Câu chuyện “nhì phân”

Cập nhật ngày: 17/12/2018 15:48:56

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018121703521117-12 Cau chuyen nhi phan-Xich Lo.mp3

Sau khi viết bài “Câu chuyện nhứt giống”, tôi nhận được nhiều thư điện tử, tin nhắn đề nghị viết tiếp những câu chuyện cho đủ bộ tứ: “giống, phân, cần nước”. Mừng thay, cũng đã có nhiều người quan tâm đến những câu chuyện “thường ngày trên đồng ruộng”, đến nền nông nghiệp xứ mình rồi! Vậy là, bắt đầu đi tìm ý, tìm từ những gì đã thấy, đã đọc, đã nghe được từ các vị chuyên gia, nhà khoa học và bà con nông dân xứ mình để trải lòng với mọi người...


Một quầy kinh doanh nông sản an toàn ở TP.Sa Đéc. Ảnh: Khánh Phan

Nói nào ngay, viết về cái vụ “phân” mà hổng rõ ràng về nào là ni-tơ, nào là lân, là ka-li; nói về “phân” mà cũng còn “i – tờ” với miên man nào là tên và công dụng của thuốc. Chỉ thấy mở đài ra là như lạc vô “mê hồn trận” các sô quảng cáo phân thuốc. Hổng rành chuyên môn thì đành liên tưởng tới chuyện khác vậy.

Nông nghiệp xứ mình sau nhiều năm dài lấy tăng sản lượng làm mục tiêu phấn đấu, từ cấp chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành cho đến người nông dân trong vườn, ngoài ruộng. Rồi các nhà khoa học cũng hỗ trợ thêm bằng các loại giống mới, quy trình sản xuất mới. Vậy là, gặp nhau sau mỗi mùa vụ thì câu hỏi cửa miệng luôn là “có trúng mùa” không? Năng suất cao hơn mùa trước không? Sản lượng có nhiều hơn không? Và, ai cũng nghĩ trong đầu “sản lượng càng nhiều thì lợi nhuận càng cao cho người nông dân, thành tích càng cao của ngành nông nghiệp”. Vậy là, “người người, nhà nhà” thi đua tăng năng suất, sản lượng. Mùa nào mà năng suất cao hơn hàng xóm là hớn hở, thậm chí, có dịp chứng minh mình là người sản xuất giỏi?!? Ngược lại, mùa nào mà năng suất thấp hơn nhà người ta thì coi chừng bị các chị ở nhà “cằn nhằn” cho mà coi.

Muốn sản lượng cao thì phải sử dụng nhiều phân, muốn không bị dịch bệnh làm giảm năng suất thì phải dùng nhiều thuốc. Ngành chuyên môn, nhà khoa học thì ở xa, lâu lâu mới gặp một lần, trong khi đó, đại lý phân thuốc thì “mở cửa ra” là gặp liền, cần thì được kê toa, lại còn được bán chậm trả nữa, vừa tiện, vừa lợi. Càng muốn tăng sản lượng thì càng dùng nhiều phân, thuốc kích thích tăng trưởng, mà như các nhà khoa học chỉ ra, càng lạm dụng thì càng nhiều dịch bệnh, càng dịch bệnh thì càng phải phun xịt. “Lẩn quẩn như gà ăn quẩn cối xay” rồi!

Một cái vòng lẩn quẩn, vừa tăng chi phí đầu vào, vừa làm cho nông sản tuy có thể đẹp mã nhưng chất lượng không cao, tồn dư chất có ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Vậy là, bắt đầu có người tiêu dùng “quay lưng” hoặc mua giá thấp. Đó là điểm nghẽn của nền nông nghiệp xứ mình: chi phí cao nhưng chất lượng thấp. Mà nói gì đến sức khỏe người tiêu dùng, ngay đến sức khỏe người nông dân cũng đã báo động rồi. Có ai đó đúc rút rằng, “có tiền có thể mua được thuốc nhưng chưa chắc mua được sức khỏe, sức khỏe cho thế hệ hôm nay, sức khỏe cho thế hệ tương lai”. Nghe thật là nặng lòng!

Một anh nông dân tâm sự, một cây ăn trái nào đó với số năm tuổi, đường kính tán, mỗi mùa chỉ nên cho ra khoảng 60, 70 ký trái là vừa. Nhưng nông dân mình lại muốn thu hoạch cho được 100 ký, vậy là phải phun thuốc kích thích. Do quá lạm dụng nên chỉ sau vài mùa là cây bị suy, thậm chí chết dần, còn tui, như lời anh nông dân đó, thì chẳng thà ăn ít mà có ăn hoài. Vậy, phải chăng là một bài học về chạy theo sản lượng dưới cách nghĩ của một người nông dân đã thay đổi.

Có một quyển sách hay kể về hành trình trồng táo sạch, không dùng phân, dùng thuốc của một nông dân Nhật Bản. Cũng như bao nhiêu người nông dân khác, đã là trồng trọt thì phải dùng phân thuốc, nhưng cứ mỗi lần anh phun thuốc, người vợ bị phản ứng do nhạy cảm thuốc bảo vệ thực vật. Vậy là, anh quyết tâm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nữa. Một hành trình mất 8 năm để trái táo của anh trở thành trái táo được gọi là “thần kỳ” do thơm ngon và để được 4 năm. Ảnh đúc rút ra một điều là, cây cối là một sinh thể sống, được sống giữa tự nhiên xung quanh, con người cũng như vậy, nhưng con người quên mất những điều đó, lại nghĩ chỉ sống riêng bản thân mình, thế rồi từ khi nào, con người lại đinh ninh rằng, những hoa màu mà mình trồng cũng như thế. Thật khâm phục tính kiên trì vượt qua mọi định kiến để một người nông dân làm được những điều mà người khác mặc nhiên cho là điều không thể!

Câu chuyện phân thuốc giờ đã không là chuyện của những người nông dân, mà cần đến một hệ sinh thái để tìm ra lời giải cho bài toán khó này. Các cơ quan chuyên môn nên bớt đi hào hứng với thành tích sản lượng để đưa ra lộ trình thay đổi. Các chuyên gia, nhà khoa học “về làng” với người nông dân để đưa ra một quy trình sản xuất sạch. Chính quyền, doanh nghiệp hỗ trợ xúc tiến thị trường riêng dành cho nông sản sạch. “Khi cùng nhau ngồi lại thì không gì là không thể” mà!

Mỗi người nông dân luôn tâm niệm rằng: Giàu có là nhờ vào “Nghề nghiệp trong tay, kiến thức trong đầu, đạo đức trong tim”. Đó là xu hướng của nông nghiệp hiện đại. Vậy, chúng ta làm theo hay đi ngược lại?

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn