Nhiều giải pháp lựa chọn ngữ liệu thay thế phù hợp
Cập nhật ngày: 07/11/2020 05:16:56
ĐTO - Trước các thông tin phản ánh về việc sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (sách do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên (GV) chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho học sinh (HS) theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Phụ huynh học sinh tiếp cận với thông tin về sách giáo khoa mới
Theo đó, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, công khai việc lựa chọn SGK theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ GD&ĐT. Trên địa bàn tỉnh hiện có 121/301 trường chọn sách Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều, chiếm 40,19%. Đối với ngữ liệu SGK Tiếng Việt lớp 1 có những từ ngữ chưa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi HS lớp 1, nhà trường và tổ khối chủ động trao đổi, thảo luận đi đến thống nhất thay thế những từ ngữ phù hợp hơn. Mặt khác, trong khi chờ đợi hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến rộng rãi tất cả GV dạy lớp 1 về các ngữ liệu trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 đặc biệt là SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Đồng thời, Sở GD&ĐT giao cho Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh (Tổ Tiếng Việt) thực hiện rà soát tất cả các ngữ liệu trên. Từ kết quả xác định những ngữ liệu chưa phù hợp, Hội đồng tiếp tục thực hiện các bước tìm ngữ liệu thay thế; cách thức thực hiện thay thế và định hướng cách thay thế. Tổ chức hội nghị, hội thảo đánh giá cách thay thế; ban hành tài liệu hướng dẫn thực hiện chung trong toàn tỉnh.
Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ GV chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho HS căn cứ vào yêu cầu của ngữ liệu được quy định trong Chương trình Ngữ văn, căn cứ vào trình độ HS, căn cứ vào mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các đơn vị trường, GV, HS tăng cường nắm bắt thông tin phản biện, góp ý về SGK để có phương án xử lí, giải thích, hỗ trợ và truyền thông kịp thời đúng thẩm quyền trách nhiệm của mình với tinh thần cầu thị, lắng ghe góp ý để tổng hợp, tiếp thu đề nghị chỉnh sửa theo quy định (Căn cứ Điều 9 của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT cho phép điều chỉnh SGK trong quá trình thực hiện) để các GV, cha mẹ HS và cộng đồng xã hội đồng thuận chia sẻ.
Sở GD&ĐT quán triệt tất cả cán bộ quản lý, GV chủ nhiệm và GV bộ môn dạy lớp 1 tiếp tục tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu tài liệu tập huấn của các Nhà xuất bản; tiếp tục nghiên cứu SGK từng môn/hoạt động giáo dục để có những điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với đối tượng HS của lớp mình. GV không được tạo áp lực, phê bình mà cần động viên, khuyến khích kịp thời tạo động lực và hứng thú học tập cho HS. GV phân phối tiết dạy tùy theo khả năng tiếp thu của từng đối tượng HS trong lớp, tăng giảm thời lượng ở phần âm, vần để rèn thêm kỹ năng đọc, viết cho các em một cách hợp lý.
Tổ chức đánh giá công tác triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhằm để đánh giá rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp, phương hướng thực hiện trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn. Đối với các khối lớp trong lộ trình thực hiện những năm học tới, yêu cầu nâng cao hiệu quả các buổi sinh hoạt chuyên môn, lồng ghép các hoạt động trải nghiệm vào các tiết dạy ở tất cả môn học. Thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá giáo dục HS theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho HS và GV khi chuyển sang thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và SGK mới.
C.P.