Câu chuyện cô giáo
Cập nhật ngày: 06/09/2020 11:53:07
(Tặng cô giáo Minh Tâm và đội ngũ giáo viên đất Sen hồng nhân ngày khai trường năm học 2020-2021)
Xin nói ngay rằng, đó là cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, Trường Trung học phổ thông Thiên Hộ Dương, TP.Cao Lãnh quê mình. Chuyện về cô thì đã có nhiều bài báo, nhiều thước phim, thậm chí có cả một tác phẩm “Hoa hướng dương” do một đồng nghiệp của cô viết và vinh dự nhận giải đặc biệt trong cuộc thi viết về “Tấm gương nhà giáo Việt Nam năm 2017”. Tự hào thay Người nữ giáo viên Đất Sen hồng!
Chuyện rằng, mười năm trước, một cô giáo trẻ ở vùng quê xa xôi không may bị tai nạn giao thông trên đường vận động học sinh đến trường chuẩn bị cho một năm học mới bắt đầu. Và dù chỉ còn lại một chân lành lặn nhưng cô vẫn tiếp tục trở lại đứng lớp vì đàn học sinh thân yêu ở một vùng quê thân yêu. Nghe là nghe vậy, biết là biết vậy, nhưng vẫn chưa một lần gặp mặt con người đầy nghị lực, đầy tình yêu nghề nghiệp, đầy tình yêu thương học sinh. Vậy rồi, cơ hội cũng đến, không chỉ được gặp mà còn đồng hành trong chuyến thăm một cháu vùng cù lao mới vừa trúng tuyển vào đại học. Cháu này cũng là học sinh của cô giáo Minh Tâm và được cô giáo truyền nhiều cảm hứng trên con đường tìm kiếm tri thức.
Nghe cô giáo tâm sự những ngày đầu bị tai nạn rơi vào hụt hẫng như thế nào mới thấy cảm kích sự kiên cường của người nữ giáo viên trẻ tuổi ấy. Đang có đôi chân lành lặn, bỗng chốc tỉnh lại, nhìn xuống chỉ còn một chân sau ca giải phẫu, không tránh khỏi bàng hoàng. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra: Rồi sẽ như thế nào? Rồi sẽ làm gì? Rồi sẽ sống ra sao? Rồi có còn tiếp tục đứng lớp để thực hiện thiên chức đã chọn? Nhìn vào những gương mặt trong sáng, những ánh mắt trìu mến của đàn học sinh thơ ngây ở vùng quê còn nhiều gian khó, người nữ giáo viên ấy đã không cho phép mình gục ngã, không cho phép mình đầu hàng số phận... Vậy là, con người ấy đã kiên cường đứng dậy trên đôi chân không còn bình thường như bao người. Nghề mình đã chọn, nghiệp mình đã mang, không có gì khuất phục được cô giáo khi còn những thế hệ học trò vẫn yêu mến cô, vẫn cần đến cô mở đường đến tương lai.
Tương lai mảnh Đất Sen hồng này cần nhiều người, dù ở bất kỳ nơi đâu, làm bất kỳ công việc gì, luôn đong đầy nhiệt huyết, có thái độ tích cực với công việc, sẵn sàng dấn thân vào cuộc sống. Dẫu biết rằng, nghề giáo vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, nhưng đôi lúc cũng không khỏi chạnh lòng. Càng chạnh lòng hơn khi đây đó trong ngành Giáo dục có những biểu hiện tiêu cực, những trường hợp đối xử với nhau thiếu chân thành, làm nhạt nhòa hình ảnh những người đã chọn cho mình con đường mô phạm. Ngẫm nghĩ lại, cùng với cô giáo Minh Tâm, Đất Sen hồng vẫn còn biết bao “người lái đò thầm lặng” thất đáng trân trọn, biết vượt qua chính mình, ngày đêm trăn trở cho sự nghiệp trồng người, mới thấy vẫn còn trọn vẹn niềm tin vào ngày mai tươi sáng.
Thế giới ngày nay thay đổi không ngừng. Tri thức nhân loại tăng lên theo cấp số nhân. Kiến thức luôn rộng mở bao la. Cái mới vừa ra đời chưa kịp định hình đã có cái mới hơn xuất hiện. Không ai có thể tự bằng lòng với kiến thức, sự hiểu biết của mình, không thể tự “đóng khuôn” với cái mình có được. Chỉ có thái độ tích cực của mỗi người là đời nào cũng cần, nơi đâu cũng cần! Thái độ quan trọng hơn trình độ! Thái độ đi theo con người suốt cuộc đời. Thái độ giúp con người có niềm đam mê công việc, luôn làm cho nghề nghiệp ngày một mới hơn, tốt hơn. Thái độ giúp con người không nản lòng, bỏ cuộc khi đối mặt với nghịch cảnh, thậm chí xem nghịch cảnh là cơ hội để trui rèn ý chí, nghị lực của mình. Thái độ giúp con người tôn trọng nghề nghiệp, yêu thương đồng nghiệp.
Đổi mới Giáo dục, dù chọn con đường nào cũng tựu trung lại ở thái độ của người thầy khi đứng trên bục giảng và trong cuộc sống hàng ngày. Người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức, mà còn kích hoạt cảm xúc, lòng trắc ẩn của học sinh, truyền cảm hứng học tập, khơi gợi những gì còn tiềm ẩn bên trong học sinh. Người thầy hòa mình với học sinh để cùng tìm kiếm tri thức, cùng đặt ra câu hỏi và cùng tìm câu trả lời phù hợp nhất. Người thầy biết phát hiện những tài năng và vun đắp cho những tài năng đó tỏa sáng.
Một trong bài nghị luận thầy cô thường cho học sinh làm là: “Không có công việc nào nhỏ nhoi hay thấp kém, mà chỉ có người không tìm ý nghĩa trong công việc của mình mà thôi”. Cô giáo Minh Tâm đã thấu hiểu triết lý đơn giản đó. Và hàng ngàn thầy cô Đất Sen hồng đã thấu hiểu triết lý đó! Triết lý đó đã và đang định hình nhân cách những người đặt tay lên ngực mình và dõng dạc tuyên bố rằng: “Tôi, tự hào là người giáo viên Đất Sen hồng”!
Xích Lô