Những người làm chủ

Cập nhật ngày: 25/05/2018 11:25:36

http://baodongthap.com.vn/database/video/20180525112641Sequence 20_1.mp3

Vậy là đã có hơn năm mươi “Hội quán” lần lượt ra đời trên mảnh đất thân yêu này rồi! Tham dự gần như đầy đủ các buổi ra mắt các Hội quán, tưởng chừng vẫn là chuyện cũ lặp đi lặp lại, sẽ không còn hứng thú nữa... Ấy vậy mà không, vẫn tràn đầy cảm xúc mỗi khi được ngồi xúm xít bên bà con từng Hội quán vì mỗi nơi đều có nét riêng, không cái nào giống cái nào. Và, ở từng Hội quán đều khám phá ra những điều mới mẻ, đầy thú vị về sự thay đổi của những con người Đất Sen hồng. Hôm dự lễ khai trương “Hồng Tâm Hội quán” - Hội quán của những chủ trang trại nuôi cá tra ở thị xã vùng biên cũng vậy.

Hội quán này là tập hợp bốn mươi ông chủ, mà cũng có thể gọi theo ngôn ngữ của xã hội là bốn mươi “đại gia”. Đây là những người cả đời gắn bó theo từng bước thăng trầm của con cá tra. Có những người đã có mặt từ gần sáu mươi năm trước khi con cá tra còn trôi nổi tự nhiên trên con sông Tiền hiền hòa. Có người nối tiếp nhưng cũng kịp góp phần làm nên điều kỳ diệu cho con cá tra, đó là cho sinh sản nhân tạo, để hôm nay trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương và cả Quốc gia.

Vậy là, sau những Hội quán của những người nông dân, rồi đến Hội quán của những doanh nghiệp ở TP.Cao Lãnh thì hôm nay đã có Hội quán của những người chủ trang trại, những người góp phần chủ lực làm nên thương hiệu “Thủ phủ cá tra”. Thật vui khi nhìn thấy những gương mặt rạng rỡ, những tiếng cười sảng khoái của những người chủ sau những vụ mùa thu hoạch thắng lớn. Nhưng hãy nắm chặt những bàn tay của những con người ấy mới thấy nó không có được sự mềm mại của những người giàu có. Vẫn là những bàn tay gân guốc, chai sạm - minh chứng cho những tháng năm đi lên từ những người nông dân nghèo khó, gắn bó cả đời với những lồng bè, bãi bồi, ao hầm...

Cuộc sống dường như đây đó vẫn còn sự đố kỵ giữa khá giả và nghèo khó, giữa chí thú và lười biếng, giữa thành công và thất bại. Cuộc sống dường như đây đó một thời định kiến với những người giàu, và vô hình trung, đã tạo ra những hố ngăn cách ngày càng xa trong xã hội. Đâu phải ai cũng bổng dưng là giàu có, trừ khi được trúng số. Sự khá giả, giàu có hôm nay đã được tích lũy qua năm tháng với biết bao thăng trầm, thậm chí có lúc trắng tay, rồi phải bắt đầu lại từ con số không tròn trĩnh. Biết bao người thoái chí, bỏ cuộc trên hành trình đi tìm sự thịnh vượng. Nhưng những người chủ đang ngồi đây vẫn bền bỉ góp nhặt, thu vén để có được những cơ nghiệp như hôm nay. Mồ hôi và cả nước mắt lăn dài theo hành trình đưa con cá đi xa. Và không thiếu gì những người không chỉ giàu tiền bạc mà còn giàu lòng nhân ái, giàu trách nhiệm với cộng đồng.

Hôm khai trương Hội quán, có cảm nhận rằng, đây là lần đầu tiên những người chủ các cơ nghiệp lớn ngồi quây quần bên nhau. Và còn hơn thế nữa, họ cùng ngồi “ngang hàng” với những người lãnh đạo các cấp. Đơn giản vậy thôi nhưng đã nói lên nhiều điều lắm! Đó là những nghiệp chủ được tôn trọng, được bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội. Không có “quan trên, dân dưới”. Không còn đố kỵ giàu nghèo, cũng không còn mặc cảm sang hèn. Tất cả cùng chan hòa để cùng bàn bạc chuyện gìn giữ thương hiệu một ngành nghề, chuyện cuộc sống hôm nay và ngày mai, chuyện phát triển quê hương còn nhiều tiềm năng này. Chỉ khi được tôn trọng thật sự, con người mới thấy mình sống có ích cho xã hội, và ngược lại, cũng phải có nghĩa vụ với xã hội.

Nghe các chủ trang trại, những người “đồng hội, đồng thuyền” trong “ngôi nhà chung” mang tên “Hồng Tâm”, càng thấy quý mến người dân quê mình. Có người tâm sự từ trước tới giờ chỉ biết làm ăn, chứ chuyện họp hội thì nói nào ngay chưa quen, nói chi để làm lãnh đạo Hội quán?!? Vậy là, người này nhường cho người kia. Có người vừa mới thắng lớn vụ rồi nhưng đã thắc thỏm về vụ sau trước những thách thức của biến đổi khí hậu và sự khắc nghiệt của thị trường. Có người dường như đã ngờ ngợ rằng, nếu không hợp tác thì sẽ cạnh tranh lẫn nhau như từ trước đến giờ ở đây đó, rồi thì không tránh khỏi “cá lớn nuốt cá bé”. Thôi thì, hôm nay bỏ qua tất cả, cùng nhau hợp tác lại để hướng đến hai chữ “bền vững”. Câu chuyện “bền vững” đâu chỉ có trong các nghị quyết, mà nó phải được bắt đầu từ những người chủ trang trại, những người nhạy cảm với thị trường như “con cá nhạy cảm với chất lượng nguồn nước” vậy!

Chuyện vùng biên, hay nói rộng ra, là mảnh Đất Sen hồng này đi đến bến bờ hưng thịnh đâu chỉ là chuyện riêng của bộ máy công quyền. Nó là của tất cả mọi người. Vậy, mỗi người phải có nghĩa vụ cùng nhau kiến tạo sự hưng thịnh đó. Mỗi người hãy làm hết trách nhiệm của mình. “Cho đi rồi sẽ nhận lại thôi mà”! “Một ngày ở với người khôn. Như con cá vượt vũ môn hóa rồng”. Mai này, quê mình sẽ “hóa rồng” từ những đàn cá “vượt vũ môn” hôm nay.

“Dân giàu thì nước mạnh”, đó là chân lý bao đời! Tin chắc là như vậy!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn