Cơi trầu của ngoại

Cập nhật ngày: 29/07/2013 05:07:36

Hồi nhỏ, mùa hè năm nào chúng tôi cũng được về quê ngoại chơi đến hết mấy tháng hè. Có biết bao nhiêu điều thú vị trong những ngày hè ở vùng thôn quê, nhưng ấn tượng nhất là cái cảm giác khi chúng tôi được thử “ăn miếng trầu” cùng với ngoại.

Bà ngoại tôi ăn trầu không nhiều, nhưng cũng đủ làm cho môi của bà lúc nào cũng đỏ tươi như thoa son. Mới đầu bọn tôi ngạc nhiên sao lúc nào rảnh cũng thấy ngoại nhai bỏm bẻm hoài? Dì Năm tôi nói, phụ nữ về già ai cũng phải ăn trầu! Bọn tôi vặn lại: “Không ăn có được không dì?” Dì tỉnh bơ: “Không ăn trầu sẽ không đẹp lão!”. Người lớn bao giờ cũng đúng, vậy là chúng tôi cứ tin lời nói của dì Năm: phụ nữ về già ai cũng phải ăn trầu cho đẹp!

Bà ngoại tôi thật hiền hậu và rất nhân từ. Bà ít nói, chỉ lẳng lặng làm việc tối ngày, tươm tất chuyện nội trợ, chăm sóc chu đáo cho người này, người kia. Cho nên không những đối với bọn trẻ chúng tôi, mà người lớn trong nhà ai cũng một mực yêu mến bà ngoại. Tất cả mọi người đều quan tâm đến chuyện “ăn trầu” của ngoại. Ông ngoại dành hẳn một cái liếp trong vườn để trồng cho bà một liếp trầu, cho dây leo lên thân cây cau hẳn hoi. Mấy cậu, mấy dượng của tôi đi làm xa hễ gặp ở đâu có buồng cau “vừa ăn” hay “táp thuốc rê” ngon là mua mang về cho bà. Mấy dì mấy mợ tôi thì khỏi nói, gặp bữa chợ nào có “ốp trầu” ngon là mua ngay về làm quà cho ngoại, mặc dù ở nhà cũng đã có một liếp trầu. Cho nên, cơi trầu của bà ngoại lúc nào cũng đầy ắp các “phụ liệu”!

Vốn tính kỹ lưỡng, nên bà ngoại sắp xếp những thứ cần thiết cho việc “ăn trầu” cũng hết sức cẩn thận. Cái “cơi trầu” của ngoại lúc nào cũng gọn ghẽ, trong đó đựng một ốp trầu lá xếp ngay ngắn, một cái ống ngoáy, một cái bình vôi với chiếc xuổng nhỏ xíu, một con dao nhỏ bửa cau và vài trái cau tươi, một bịt nhỏ thuốc rê dùng để “xỉa”. Đi kèm với cái cơi trầu là một cái “ống nhổ” được đặt kín đáo dưới chân bộ ngựa gõ.

Mấy đứa con gái bọn tôi rất thích sán đến gần bà ngoại để nhìn cho kỹ các công đoạn mỗi khi bà bắt đầu ăn trầu. Bà chỉ ăn trầu vào buổi trưa hoặc tối, những lúc rỗi rãi công việc. Đầu tiên bà chọn một lá trầu tươi, lau sạch, ngắt bỏ cuống và chóp lá, rồi vít một ít vôi “têm” đều lên bề mặt lá, xong chẻ trái cau tươi lấy một phần tám để lên lá trầu, gói lại thành một cuốn giống như gỏi cuốn!. Rồi từ từ cho vào miệng nhai. Vừa nhai chậm rãi vừa chuyện vãn với mọi người. Khi nhai giập bã trầu thì bà rứt một cục thuốc rê bằng đầu ngón tay để xỉa. Đó là ăn trầu bình thường hàng ngày. Thỉnh thoảng vào dịp Tết hay có “khách” là các cụ bà trong xóm đến chơi cùng ngồi ăn trầu, bà ngoại têm trầu xong xếp thành hình “cánh phượng” như trong chuyện cổ tích của cô Tấm. Không biết ngoại xếp như thế nào mà cầm miếng trầu lên y hệt như hình con chim phượng, có hai cái cánh vẫy ra hai bên và cái mỏ nhọn nhọn hướng về phía trước!

Xúm quanh nhìn bà ngoại têm trầu thì đông, nhưng cả gan dám “xin” bà ngoại một miếng trầu để ăn thử chỉ có chị Mơ con dì Năm và tôi. Chị Mơ “ăn” trước, mới nhai mấy cái đã cay đỏ mặt, la ơi ới chạy ra sau hè nhổ ra. Tôi “làm liều” ăn sau, bà ngoại lựa lá trầu non và têm vôi ít lại nên vị bớt cay nồng, tôi ráng cầm cự nhai được đến “giập” bã trầu mới chạy đi nhổ! Đứa nào cũng đổ xô đến để xem “tình trạng” của tôi sau khi ăn trầu thử, tụi nó xúm xít hỏi, tôi vừa cắm đầu vào ca nước để súc miệng vừa xua tay: Cay chết đi được! Đứa nào cũng lắc đầu le lưỡi, không còn ý định dám thử “ăn trầu” như chị Mơ và tôi.

Sau đó chị Mơ cũng bỏ cuộc, chỉ còn tôi ngày nào cũng theo bà ngoại “ăn trầu” một lần. Thật ra không phải tôi thích ăn trầu mà tôi “ghiền” cái cảm giác được nhìn bà ngoại têm và nhai trầu. Tôi thuộc lòng thứ tự từng thao tác của ngoại. Không vội vàng, bà vừa tỉ mẩn làm các công đoạn, vừa ân cần hỏi han tôi mọi thứ, hai bà cháu cứ trò chuyện mãi không dứt, có khi ngoại vừa nhai trầu vừa lựa đậu hay lãi bắp, tôi cũng ngồi kế bên cùng làm với ngoại. Dì Năm hỏi: Con ăn được hông? Hay chỉ “phá” trầu của ngoại? Tôi chưa kịp trả lời thì bà ngoại đã bênh: Con nhỏ giỏi, ăn được lắm! Bà ngoại rất vui, ngày nào đến giờ “ăn trầu” bà cũng kêu tôi, hai bà cháu cùng têm, quấn trầu, cùng nhai bỏm bẻm, mặc dù không lần nào tôi đủ kiên nhẫn nhai lâu hàng giờ như ngoại, chỉ qua loa giập miếng trầu là đã vội chạy đi nhổ! Có bữa bà ngoại ê răng, không thích nhai, tôi tình nguyện “ngoáy trầu” cho ngoại, sau khi têm xong cho cuốn trầu vào cái ống nhỏ, dùng cây ngoáy nhọn “dằm” mãi cho trầu cau giập ra, như thế khi ăn bà ngoại đỡ phải nhai nhiều.

Những ngày hè qua mau. Dư vị cay nồng trong miếng trầu của ngoại cũng phai nhạt dần khi chúng tôi lớn lên và bà ngoại cũng đã không còn nữa. Nhiều năm trôi qua, nhưng cậu Út vẫn còn giữ lại cái cơi trầu của ngoại. Năm nào giỗ ngoại, cậu Út cũng kêu mợ Út ra chợ tìm mua đủ bộ trầu, cau, vôi và thuốc rê về xếp vào cái cơi trầu để lên bàn thờ cúng ngoại. Mỗi lần nhìn cái cơi trầu, tôi lại bồi hồi nhớ ngoại. Gương mặt hiền từ, cặp mắt hơi đục và khuôn miệng ăn trầu đỏ tươi của ngoại như vẫn còn rất rõ trong tâm trí tôi.

Ngọc Điệp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác