Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 26/07/2019 16:03:45

ĐTO - Tính đến ngày 14/7/2019, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh tăng cao. Theo ghi nhận của ngành y tế, toàn tỉnh có 1.627 ca mắc SXH, tăng 80,38% (tăng 725 ca) so với cùng kỳ năm 2018. Hiện ngành y tế tỉnh tăng cường các biện pháp khống chế không cho bệnh bùng phát trên diện rộng, đồng thời vận động người dân tích cực phòng bệnh.


Bệnh nhân bệnh sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa Hồi sức Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Số ca mắc SXH xuất hiện rải rác ở nhiều nơi trong tỉnh. Các địa phương có số ca mắc cao như: huyện Hồng Ngự, Lấp Vò, Cao Lãnh, TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc. Tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2019, số lượng bệnh nhân đến nhập viện điều trị bệnh SXH tăng hơn so với cùng kỳ năm 2018. Ghi nhận tại Khoa Hồi sức nhi - Sơ sinh, số trẻ dưới 15 tuổi đến điều trị nội trú là 215 ca (có 20 ca nặng); so với cùng kỳ năm 2018 tăng 27 ca. Theo bác sĩ chuyên khoa II, Huỳnh Hồng Phúc - Trưởng Khoa Hồi sức Nhi - Sơ sinh, tình hình bệnh nhân đến nhập viện điều trị SXH trong 6 tháng đầu năm tăng so cùng kỳ năm 2018, đa phần tập trung độ tuổi từ 5 - 10 tuổi. Bác sĩ Huỳnh Hồng Phúc cho biết thêm: “Một số dấu hiệu nhận biết bệnh SXH như nếu có sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 ngày trở lên nên đến cơ sở y tế để được khám, tầm soát bệnh SXH sớm. Bệnh SXH ở ngày thứ 3 sẽ trở nặng, kèm theo biểu hiện nôn ói, chảy máu cam,... nếu không đến cơ sở y tế điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng”.

Chủ động phòng bệnh SXH, ngay từ đầu năm, ngành y tế triển khai tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực cho cán bộ các trạm y tế xã, phường trong tỉnh về phòng, chống dịch, xử lý ổ dịch; tuyên truyền cho người dân phòng bệnh. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh có kế hoạch giám sát côn trùng, giám sát ca bệnh, phun xịt hóa chất tại những nơi xuất hiện từ 2 ca bệnh. Tuy nhiên, hiện nay một số người dân vì bận rộn nên ít có thời gian tìm hiểu về bệnh SXH, chưa chủ động phòng bệnh. Ông Huỳnh Văn Cường ở TX.Hồng Ngự có con đang điều trị SXH tại Khoa Hồi sức Nhi - Sơ sinh, BVĐK Đồng Tháp cho biết, con gái ông (9 tuổi), bị sốt liên tục trong 2 ngày, có mua thuốc cho uống nhưng không khỏi, nên đưa bé đến BVĐK Hồng Ngự khám mới phát hiện bé bị SXH đang chuyển sang giai đoạn nặng. Sau đó, bé được chuyển xuống BVĐK Đồng Tháp điều trị. Ông Cường nói: “Do tôi bận đi làm, ít ở nhà chăm sóc con, chưa tìm hiểu thông tin nên biểu hiện của bệnh SXH tôi cũng không rành lắm. Nghĩ là con bị sốt, cho uống thuốc vài lần sẽ khỏi. Tới khi bệnh trở nặng, tôi mới biết”.

Hiện nay, ngành y tế chủ yếu tuyên truyền cho người dân phòng bệnh và phun xịt hóa chất diệt muỗi trong cộng đồng. Nhưng để phòng bệnh SXH tốt, đòi hỏi mỗi người dân cần có thói quen diệt lăng quăng, dọn sạch nơi muỗi có thể đẻ trứng. Ông Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: “Hiện nay, tình hình bệnh SXH có tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế. Bệnh SXH thường giảm vào 2 tháng đầu năm, từ tháng 3 trở đi bệnh sẽ tăng và đỉnh điểm mùa mưa. Do đó, biện pháp để phòng bệnh SXH tốt nhất vẫn là mỗi gia đình nhớ xúc lu, thay nước bình bông ít nhất 1 lần trong tuần; đổ bỏ các vật chứa nước gần nhà như gáo dừa, vỏ xe, thau bể...; dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, ngủ mùng kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt”.

Trước tình hình bệnh SXH đang tăng để ngăn chặn dịch bùng phát, Sở Y tế vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình SXH, đảm bảo phát hiện sớm, tránh để chuyển sang nặng. Xử lý ngay khi có ổ dịch, không để dịch bùng phát. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chống dịch SXH tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh phối hợp địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng tại các nơi xuất hiện ổ dịch, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng phòng, chống bệnh SXH.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn