Facebook, Twitter từ chối cấp thông tin người dùng cho chính quyền Hong Kong

Cập nhật ngày: 08/07/2020 05:34:57

Facebook, WhatsApp, Twitter, Google và Telegram thông báo 'tạm dừng' cung cấp thông tin người dùng theo yêu cầu của chính quyền Hong Kong để 'chờ thêm các đánh giá về luật an ninh quốc gia' mà Trung Quốc áp dụng ở đó.


Facebook và WhatsApp thông báo 'tạm dừng' cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Hong Kong - Ảnh: GETTY IMAGES

Telegram, trụ sở tại London (Anh), là nơi đầu tiên tuyên bố kế hoạch 'dừng hợp tác', theo Đài BBC ngày 7-7 (giờ Việt Nam). Chính quyền Hong Kong yêu cầu hãng công nghệ phải cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền trong trường hợp có yêu cầu, song Telegran từ chối đáp ứng lúc này.

"Chúng tôi hiểu quyền riêng tư của người dùng ở Hong Kong. Telegram không có ý định xử lý bất kỳ yêu cầu dữ liệu nào liên quan đến người dùng Hong Kong cho đến khi đạt được sự đồng thuận quốc tế liên quan đến những thay đổi chính trị đang diễn ra trong thành phố" - công ty Anh này ra thông báo.

Sau đó, Facebook cũng thông báo ngừng xem xét các yêu cầu của chính quyền đặc khu, "chờ đánh giá thêm về các vấn đề nhân quyền".

"Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người và ủng hộ mọi người có quyền được bày tỏ bản thân mà không cần lo lắng cho an toàn của bản thân hoặc những hậu quả khác" - Facebook cho biết.

WhatsApp, thuộc sở hữu của Facebook, cũng tuyên bố "tin tưởng con người có quyền thực hiện các cuộc trò chuyện trực tuyến riêng tư" và "chúng tôi cam kết cung cấp dịch vụ nhắn tin riêng tư và an toàn cho người dùng ở Hong Kong".

Cả hai nền tảng trên đều bị chặn ở Trung Quốc đại lục nhưng có thể được truy cập tại Hong Kong.

Google cũng cho biết đã tạm dừng cung cấp dữ liệu theo yêu cầu mới của chính quyền Hong Kong kể từ khi luật mới có hiệu lực hồi tuần rồi. "Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét và đánh giá chi tiết về luật mới" - Google thêm.

Twitter nói rằng họ cũng đã có hành động tương tự.

Tất cả các tuyên bố trên có thể tạo thêm áp lực lên Apple và buộc công ty này đưa ra quyết định tương tự, theo Đài BBC.

Không giống như các công ty kia, Trung Quốc không chặn hay khóa các dịch vụ của Apple ở nước này. Tuy nhiên, Facebook, Google và Twitter cũng có thể kiếm lợi nhuận từ việc bán quảng cáo cho các khách hàng Trung Quốc.

Theo báo cáo minh bạch mới nhất của Apple, gã khổng lồ công nghệ này đã chấp hành phần lớn yêu cầu của chính quyền Hong Kong trong giai đoạn nửa đầu năm 2020, trước khi luật an ninh quốc gia Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Microsoft cũng từng nộp dữ liệu người dùng cho các quan chức Hong Kong và vẫn duy trì sự hiện diện quan trọng ở Trung Quốc đại lục, cũng chưa công bố bất cứ sự thay đổi chính sách nào liên quan đến đặc khu hành chính này.

Theo ANH THƯ (TTO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn