Câu chuyện “Cây bút thời @”

Cập nhật ngày: 21/06/2018 19:37:42

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018062103235221-6 CAU CHUYEN CAY BUT THOI11.mp3

Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan có bài viết gửi Báo Đồng Tháp. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Hổng biết từ khi nào người ta gán cho cái nghề làm báo với hình tượng “cây bút” hay “ngòi bút”. Mà nói nào ngay, sử dụng cây bút thì đâu chỉ có nghề làm báo. Nhà văn, nhà thơ, công chức văn phòng, và ai ai mà trên túi áo hay trong cái ví đi làm mà không có một cây bút nào đó. Và thiệt ra, ngay dân làm báo thời @ (a-còng) thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện giờ thì đâu còn sử dụng cây bút như là phương tiện hành nghề duy nhất nữa đâu. Cái máy vi tính xách tay hay máy tính bảng, máy quay phim, máy thu âm, điện thoại thông minh... đều có thể hành nghề ngon lành rồi!

Ấy vậy mà người ta vẫn lấy “cây bút” hoặc “ngòi bút” để nói về nghề báo, về nhà báo. Thì đó, nào là đừng có “bẻ cong ngòi bút” để chỉ mấy nhà báo “nói láo ăn tiền”. Rồi còn giải thưởng “Cây bút thẳng”, “Cây bút trẻ”, “Ngòi bút vàng”... Vậy thì, bài này vẫn tiếp tục lấy hình tượng “cây bút” để dẫn đề cho câu chuyện nghề nghiệp và sự nghiệp, nghề báo và nghiệp báo.

Thời buổi bây giờ người ta nói là thời của truyền thông đa phương tiện. Đa phương tiện thì dễ hiểu rồi, là việc ứng dụng công nghệ thông tin để sáng tạo, thiết kế, xây dựng những ứng dụng đa phương tiện trong lĩnh vực truyền thông (quảng cáo, truyền hình, Internet...), giải trí (game, điện ảnh, hoạt hình...), giáo dục (học điện tử, minh họa trực quan...) và nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Báo chí cũng là cơ quan truyền thông, vậy thì truyền thông là gì? Theo “ông Google” định nghĩa thì đó là hoạt động truyền đạt thông tin thông qua trao đổi ý tưởng, cảm xúc, ý định, thái độ, mong đợi, nhận thức.

Báo chí là một trong những phương tiện truyền thông lâu đời nhất. Từ sứ mạng là cơ quan tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho đến sứ mạng là kênh truyền dẫn thông tin hai chiều, là một bước tiến dài trong nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của báo chí và người làm báo. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng về tư duy của con người, ngày nay người ta còn phát hiện ra những giá trị mới của truyền thông.

Đó là, truyền thông có đủ tiềm năng tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế của mỗi quốc gia, địa phương. Đó là, truyền thông có đủ sức mạnh kích hoạt sự năng động của xã hội. Đúng rồi, để kiến tạo nên sự phát triển cho mỗi địa phương, quốc gia không chỉ là vai trò và trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, mà còn là vai trò và là sứ mạng của tất cả giai tầng trong xã hội, trong đó, có những cơ quan truyền thông, những người làm truyền thông.

Ngày nay, thế giới là những sự nối kết, nối kết giữa con người và con người, nối kết giữa xã hội với xã hội, nối kết giữa con người với xã hội, nối kết giữa con người với công nghệ. Thế mới có câu chuyện “kết nối vạn vật” trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Người ta còn phát hiện ra rằng trên con đường đi tới sự phát triển không chỉ dựa trên một nguồn lực duy nhất là vốn kinh tế hữu hình, mà còn quan trọng hơn là có thể tạo ra giá trị thặng dư từ sự nối kết với các nguồn vốn vô hình như văn hoá, xã hội.

Xu thế người tiêu dùng hiện nay ngày càng chuyển dịch dần từ tiêu thụ sản phẩm hữu hình sang tiêu thụ những cảm xúc về giá trị văn hoá, nền tảng xã hội kết tinh từ những tài nguyên bản địa. Vậy thì, các cơ quan truyền thông, các nhà báo mình sẽ có rất nhiều “dư địa” trong tác nghiệp để góp phần tạo ra giá trị thặng dư cho tiến trình phát triển của quê hương xứ sở thân yêu này.

Như vậy, giá trị của “cây bút thời @” cần được nhìn nhận ở tầm cao mới và mỗi “người cầm bút thời @” cũng phải có cách suy nghĩ mới, cách làm truyền thông mới. Dù là bản tin chính luận hay các chuyên đề kinh tế, văn hoá, xã hội, văn học nghệ thuật; dù là báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử..., đều có thể tham gia vào quá trình tạo ra giá trị thặng dư. Điều đó đòi hỏi “người cầm bút thời @” phải biết “buông bỏ” những gì không còn phù hợp để thích nghi với sứ mạng mới.

Muốn vậy, “người cầm bút thời @” phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn để có kiến thức mới, kỹ năng mới và thái độ sống và làm việc mới. Muốn vậy, “người cầm bút thời @” phải làm sao là tổng hoà các vốn tri thức, tạo ra không gian tư duy mới. Muốn vậy, “người cầm bút thời @” phải biết trân quý từng con chữ, hình ảnh, đoạn phim, âm thanh, để đạt hiệu quả truyền thông cao nhất, sản phẩm truyền thông giàu cảm xúc nhất, làm bật ra những giá trị thặng dư cao nhất.

Có một câu nói thật hay để chúng ta cùng nhau suy ngẫm: “Người coi công việc là nghề nghiệp cuối cùng có thể sẽ đạt được mức cao nhất là người có tay nghề. Nhưng người coi công việc là sự nghiệp cuối cùng sẽ là người thành công”. Sứ mạng và sự nghiệp chính là thái độ lựa chọn đối với cuộc sống và công việc của mỗi người.

Những quốc gia thịnh vượng không phải bao giờ cũng đi lên từ tài nguyên thiên nhiên, từ của trời cho, mà chính là từ những con người trong đất nước đó có thái độ tích cực đối với công việc, dù là công việc nhỏ nhất. Họ làm việc vì điều gì đó lớn lao hơn là một phương tiện mưu sinh. Họ làm việc để trả ơn quê hương xứ sở đã cho họ có chỗ đứng trong cuộc đời, được cảm nhận con người là tinh hoa trong vũ trụ bao la.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, vào từng gia đình, căn phòng làm việc. Không có bất kỳ một lĩnh vực nào, ngành nghề nào không chịu sự tác động từ cơn bão ấy. Vấn đề là mỗi người “cầm bút” có thái độ như thế nào trước sự tác động đó mà thôi! Một giáo sư người Nhật, người chế tạo ra “cô nàng rô-bốt E-ri-ca”, đã nói rằng ông có thể chế tạo ra những con rô-bốt có được cảm xúc vui buồn giống như con người”, chỉ duy nhất một điều ông không thể làm được là tạo cho rô-bốt có được ý thức như con người. Vậy là chúng ta hạnh phúc khi mình còn có ý thức và chuyển ý thức thành thái độ đối với công việc, đối với nghề nghiệp.

Tư duy con người cũng thay đổi song hành với cuộc cách mạng về công nghệ. Bằng sự trải nghiệm trong quá trình tác nghiệp, bằng sự nhạy cảm xã hội, bằng thái độ đối với một ngành nghề mà mình lựa chọn, nhiều nhà báo đã trở thành những nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà xã hội... Những phát hiện mang tính biện luận của “người cầm bút” đôi khi còn đi trước và dẫn dắt sự thay đổi xã hội.

“Thay đổi nhỏ - kết quả lớn”. Thay đổi tư duy truyền thông sẽ đem lại kết quả lớn, từ đó làm tăng giá trị cho nghề báo, cho người làm báo. Những ca từ tha thiết còn vang mãi trong tâm thức mỗi người dù năm tháng qua đi: “Và như thế tôi đến trong cuộc đời. Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi”.

Lê Minh Hoan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn