Nỗ lực đảm bảo an toàn thực phẩm mùa Tết

Cập nhật ngày: 30/01/2019 11:10:49

ĐTO - Tết Nguyên đán đang đến gần, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang rất được quan tâm. Phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Lườm – Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp về công tác đảm bảo an ATTP mùa Tết với những khuyến cáo rất hữu ích.


Người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm có sự kiểm soát của cơ quan thú y

* PV: Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sắp đến, ngành y tế có những giải pháp gì trong đảm bảo vệ sinh ATTP?

- Ông Trần Văn Lườm: Thực hiện Kế hoạch số 107/KH-BCĐ ngày 18/12/2018 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh về việc triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân 2019 trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì, tham mưu triển khai các hoạt động theo chỉ đạo.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch về việc truyền thông bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân 2019 và triển khai đến Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố để phối hợp thực hiện. Kế hoạch huy động tối đa các kênh truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Ngành y tế chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra liên ngành, thành lập Đoàn kiểm tra với 14 thành viên thuộc các cơ quan, đơn vị: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Thanh tra Sở Y tế, Sở Công Thương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh, Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng.

Đối tượng thanh tra, kiểm tra trong dịp Tết năm nay là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Kỷ Hợi và các lễ hội như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Với các giải pháp nêu trên, ngành y tế đã và đang tích cực triển khai thực hiện đồng loạt trên địa bàn tỉnh nhằm hoàn thành mục tiêu kiểm soát bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết.

* PV: Những khuyến cáo về sử dụng thực phẩm an toàn trong mùa Tết?

- Ông Trần Văn Lườm: Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình trong dịp Tết, người tiêu dùng nên lưu ý khâu lựa chọn thực phẩm. Đối với thực phẩm tươi sống nên chọn sản phẩm tươi, có màu sắc, cấu trúc tự nhiên. Sản phẩm thịt, trứng nên có kiểm dịch của cơ quan thú y. Không chọn sản phẩm có bất kỳ biểu hiện lạ hoặc nghi ngờ không an toàn như: thịt bò có đốm trắng do bị nhiễm giun sán, thịt gà có màu đen xạm do gà bị bệnh chết; rau, củ quả quá “mập”, có màu sắc bất thường hoặc có mùi hắc, mùi hóa chất bảo vệ thực vật...

Đối với thực phẩm bao gói sẵn, người tiêu dùng xem kỹ nhãn mác, hạn sử dụng, xuất xứ sản phẩm trước khi chọn mua. Từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh không đảm bảo an toàn; không chấp nhận những sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

* PV: Khâu bảo quản thực phẩm cũng rất quan trọng. Các bước thực hiện như thế nào?

- Ông Trần Văn Lườm: Nên đậy kín thức ăn thừa, bọc riêng thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh; không trữ thức ăn nấu chín trong tủ lạnh quá lâu... chú ý “5 bước quan trọng để đảm bảo thức ăn an toàn” như sau:

Bước 1: Giữ vệ sinh sạch sẽ đối với người trực tiếp chế biến và đồ dùng chế biến thức ăn; giữ gìn và bảo quản thức ăn tránh khỏi sự tiếp xúc của côn trùng và các con vật khác.

Bước 2: Bảo quản riêng biệt thức ăn sống và chín.

Bước 3: Nấu kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và đồ hải sản.

Bước 4: Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp, thường là dưới 5oC; đảm bảo thức ăn chín thật nóng (hơn 60oC) trước khi ăn.

Bước 5: Sử dụng nước sạch trong chế biến và chú ý sử dụng đối các thực phẩm tươi sống, cụ thể nên rửa thật kỹ rau, quả, đặc biệt với các loại rau, quả ăn sống.

Trường hợp sử dụng rượu, bia cần lưu ý không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; không lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia.

* PV: Những triệu chứng của ngộ độc thực phẩm và cách xử trí của người dân khi có biểu hiện ngộ độc thực phẩm?

- Ông Trần Văn Lườm: Ngộ độc thực phẩm do các nguyên nhân khác nhau như do vi sinh vật, do hóa chất, do thực phẩm chứa độc tố tự nhiên hoặc do thực phẩm biến chất sẽ có các triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng thường gặp như: buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc đi ngoài phân lỏng kéo dài, chóng mặt, nhức đầu, sốt, đau mỏi toàn thân, co giật... Trong đó, triệu chứng đau bụng và tiêu chảy nhiều lần là một trong những biểu hiện thường thấy nhất ở bệnh nhân ngộ độc thực phẩm.

Khi có trường hợp nhiễm độc, ngộ độc do thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thì nhất thiết phải đình chỉ việc sử dụng thức ăn đó và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn (nếu có thể) và báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến điều tra xác minh, kịp thời tổ chức cấp cứu cho người bị ngộ độc.

Xử trí cấp cứu trước tiên là phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra cho hết chất đã ăn vào, cách gây nôn thông thường là ngoáy họng. Có thể pha 2 muỗng canh muối hòa trong 1 ly nước ấm hoặc uống nhiều nước lọc, rồi dùng ngón tay trỏ ép vào gốc lưỡi, kích thích người bệnh nôn càng nhiều càng tốt. Cần lưu ý khi thực hiện biện pháp này với trẻ nhỏ, tránh gây xây xước họng trẻ, phải để trẻ gối đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra; không để trẻ nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi, dễ dẫn đến tử vong.

Đối với người bệnh tiêu chảy, có thể sử dụng dung dịch oresol hòa tan để tránh tình trạng đi ngoài nhiều gây mất nước trong cơ thể. Trường hợp không có sẵn oresol, có thể thay thế bằng dung dịch nước muối, đường, bằng cách pha 1 muỗng cà phê muối, 8 muỗng cà phê đường trong 1 lít nước lọc hoặc nước sôi để nguội. Những người có biểu hiện ngộ độc nhẹ như: đau bụng, đi ngoài có thể uống men tiêu hóa/men vi sinh để cải thiện tình hình, giảm các cơn đau.

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng khác lạ như: co giật, rối loạn ý thức hay suy hô hấp thì không sử dụng biện pháp gây nôn nếu không sẽ ảnh hưởng tới tính mạng; cần nhanh chóng chuyển người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị. Lưu ý đặt người bệnh nằm đầu thấp, nghiêng về một bên trong quá trình di chuyển tới bệnh viện đề phòng chất nôn sặc vào phổi, dẫn tới tử vong.

* PV: Xin cám ơn ông!

Thành Nam (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn