Ảnh hưởng của thuốc lá và tổn thất về kinh tế

Cập nhật ngày: 02/11/2018 10:29:50

Theo điều tra toàn cầu năm 2010, Việt Nam có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.


Ảnh: nguồn internet

Tình trạng mắc các bệnh lây nhiễm giảm thì các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi... là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới. Gần 28% ca tử vong ở nam giới từ 35 tuổi trở lên là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu trong thời gian tới không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030.

Đối với những bệnh nhân hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng tới sức khỏe. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Nam giới hút thuốc hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc làm giảm lượng tinh trùng, gây dị dạng tinh trùng, giảm lượng máu dẫn đến dương vật gây liệt dương. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỉ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Thuốc lá không những ảnh hưởng đến sức khỏe gây ra những căn bệnh liên quan, còn làm tổn thất đến vấn đề kinh tế như: chi phí cho mua thuốc lá hút, chi phí chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, tăng ngày nghỉ làm của nhân viên do mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc như: bệnh tật do thuốc lá gây ra làm tăng chi phí bảo hiểm. Khói thuốc cũng làm xỉn màu, làm xấu và nhanh hỏng các tài sản, gây ảnh hưởng sức khỏe và ấn tượng không tốt với khách, tăng chi phí quét dọn gây ô nhiễm môi trường...

Ngoài ra, việc chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp, những người có thu nhập thấp nếu hút thuốc phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những trường hợp này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học hoặc chăm sóc vào mục đích khác cho con cái của mình được tốt hơn.

Bên cạnh đó, hút thuốc lá chắc chắn sẽ gây nên những căn bệnh nguy hiểm, do đó sẽ không thể tránh khỏi chi phí để chăm sóc y tế cho chính bản thân người hút thuốc và cả những người hút thuốc thụ động trong gia đình là rất lớn. Người bệnh không những dần mất đi khả năng lao động, mất đi một nguồn thu nhập cho gia đình, mà còn phải chi trả cho tiền chữa trị bệnh tật do thuốc lá gây ra, tình trạng hộ nghèo tiếp tục diễn ra. Việc giảm ngày công lao động là những tổn thất rất lớn cho một quốc gia có nhiều người nghiện thuốc lá.

Do đó, cần phải tăng cường thông tin về gánh nặng kinh tế do thuốc lá gây ra với ngân sách nhà nước, hộ gia đình và xã hội nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá trong nhân dân và các cơ quan nhà nước. Tăng cường thực thi các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến chính sách giá và thuế thuốc lá, nhằm giảm lượng tiêu thụ thuốc lá.

NH/TTKSBT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn