Câu chuyện “con gà và quả trứng”

Cập nhật ngày: 26/09/2018 10:21:29

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018092610223026-9 CAU CHUYEN CON GA VA QUA TRUNG.mp3

Vậy là, xứ mình đã triển khai Đề án Phát triển du lịch được 3 năm rồi. So với hành trình mấy mươi năm của du lịch của xứ này xứ khác thì khoảng thời gian một ngàn ngày là quá ngắn, cũng giống như người đã trưởng thành, còn mình như “cậu bé mới lên ba” với những bước chân còn nhiều chập chững. Tuy vậy, đã có không ít những tín hiệu đáng mừng, và chính điều đó sẽ tạo thêm niềm tin, tiếp thêm động lực cho tương lai.


Du khách quốc tế lưu trú, tham quan điểm homestay Ngôi Nhà Hoa Ếch (ảnh: Hữu Nghĩa)

Đầu tiên là, đã có sự thay đổi về nhận thức trong xã hội về lợi ích của làm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Người ta ví von, du lịch như là một ngành công nghiệp “không khói”, là “con gà đẻ trứng vàng”. Và, Đồng Tháp mình trong thời gian qua đã có nhiều “con gà” cho ra những “quả trứng” rồi đó. Hãy tạm gác lại những gì chưa hoàn hảo, và thật ra đâu có gì là hoàn hảo, mà hãy ngồi với hơn năm mười người đã làm, đang bắt tay làm và sẽ làm du lịch, mới thấy khát vọng của bà con mình. Thì đó, mới ngày hôm qua còn là nông dân với đôi tay chai sạm, mà hôm nay đã là những người chủ của một điểm du lịch cộng đồng, với các homestay, khu vườn đón khách tham quan trải nghiệm.

Ngồi nghe bà con kể về hành trình đến với một ngành nghề còn mới mẻ, lạ lẫm mà mến thương lắm. Từng tuổi ấy, trồng cây xoài, cây cam cây quýt, hoa kiểng thì khó ai bằng, nhưng giờ này thì miệt mài đến các buổi hội thảo, tọa đàm để cóp nhặt kiến thức từ các chuyên gia, ngành chuyên môn. Rồi tháp tùng đoàn này đoàn nọ để đi tham quan học hỏi coi sao người ta làm được, làm ngon lành mà mình chưa chịu làm hoặc chưa làm được. Học là chuyện suốt đời đâu có gì là ngán ngại, là sĩ diện! Ông Nhạc sư Vĩnh Bảo hơn trăm tuổi mà còn bảo “Điều tôi biết chỉ là hạt cát, điều tôi chưa biết là cả đại dương” kia mà! Làm du lịch coi sơ qua thấy có gì đâu mà khó. Chỉ cần cất lên căn nhà cho khách nghỉ ngơi, thêm mấy cái chòi để khách ăn uống, rồi sen súng, rồi hoa kiểng, rồi dọn cho khu vườn ngăn nắp sạch đẹp, rồi bếp núc rồi tiếp tân... là có thể đón khách rồi còn gì. Coi vậy mà hổng phải vậy đâu nhe! Nếu đơn giản như vậy thì đâu cần gì kiến thức cao xa, đâu cần gì đến kỹ năng này nọ...?

Du lịch là một ngành dịch vụ đòi hỏi sự tinh tế lắm! Du lịch cũng như “làm dâu trăm họ vậy”! Mỗi người khách là mỗi người khác nhau, chớ đâu phải ai cũng như ai! Tuổi tác khác nhau, quốc tịch khác nhau, văn hóa khác nhau, thị hiếu khác nhau, khẩu vị khác nhau... Người thì dễ tính, người lại khó tính. Người đến chỉ xem qua loa, ngắm nghía, ăn một bữa cơm rồi về, trong khi có người muốn đến để được trải nghiệm, khám phá, thậm chí là học hỏi. Như vậy, phải có gì đó mới lạ so với nơi họ sinh sống, những điểm họ đã từng đi qua. Họ cần trải nghiệm một vùng đất mới, mà ở đó, có nét văn hóa mới lạ, những con người mới lạ, những phong tục tập quán mới lạ, những tài nguyên bản địa mới lạ. Làm du lịch cũng như chuyện mua bán thôi, bán cái người ta cần, chứ đâu phải bán cái mình có. Như vậy phải biết chăm chút, phải biết sáng tạo, phải tương tác với du khách từ khi chưa đặt chân đến, cho đến khoảng thời gian lưu lại và kể cả khi khách chia tay ra về để còn trở lại lần sau.

Du lịch là “chuyện mua, chuyện bán” một loại hình dịch vụ nhưng đâu phải như mua bán những sản phẩm thông thường. Sản phẩm du lịch không chỉ là những điều có thể nhìn thấy được, mà còn là những điều không thấy được nhưng khách có thể cảm nhận được. Đó chính là cảm xúc về sự thân thiện, mến khách, đó chính là cái tâm cái hồn của người làm du lịch, là tình cảm, là chiều sâu văn hóa của con người, là văn minh của một cộng đồng cư dân địa phương. Giá trị của du lịch cộng đồng chính là đem lại lợi ích không chỉ cho người chủ khu điểm du lịch mà còn lan tỏa cho cộng đồng. Nếu kinh doanh du lịch mà chỉ nghĩ đến mình thì sẽ khó mà thành công. Coi chừng không tránh khỏi “con gà tức nhau tiếng gáy” trong cộng đồng mà gần nhất là những người chung quanh. Ông bà mình đã dạy rồi: “Nhất cận lân, nhì cận thân”, “Bán bà con xa, mua láng giềng gần”.

Kinh doanh bất kỳ lĩnh vực nào là để làm giàu. Nhưng chỉ nghĩ đến lợi nhuận cho riêng mình mà không nghĩ tới cộng đồng, làm tổn thương môi trường thì sẽ không thể nào bền vững cho được. Giàu có đâu chỉ “đong đo” bằng nhà cao cửa rộng, bằng doanh thu lợi nhuận; giàu có còn được “đong đo” bằng tinh thần nhân ái, bằng sự yêu quý từ cộng đồng. Đó là văn hóa của người kinh doanh, và từ văn hóa đó, sẽ trở thành thương hiệu để thu hút khách đến.

Giá trị du lịch cộng đồng là vậy nên những người lãnh đạo địa phương phải đồng hành thật sự, phải như là những người bạn, người tư vấn cho bà con mình. Tư vấn, hỗ trợ chứ không phải rao giảng; đồng hành phải là cả chặng đường dài lúc thuận lợi lẫn lúc khó khăn, lúc thành công lẫn lúc thất bại chứ không phải qua loa, hời hợt. Lãnh đạo địa phương phải biết nối kết các nguồn lực, hun đúc tinh thần, sẻ chia kiến thức, gắn kết cộng đồng. Tất cả chúng ta phải cùng nhau chăm lo cho những “con gà” thật khỏe mạnh để tiếp tục đẻ ra những “quả trứng vàng”. Làm bất cứ việc gì hãy làm với tất cả trái tim mình thì thành công rồi sẽ đến!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác