Hướng đến kinh doanh lành mạnh và tiêu dùng bền vững

Cập nhật ngày: 23/03/2018 15:57:50

ĐTO - Những năm qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (TC&BVQLNTD) tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về ý thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng (NTD). Hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2018 do Bộ Công Thương phát động, Hội TC&BVQLNTD Đồng Tháp tiếp tục triển khai những chương trình hoạt động nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề của năm là “Kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững”.


Phiên chợ nông nghiệp xanh, một trong những hoạt động hướng đến kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững

Kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, khu vực và thế giới sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các sự kiện “kích cầu” diễn ra hàng năm. Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) thì điều quan trọng là phải đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của NTD. Nói đến kinh doanh là nói đến cạnh tranh, cạnh tranh kinh tế là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh tế (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ, NTD, thương nhân...) nhằm giành lấy những vị thế tạo nên lợi thế tương đối trong sản xuất, tiêu thụ hay tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, các lợi ích về kinh tế, thương mại khác để thu được nhiều lợi ích nhất cho mình.

Ông Phan Kim Sa - Phó Chủ tịch Hội TC&BVQLNTD Đồng Tháp cho rằng, cạnh tranh của một DN là chiến lược của một DN với các đối thủ trong cùng một ngành. Sự canh tranh buộc người sản xuất phải năng động, nhạy bén, nắm bắt tốt hơn nhu cầu của NTD. Cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt cho NTD . Người sản xuất phải tìm mọi cách để làm ra sản phẩm có chất lượng hơn, đẹp hơn, có chi phí sản xuất rẻ hơn, có tri thức khoa học, công nghệ trong đó cao hơn... để đáp ứng thị hiếu của NTD.

Cạnh tranh lành mạnh là loại hình cạnh tranh theo đúng quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh. Cạnh tranh có tính chất thi đua, thông qua đó, mỗi chủ thể nâng cao năng lực của chính mình mà không dùng thủ đoạn triệt hạ đối thủ. Phương châm của cạnh tranh lành mạnh là “không cần phải thổi tắt ngọn nến của người khác để mình tỏa sáng”. Ngược lại, cạnh tranh không lành mạnh là tất cả những hành động trong hoạt động kinh tế trái với đạo đức nhằm làm hại các đối thủ kinh doanh hoặc khách hàng.

Sự khác biệt giữa cạnh tranh không lành mạnh và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh là một bên có mục đích bằng mọi cách tiêu diệt đối thủ để tạo vị thế độc quyền cho mình, một bên là dùng cách phục vụ khách hàng tốt nhất để khách hàng lựa chọn mình chứ không lựa chọn đối thủ của mình. Nhằm chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, hiệp hội ngành nghề trong việc phòng, chống tin đồn thất thiệt, giải pháp tốt nhất là các nhà sản xuất, kinh doanh phải tự bảo vệ mình, bằng nghiệp vụ quản trị thông tin, bằng chất lượng sản phẩm và chữ tín của DN.

Tiêu dùng bền vững là việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm liên quan, nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản, cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn trong khi giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các chất độc hại cũng như giảm thiểu phát sinh chất thải và chất ô nhiễm trong vòng đời của dịch vụ hoặc sản phẩm để không gây tổn hại tới nhu cầu của các thế hệ tương lai. Thực tế ở nước ta hiện nay, tiêu thụ bền vững còn chưa được quan tâm, các hoạt động triển khai còn hạn chế. Ở Việt Nam, thói quen tiêu dùng bị chi phối bởi phong tục, tập quán và khả năng kinh tế. Với đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trong 10 năm gần đây, nhiều thói quen tiêu dùng, nhất là ở thế hệ trẻ đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững.

Là một người trẻ khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Các Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát (huyện Lai Vung) cho rằng: “Để giúp NTD tiêu dùng bền vững thì mỗi DN phải thống nhất đồng lòng sản xuất kinh doanh vì NTD, vì sự tiến bộ của xã hội. Sự thống nhất đó thể hiện từ người lãnh đạo cao nhất đến nhân viên sản xuất cấp thấp nhất, từ nguyên liệu nhỏ nhất đến thành phẩm sau cùng, từ người trực tiếp làm ra sản phẩm, người bán hàng cho đến NTD cuối”.

Hướng đến bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NTD

Ông Phan Kim Sa - Phó Chủ tịch Hội TC&BVQLNTD nhìn nhận: Mặc dù Luật BVQLNTD đã ra đời nhiều năm và được tuyên truyền rộng rãi nhưng vẫn còn nhiều NTD chưa nhận biết đầy đủ được quyền lợi của mình khi đi mua sắm và quyền lợi chính đáng đó được pháp luật bảo vệ. Để tiêu dùng bền vững, NTD cần lưu ý tìm hiểu kỹ về cửa hàng, đơn vị kinh doanh mà mình sẽ giao dịch, ưu tiên giao dịch với những đơn vị có uy tín; tìm hiểu các công cụ hỗ trợ nếu có tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch như email, điện thoại của DN, lãnh đạo DN, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan bảo vệ QLNTD địa phương; xây dựng thói quen tiêu dùng thông minh, tập trung vào những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cần thiết; thực hiện việc đánh giá và kiểm tra lại các thông tin do DN công bố trong sự kiện, đặc biệt là liên quan đến giá cả.


Khách tham quan mua sắm tại Coop.mart Cao Lãnh

Năm qua, trong công tác thông tin tuyên truyền, Hội TC&BVQLNTD Đồng Tháp phối hợp với các đơn vị thông tin truyền thông và các ngành hữu quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của NTD , trách nhiệm của các tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn; cách phân biệt các thủ đoạn lừa đảo trong mua bán và cảnh giác trước thủ đoạn kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường. Ngoài ra, các cấp Hội cũng thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyên môn, giao tiếp để phục vụ tốt công tác bảo vệ quyền lợi NTD, nhất là công tác giải quyết khiếu nại của NTD và hướng dẫn NTD trong việc mua sắm, sử dụng hàng hóa dịch vụ.

Trong công tác tư vấn và giải quyết khiếu nại cho NTD , các cấp Hội đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng để kịp thời nắm bắt thông tin, hòa giải hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý những vi phạm quy định về bảo vệ quyền lợi NTD. Ngoài ra, các cấp Hội cũng tích cực tuyên truyền triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm; tập huấn cho nhà vườn cách phòng trị bệnh trên cây ăn trái lồng ghép với hướng dẫn phân biệt phân bón thật và phân bón kém chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để bảo vệ uy tín thương hiệu nông sản đồng thời cũng là bảo vệ cho NTD; tuyên truyền về quyền được an toàn của NTD và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp...

Hướng đến bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NTD, để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững luôn cần sự phối hợp tốt từ nhiều phía (nhà sản xuất, nhà phân phối, NTD ...). Với chức năng, nhiệm vụ chế biến kinh doanh các sản phẩm thực phẩm, Ban lãnh đạo Công ty CPTP Bích Chi (TP.Sa Đéc) luôn nhận thức rằng NTD là người đem lại sự tồn tại và phát triển của DN. Bích Chi luôn quan tâm chú trọng những chính sách của DN về hỗ trợ bảo hành sản phẩm, tư vấn hỗ trợ sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn, chất lượng, tiết kiệm. Cụ thể như đầu tư hệ thống thu thập dữ liệu khách hàng CRM giúp Bích Chi tiếp nhận, theo dõi và quản lý các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ khách hàng kịp thời và nhanh chóng nhất. Áp dụng các giải pháp QR Code in trực tiếp trên bao bì sản phẩm. Với giải pháp này, khách hàng có thể dễ dàng kiểm tra đầy đủ thông tin về sản phẩm.

Là đơn vị bán lẻ uy tín trên thị trường, hệ thống Co.opmart nói chung và siêu thị Co.opmart Cao Lãnh nói riêng luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc cung ứng hàng hóa đến tay NTD. Ông Thái Quốc Đạt Thành - Phó Giám đốc Co.opmart Cao Lãnh (TP.Cao Lãnh) cho biết: “Để đảm bảo hàng hóa khi đưa vào kinh doanh phục vụ người dân có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, ngay từ những khâu đầu tiên là lựa chọn nhà cung cấp, Co.op mart ưu tiên cho các DN sản xuất trong nước, đặc biệt là sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có chứng nhận của Bộ Y tế về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có chứng chỉ ISO hoặc HACCP”.

Theo ông Nguyễn Trung Cang - Chủ tịch Hội TC&BVQLNTD Đồng Tháp, trong năm 2018, Hội TC&BVQLNTD Đồng Tháp sẽ kết hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục NTD bằng nhiều hình thức. Hội sẽ đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao kiến thức kỹ năng để NTD tự bảo vệ mình trước những vấn nạn thực phẩm không an toàn và hàng giả; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác kiểm tra kiểm soát và giải quyết khiếu nại NTD. Một trong những hoạt động đáng chú ý khác là kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp tiếp tục triển khai thành lập các Câu lạc bộ NTD Nữ ở các địa phương đã thành lập Hội. Công tác BVQLNTD là hoạt động quan trọng, làm tốt công tác BVQLNTD sẽ khuyến khích hệ thống cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường; giúp cho sản xuất kinh doanh phát triển lành mạnh đúng hướng, ổn định xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn