quan trọng để bà con tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Cũng nhằm tạo sự thuận lợi cho nhân dân khi làm TTHC, gần đây, UBND huyện Lấp Vò triển khai mô hình “Công dân không viết”. Công dân, tổ chức khi đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện, xã, thị trấn (gọi tắt là Bộ phận Một cửa) yêu cầu giải quyết TTHC thì chỉ cung cấp thông tin, dữ liệu cá nhân và các giấy tờ liên quan cho cán bộ tiếp nhận giải quyết TTHC. Cán bộ tại Bộ phận Một cửa có trách nhiệm trực tiếp nhập liệu dữ liệu thông tin vào phần mềm “hotrothutuc.vn” theo nội dung thông tin mà cá nhân, tổ chức cung cấp, rồi in biểu mẫu TTHC có đầy đủ thông tin của người dân. Bà con chỉ việc xem, tự kiểm tra tính chính xác của thông tin mà mình cung cấp, rồi ký tên. Hiện mô hình “Công dân không viết” áp dụng trên tất cả các lĩnh vực TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện, cấp xã như: đất đai, tư pháp - hộ tịch, hôn nhân - gia đình, đăng ký kinh doanh, xây dựng...

Có mặt tại Bộ phận Một cửa thị trấn Lấp Vò, chúng tôi gặp chị Thái Ngọc Trinh (SN 1991) ngụ khóm Bình Thạnh 2 đang làm giấy khai sinh cho con. Chị Trinh cung cấp một số thông tin cho cán bộ tự nhập vào máy vi tính. Sau đó, cán bộ in ra cùng lúc tất cả các loại giấy cần thiết (có đầy đủ thông tin) như tờ khai đăng ký khai sinh; phiếu báo thay đổi hộ khẩu; tờ khai tham gia bảo hiểm y tế... Chị Thái Ngọc Trinh phấn khởi cho biết: “Giờ đây, đến Một cửa thị trấn làm TTHC thiệt là tiện lợi. Tôi chỉ có nhiệm vụ kiểm tra lại thông tin được in ra giấy rồi ký tên là xong. Trước đây, phải mất thời gian ngồi viết vào các mẫu giấy tờ, chưa kể có khi viết sai, phải viết lại, đi tới lui nhiều lần”.


Gần Tết Nguyên đán, các thành viên của Tổ tiết kiệm mùa xuân số 13 nhận lại tiền tiết kiệm

Những tổ tiết kiệm

Cũng học tập từ Bác, nhiều tập thể, cá nhân trong tỉnh thực hành tiết kiệm thông qua những mô hình như nuôi heo đất, hùn vốn xoay vòng... Đặc biệt, phải kể đến mô hình tiết kiệm mùa xuân tại Tổ nhân dân tự quản số 13, ấp An Phú, xã An Long, huyện Tam Nông (gọi tắt là Tổ tiết kiệm mùa xuân số 13). Tổ tiết kiệm mùa xuân này thành lập vào tháng 2/2016, có 18 thành viên. Hàng ngày, thành viên gửi tiền tiết kiệm, đến gần Tết Nguyên đán, Tổ tiết kiệm mùa xuân số 13 tổng kết và gửi lại tổng số tiền mà mỗi thành viên tiết kiệm được trong năm. Từ 18 thành viên ban đầu, đến nay, tổ phát triển lên 42 thành viên. Năm 2018, Tổ tiết kiệm mùa xuân số 13 tiết kiệm hơn 230 triệu đồng. Thành viên tiết kiệm tiền nhiều nhất là 36 triệu đồng, ít nhất cũng trên 3,5 triệu đồng. Bà con dùng số tiền này để chi tiêu trong dịp Tết, sửa nhà ở hay đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Thái Văn Thạnh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã An Long cho hay: “Đến nay, xã có 5 Tổ tiết kiệm mùa xuân và 1 Tổ tiết kiệm sửa chữa nhà ở. Các tổ góp phần giúp người dân có thêm vốn đầu tư mua bán nhỏ, mua sắm vật dụng gia đình, sửa nhà... Đồng thời thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong nhân dân. Đây là mô hình thiết thực thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã An Long vinh dự nhận Thư khen của Bí thư Tỉnh ủy về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05”.

Chi hội Phụ nữ ấp 5, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình vận động hội viên tham gia các tổ tiết kiệm, tổ hùn vốn, giúp chị em cải thiện kinh tế và cuộc sống gia đình. Điều đặc biệt là mô hình này phát huy hiệu quả và duy trì hoạt động suốt nhiều năm qua, dù có khi tổng số vốn phải quản lý lên đến hàng tỷ đồng. Ban đầu, Chi hội Phụ nữ ấp 5 vận động chị em tham gia tổ tiết kiệm với 10 thành viên, mỗi người góp 100 ngàn đồng/tháng để cho nhau mượn xoay vòng. Với cách quản lý khéo léo, cẩn thận, đa số chị em sử dụng vốn hiệu quả và tỉ lệ hoàn trả vốn đúng hạn cao. Dần dần, Chi hội Phụ nữ phối hợp Chi hội Nông dân ấp 5 thành lập thêm các tổ hùn vốn với số tiền lớn hơn. Đến tháng 3/2019, ấp 5 đã tăng lên 5 tổ hùn vốn. Sau mùa lúa, mỗi thành viên sẽ góp từ 3 - 10 triệu đồng (tùy tổ). Sơ tính, tổng số vốn mà thành viên của các tổ hùn trong 5 năm là hơn 3 tỷ đồng.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn