Cầu nối để thương hiệu sản phẩm vươn ra thị trường
Cập nhật ngày: 30/03/2018 16:34:43
ĐTO - Những năm qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) Đồng Tháp đã làm tốt công tác là “cầu nối” hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu cho các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Thiên Thành luôn quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu
Theo Trung tâm KC&TVPTCN, trong giai đoạn 2016 - 2020, để thúc đẩy sản xuất công nghiệp địa phương phát triển, tăng sức cạnh tranh hàng hóa, đơn vị sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xác lập quyền sở hữu thương hiệu. Điều này nhằm tạo tiền đề để các cơ sở khẳng định chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng và các đối thủ cạnh tranh, đồng thời tạo ra những giá trị vững chắc, là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả và bền vững.
Thời hội nhập, vai trò của việc xây dựng, phát triển thương hiệu là vô cùng quan trọng nhằm giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ; đồng thời giúp các cơ sở sản xuất hội nhập thành công vào nền kinh tế thị trường trong và ngoài nước. Ông Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp (huyện Châu Thành) cho biết: “Ngay từ khi mới thành lập, Ban Giám đốc công ty đã thực hiện các thủ tục đăng ký để được công nhận nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm trái cây sấy. Tuy chỉ là điểm khởi đầu nhưng có thể xem đây là bước đệm trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu. Song song đó, công ty còn chú trọng mở rộng kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ hàng Việt và tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm”.
Anh Đặng Quý Ngọc - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Thiên Thành (huyện Lai Vung) cho biết: “Để thương hiệu sản phẩm mãng cầu xiêm vươn xa, bước phát triển những năm tiếp theo, đơn vị sẽ luôn chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu. Song song đó, đơn vị còn tổ chức lại sản xuất và xây dựng quy trình sản xuất an toàn để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường”.
Theo Trung tâm KC&TVPTCN, tại Đồng Tháp, việc hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu sẽ được thực hiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, đối tượng được ưu tiên hỗ trợ là các cơ sở có sản phẩm được trao chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Để việc xây dựng, phát triển thương hiệu dần đi vào chiều sâu, ông Mai Văn Đối - Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp cho biết: “Thời gian tới, Trung tâm sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, lựa chọn các hình thức quảng bá phù hợp với từng thị trường ở những thời điểm khác nhau trong chiến lược phát triển thương hiệu. Song song đó, Trung tâm sẽ lựa chọn phương thức quảng bá rộng rãi thông qua các phương tiện truyền hình, báo chí, internet, điểm bán hàng, hỗ trợ tư vấn thiết kế bao bì hoặc tham gia các hội chợ, triển lãm... để sản phẩm có thể tiếp cận với người tiêu dùng rộng rãi hơn”.
Rõ ràng, công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá cho sản phẩm đã mang lại hiệu quả trong việc đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp theo hướng bền vững. Thực tế hiện nay, sản phẩm của các doanh nghiệp có chất lượng bảo đảm, mẫu mã đẹp, nhưng vẫn chưa đẩy mạnh khâu quảng bá cho người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng, đòi hỏi các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần xác định rõ việc hỗ trợ của Nhà nước chỉ mang tính khuyến khích, căn bản nhất là các doanh nghiệp phải phát huy nội tại cho sự bền vững của mình. Bởi thế, việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, hội chợ để quảng bá sản phẩm cần xem là một khâu quan trọng, thậm chí có vai trò quyết định đến sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Hoài Minh