Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý phòng các bệnh không lây nhiễm

Cập nhật ngày: 28/09/2020 14:44:23

Hiện nay, mức sống người dân được cải thiện, thực phẩm sẵn có tràn ngập... đã làm gia tăng các hậu quả liên quan đến thay đổi lối sống và thói quen ăn uống không hợp lý, ít hoạt động thể lực, sử dụng thuốc lá thường xuyên dẫn đến sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm.


Ảnh: nguồn internet

Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chứng mình rằng, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, dinh dưỡng lành mạnh có tác động mạnh mẽ tới sức khỏe của mỗi con người trong suốt cả cuộc đời, thậm chí liên quan đến cả thế hệ sau của họ (dinh dưỡng với chu kỳ vòng đời). Hành vi ăn uống thiếu khoa học không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe hiện tại mà còn có thể là nguyên nhân của các bệnh như: ung thư, bệnh tim mạch và đái tháo đường sau này.

Các bệnh không lây nhiễm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Thiếu và thừa các chất dinh dưỡng đều tác động tiêu cực tới sự phát triển những căn bệnh này. Vì vậy, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất cần thiết trong phòng bệnh không lây nhiễm.

Mỗi loại thức ăn có chứa một số loại chất dinh dưỡng nhất định với tỷ lệ khác nhau, cho nên bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm. Chế độ ăn cần đủ các chất dinh dưỡng so với nhu cầu cơ thể, ăn đa dạng các loại thực phẩm, các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn gốc động vật và nguồn gốc thực vật. Các chất dinh dưỡng của các loại thực phẩm này sẽ bổ sung cho nhau và giá trị dinh dưỡng của bữa ăn sẽ tăng lên.

Trong khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật như: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, các loại đậu, đỗ... Ta nên ăn thức ăn giàu đạm với tỉ lệ cân đối giữa nguồn đạm động vật và thực vật. Các loại thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò...) có nhiều sắt giúp phòng, chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, ăn nhiều thịt đỏ lại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, gout... do có chứa nhiều cholesterol, nhân purin, vì vậy không nên ăn nhiều. Nên ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần, trung bình 2,5kg cá/tháng.

Tăng sử dụng đậu tương và chế phẩm từ đậu tương như: đậu phụ, sữa đậu nành... (nguồn chất đạm, chất béo quí giá, nhiều hoạt chất sinh học có vai trò chống oxy hóa, chống ung thư và điều hòa chuyển hóa cholesterol) và các hạt họ đậu khác. Mỗi người nên ăn 2-3kg đậu phụ/tháng.

Chúng ta nên giữ trong khẩu phần hàng ngày ít nhất là 40% chất béo thực vật, chất béo động vật không nên vượt quá 60%, nên ăn phối hợp cả mỡ động vật và dầu thực vật, không nên thay thế hoàn toàn mỡ động vật bằng các chất béo thực vật. Dầu, mỡ để chiên chỉ dùng một lần rồi đổ bỏ; hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư. Mỗi người trưởng thành mỗi ngày trung bình nên ăn khoảng 25-30g dầu, mỡ tương đương 5-6 thìa cà phê.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên ăn ít nhất 400 gam rau xanh, quả mỗi ngày có tác dụng phòng, chống các bệnh mạn tính như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Những người thừa cân, béo phì, rối loạn glucose máu, đái tháo đường nên lưu ý hạn chế các loại quả chín ngọt và nhiều năng lượng như: chuối, xoài, mít, vải...

Không nên ăn các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn vì có nhiều muối, ngọt, mỡ, thức ăn có chỉ số đường huyết cao. Ăn đủ nhu cầu, cần phân chia hợp lý các bữa ăn trong ngày (tùy theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ lao động); tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi; hạn chế ăn mặn. Thói quen ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tăng huyết áp, ung thư dạ dày.

Thực hiện lối sống lành mạnh: không hút thuốc lá, không nên uống rượu bia, tăng cường vận động mỗi ngày, ăn uống dinh dưỡng hợp lý và duy trì cân nặng ở mức vừa phải là những yếu tố quan trọng để có sức khỏe tốt, phòng, chống mắc các bệnh không lây nhiễm.

NH (tổng hợp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn