Mênh mang mùa nước nổi

Cập nhật ngày: 02/09/2013 04:30:44

Ngày chị lấy chồng xa má cứ lo lắng, bồn chồn ra mặt. Trong ba, bụng cũng chẳng được vui. Đưa dâu xong về nhà ba leo lên võng nằm miên man suy nghĩ. Đám tiệc thức thâu đêm mệt đừ cả người nhưng đêm về ba vẫn cứ nằm trăn trở mãi.

Lâu lâu ba mở cửa bước ra cầm đèn pin rọi xuống bờ sông xem mực nước. Ba nhìn dòng nước đỏ ngầu cuồn cuộn chảy, than vắn thở dài với má: “Tui lo cho con Tư quá bà ơi, ở dưới này nước nhiều như vậy, trên miệt đó chắc là nước dâng cao lắm! Ngày đưa con về quê chồng, nhìn căn nhà đứng giữa đồng không mông quạnh, con bước lên nấc cầu thang để vướng vạt áo dài suýt té mà tui thương biết dường nào...”. Nghe ba má nói chuyện, tôi thấy trong dạ chẳng được yên. Tôi thầm mong trời đừng nổi cơn giông gió, mong cho dòng nước hiền hòa đừng gây đau thương tang tóc để cho anh chị tôi hàng ngày đến trường mang kiến thức đến những trẻ em nghèo khó.

Anh và chị quen nhau hồi lúc học chung ở Trường Đại học sư phạm Cần Thơ. Theo anh kể, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng quê anh sáu tháng mùa khô, sáu tháng nước ngập trắng đồng. Có những năm lũ về sớm nhấn chìm những bông lúa oằn sai đang chờ ngày thu hoạch. Mùa màng thất bát, cuộc sống khó khăn, dân trong làng chia thành từng nhóm chống chèo đi giăng câu thả lưới. Hồi ấy cá nhiều vô số kể. Bắt được cá lớn đem ra chợ bán, cá nhỏ thì làm mắm, làm khô để lại ăn dần chờ đến mùa sau. Cuộc mưu sinh không chỉ trên những cánh đồng quê nhà mà có khi còn sang tận bên Campuchia.

Ở vùng rốn lũ, đã mấy đời người dân nghèo quê anh mơ ước có được cái nền nhà cao ráo, có con đường cho trẻ em đi học mỗi độ nước lũ tràn về. Nhưng nước lũ đã làm tiêu tan mơ ước, nước lũ cuốn trôi hạt lúa và cả con chữ về phía trời xa. Nhớ lời má dạy: “Phải cố gắng học hành để được đổi đời, phải có sức mạnh, có kiến thức để làm giảm sự hung tợn của dòng nước lũ...”. Dãi nắng dầm mưa anh quyết tâm học tập. Ngày anh nhận giấy trúng tuyển vào đại học cả má và anh nước mắt rơi lã chã như cơn mưa tháng sáu.

Anh thật thà, chân chất, dào dạt nghĩa tình như cây lúa quê hương. Chị Tư yêu anh như yêu mùa lúa chín. Biết chuyện, ba má không phản đối nhưng lòng buồn rười rượi. Không phải ba má chê anh nghèo, nhưng ba má ngại cảnh đò ngang cách trở, sợ cảnh cháu mỗi lần về thăm ngoại còn lâu hơn sáng đi chiều tới. “Thôi ông à, chắc là duyên nợ, miễn sao con mình nó hạnh phúc là vui rồi!”. Má động viên ba, nhưng tôi biết lòng má cũng chẳng được vui.

Ngày đưa chị về nhà chồng, ba má thuê chiếc tàu đò chở hơn hai mươi người ngược dòng sông Tiền thẳng tiến. Làm lễ xuất giá xong, những ai đi đưa dâu vội vàng ăn cháo, chuẩn bị thức ăn nước uống sẵn sàng cho cuộc hành trình. Mười giờ đêm tàu rời bến. Võng giăng lên, chiếu trải ra mọi người tranh thủ ngủ cho lại sức. Con tàu ì oạch, gồng mình rẽ sóng. Ba má kêu ngủ, nhưng tôi không tài nào ngủ được. Tôi nằm im cố lắng nghe con sóng vỗ rào rào mà mong cho nhanh đến quê anh. Trong tôi mênh mang với bao vui buồn lẫn lộn. Tôi mừng cho chị vì chị đã lấy được người thương. Còn tôi buồn vì từ đây chị đã vắng nhà, tôi sẽ không được hỏi chị những bài tập làm văn hoặc bài toán khó.

Cơn gió bấc đầu mùa mang cái lạnh căm căm xoa dịu dòng nước từ thượng nguồn không còn gầm gừ, cuồn cuộn chảy. Qua một đêm ngủ vùi mặt trời đã thức dậy nằm vắt vẻo trên những thân cây hắt xuống ngàn tia nắng lung linh, ấm áp. Chị vắt chiếc khăn ướt kêu tôi lau mặt và chỉ tay về phía vạt cây lờ mờ xa tít nói ở đó là quê anh. Tôi mỉm cười vội vuốt mái tóc rối tung, sửa lại áo quần cho thẳng thớm. Má kêu chị Hai lấy lược chải tóc lại cho chị. Một vài người bật ngồi dậy gọi nhau: “Thức đi, đến nhà đàng trai rồi”. Tôi thấy chị nở nụ cười thật tươi như ánh nắng bên ngoài đang tỏa sáng.

...Mới đó đã 20 năm. Những mùa lũ ở đầu nguồn đã về rồi đi và cuộc sống cơ cực của người dân từng bước được đẩy lùi. Cuộc sống mới hình thành trên cụm tuyến dân cư với những ngôi nhà cao ráo, đường lộ trải nhựa phẳng lì, ruộng lúa được bảo vệ trong đê bao khép kín. Nhìn căn nhà anh chị lát gạch men sáng loáng, má tôi cứ đứng nhìn mà mừng rơi nước mắt.

Thêm một mùa nước lũ tràn đồng trắng xóa, nhưng giờ đây dòng nước đã hiền hòa không còn hung hãn như xưa. Hàng trăm kênh được đào mới và khai thông đã dẫn nước lũ xuôi về với biển. Cần cù chịu thương chịu khó, người nông dân như chàng Sơn Tinh dũng mãnh làm cho Thủy Tinh phải khuất phục bỏ đi. Về thăm quê, má dẫn tôi ra đồng hái bông điên điển về ăn với cá linh kho. Ngồi vào mâm cơm má cứ luôn miệng nhắc: “Món này chị Tư con rất thích, phải chi giờ này có nó ở đây...”. “Trên xứ chị đâu có thiếu mà má lo. Giờ đây cuộc sống của chị đã khấm khá, chị muốn ăn lúc nào chẳng được”. “Ờ, đã qua rồi cái thời túng thiếu quanh năm. Nếu như ba con biết được chắc là mừng lắm!”.

Nghe má nói tôi thấy ở sống mũi cay cay. Tôi thầm nghĩ, không chỉ có ba, mà còn rất nhiều người đã một thời bị nước lũ làm cho khốn khó giờ biết được chắc sẽ rất vui! Sóng gió dập dềnh hòa quyện như hát lời tình tự du dương, tôi thấy dòng nước líu ríu, tung tăng chạy về với biển.

Thanh Lạc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác