Mùa mưa lũ, báo động rắn lục đầu dồ đuôi đỏ cắn người ở ĐBSCL

Cập nhật ngày: 07/11/2014 05:00:44

Thống kê Trại rắn Đồng Tâm, từ đầu năm đến nay, tiếp nhận điều trị rắn độc cắn trên 1.200 ca, trong đó trên 850 ca do bị rắn lục đầu dồ đuôi đỏ cắn

Thời gian gần đây, khi vào mùa mưa lũ, nhiều người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long không may bị rắn lục đầu dồ đuôi đỏ cắn. Tại Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến Dược liệu – Cục Hậu cần Quân khu 9 (hay còn gọi là Trại rắn Đồng Tâm) tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã cứu sống kịp thời trên 850 nạn nhân bị loại rắn này cắn.


Rắn lục đầu dồ đuôi đỏ

Anh Nguyễn Ngọc Quý, ở khóm 1, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, đang ở trong nhà cũng bị rắn lục đầu dồ đuôi đỏ vào cắn. Sau khi sơ cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, anh được chuyển đến Trại rắn Đồng Tâm điều trị.

Anh Quý kể lại: “Em đi từ nhà dưới lên nhà trên dọc đường bị rắn cắn. Mệt quá đi bệnh viện sơ cứu tạm thời mới chuyển lên đây, lấy nọc đọc, tiêm ngừa. Rắn ở ngoài vườn, bụi cây vô”. 

Thống kê của Trại rắn Đồng Tâm cho thấy, từ đầu năm đến nay, đơn vị này tiếp nhận điều trị rắn độc cắn cho trên 1.200 ca; trong đó có trên 850 ca do bị rắn lục đầu dồ đuôi đỏ cắn. Với phương pháp điều trị bằng thuốc kháng huyết thanh, đơn vị đã cứu sống 100% bệnh nhân.

Theo Trung tá Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, vào mùa mưa bão, nước lũ như gần đây, số người bị rắn độc đầu dồ đuôi đỏ cắn gia tăng. Có thời điểm khoa cấp cứu của đơn vị đã quá tải. Hiện nay, mỗi ngày đơn vị điều trị rắn độc cắn cho trên dưới 10 bệnh nhân. Rắn lục đầu dồ đuôi đỏ là một trong 4 loại rắn lục rất độc nên người dân không được chủ quan. Khi bị rắn cắn phải đến cơ sở y tế sơ cấp cứu kịp thời và chuyển đến các bệnh viện có khả năng điều trị rắn độc cắn. Đối với Trại rắn Đồng Tâm thì miễn phí toàn bộ tiền phòng, chi phí điện, nước cho bệnh nhân...

Trung tá Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm cho biết thêm: “Trong 4 loại rắn lục hiện nay thì độc nhất là rắn lục đầu dồ đuôi đỏ. Nọc của nó gây tổn thương về máu, làm vỡ hồng cầu, giảm yếu tố đông máu, làm giảm tiểu cầu dẫn tới xuất huyết tại chỗ, sưng nề... bệnh nhân chết do tụt huyết ấp, giảm tuần hoàn, suy thận. Nên những  trường hợp bị rắn lục đầu dồ cắn thì không thể chủ quan được, đây là loại rắn rất độc”.

Theo người dân ở các tỉnh vùng ĐBSCL, hiện nay rắn lục đầu dồ đuôi đỏ rất phổ biến. Chúng sinh sôi rất nhanh, sinh sống ở từ những nơi hoang dại hay chui vào nhà ở. Thân hình chúng rất nhỏ, ngắn nên khó phát hiện để phòng, tránh.

Chị Trần Ngọc Mai, người dân xã Bình Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có chồng bị rắn cho biết: “Em cũng hoang mang, lo sợ vì nhà có em bé, nhiều khi đi ra ngoài cổng rào bị rắn lục đuôi đỏ cắn.  Bị rắn cắn mà sơ cứu không kịp thì có nguy cơ tử vong. Để rắn để sinh sản quá nhiều thì ảnh hưởng cuộc sống con người”.

Dù Trại rắn Đồng Tâm cũng như nhiều cơ sở y tế khác có khả năng điều trị rắn độc rất hữu hiệu, nhưng người dân vùng ĐBSCL nên áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, tránh rắn độc nói chung và rắn lục đầu dồ đuôi đỏ nói riêng; trong đó chú trọng việc vệ sinh môi trường, phát quang bui rậm, hạn chế đi vào những chỗ rậm rạp thường là nơi ẩn náu của loại rắn độc này./.

Nhật Trường/VOV

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn