Tiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệp
Cập nhật ngày: 27/03/2018 06:39:31
ĐTO - Nhằm tiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh với mục đích nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc chú trọng và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế và khởi nghiệp.
Đoàn Ngọc Minh Thùy khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu
Đặc biệt, đề án này hướng đến các loại hình kinh tế tập thể, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản trị. UBND tỉnh yêu cầu các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh triển khai đảm bảo tiến độ và mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Đề án, lấy phụ nữ làm trung tâm vừa là chủ thể hành động, vừa là đối tượng thụ hưởng.
Một số chỉ tiêu chủ yếu mà kế hoạch đề ra là có ít nhất 90% cán bộ Hội Phụ nữ chuyên trách các cấp và cán bộ các ngành tham gia triển khai kế hoạch được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Có 80% hội viên, phụ nữ có mặt tại địa phương được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ ít nhất 600 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, trong đó có 300 phụ nữ đăng ký kinh doanh; phối hợp, hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã và 50 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý và có 100% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Ngoài ra, có 80% trở lên hộ hội viên, phụ nữ 8 xã biên giới được hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức: hỗ trợ vốn, học nghề, chuyển giao khoa học - công nghệ, phương tiện được tuyên tuyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật...
Đối với 8/8 xã biên giới có mô hình kinh tế tập thể phù hợp với phụ nữ và hoạt động hiệu quả; 100% cụm, tuyến dân cư của 8 xã biên giới được triển khai, kết nối và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.
Nhằm đạt được chỉ tiêu của kế hoạch đề ra, tỉnh xác định việc tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững là một trong những giải pháp quan trọng.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các ngành hữu quan giúp phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hiện thực hóa ý tưởng. Trong đó, hướng dẫn chị em phụ nữ thực hiện quy trình sản xuất an toàn, sạch. Đồng thời hỗ trợ kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường để có phương án trồng trọt, chế biến sản phẩm phù hợp, chất lượng.
Theo kế hoạch, phụ nữ còn được hướng dẫn cách thức xây dựng ý tưởng kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể của phụ nữ đăng ký, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; tiếp cận tín dụng từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp - Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của tỉnh Hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay kinh tế tập thể của tỉnh.
Nhằm đạt mục tiêu đề ra, kế hoạch cũng định hướng một số giải pháp cụ thể: hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ mới thành lập; liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường; hỗ trợ tăng tính kết nối, liên kết của các doanh nghiệp nữ trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm việc triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững ở 8 xã biên giới. Trong công tác hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững thông qua các mô hình, cách làm sáng tạo của phụ nữ.
Đối với việc hỗ trợ phát huy vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình, theo kế hoạch, tỉnh định hướng sẽ tổ chức dạy nghề cho các lao động nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn...
Y DU