Nhiều giáo viên đóng góp về ngữ liệu thay thế sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1
Cập nhật ngày: 02/12/2020 10:43:06
ĐTO - Sau hơn 2 tháng triển khai, thực hiện về ngữ liệu thay thế sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 nói chung, của bộ sách Cánh Diều nói riêng có một số nội dung chưa thật sự phù hợp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành đánh giá tình hình thực hiện SGK trong thời gian qua, rà soát ngữ liệu của tất cả SGK lớp 1, tìm những ngữ liệu chưa phù hợp, đề xuất ngữ liệu thay thế,… Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố các đơn vị trường đã tổng hợp ý kiến của cán bộ quản lí, giáo viên (GV) về những ngữ liệu chưa phù hợp và đề xuất định hướng thay thế.
Giáo viên tham dự hội thảo về ngữ liệu sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1
Sở GD&ĐT đã thông qua kết quả tổng hợp từ các Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các tổ Tiếng Việt, tổ Quản lí của hội đồng chuyên môn cấp tỉnh. Qua đó có tổng cộng 535 lượt ý kiến đề nghị điều chỉnh, thay thế ngữ liệu và các kiến nghị, đề xuất. Cụ thể đối với SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Chân trời sáng tạo có 149 lượt. SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều có 346 lượt. SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Cùng học để phát triển năng lực 6 lượt. SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục có 12 lượt. SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có 22 lượt. Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã chuyển nội dung Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi cán bộ quản lý, GV trong ngành và toàn xã hội; giới thiệu 1 số ngữ liệu để GV có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp, gồm 11 bài; hướng dẫn điều chỉnh 1 số từ ngữ trong bài, gồm 20 từ ngữ...
Cùng với Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố trong tỉnh chỉ đạo tập trung lấy ý kiến, họp tổ chuyên môn, cán bộ quản lý, GV về vấn đề SGK Tiếng Việt 1. Tại huyện Thanh Bình, việc triển khai, thực hiện SGK mới được UBND huyện, Phòng GD&ĐT huyện, các đơn vị trường, cán bộ quản lý, GV tập trung thực hiện. Theo Phòng GD&ĐT huyện, bên cạnh những thuận lợi, một số GV, học sinh (HS) gặp phải những khó khăn như bài học dài, cách sắp xếp bài học chưa logic... Tại các đơn vị trường sau khi nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của GV, HS trong các lần sinh hoạt tổ chuyên môn, các thành viên trong tổ đề ra sáng kiến tổ chức thực hiện nghiên cứu bài dạy của 2 tuần kế tiếp, để tìm ra những từ ngữ chưa phù hợp hoặc những hình ảnh chưa sâu sát với thực tế tập trung thảo luận và có ý kiến đề xuất. Sau đó, các tổ chuyên môn của trường tập trung các ý kiến và chỉ đạo chung để các GV thống nhất những từ ngữ thay thế hoặc những hình ảnh chưa phù hợp...
Tại huyện Lai Vung, 100% cán bộ quản lý và GV được tập huấn về sử dụng SGK, được tham dự chuyên đề do Phòng GD&ĐT tổ chức. SGK được cung ứng cho HS, GV kịp thời, đủ số lượng. Mỗi HS đều có đủ bộ SGK lớp 1 trước khi bước vào năm học mới. Sách có thêm phiên bản điện tử, hoạt hình hóa các bài kể chuyện trong SGK tạo hứng thú cho các em trong quá trình học tập... Trong quá trình giảng dạy, các GV soạn, thiết kế bài dạy, phát hiện ngữ liệu chưa hợp lý. Các nội dung này được đưa vào sinh hoạt chuyên môn, dự kiến các ngữ liệu cần thay thế để trình Hiệu trưởng nhà trường quyết định thống nhất chung. Bên cạnh đó, GV các trường lắng nghe ý kiến đóng góp của cha mẹ HS trong thời gian hướng dẫn con học ở nhà. Đồng thời với tinh thần trách nhiệm, nhà trường và GV chủ động trao đổi, thảo luận đi đến thống nhất thay thế những từ ngữ phù hợp hơn trong các lần sinh hoạt tổ chuyên môn. Một số ngữ liệu đã thực hiện thay thế cho phù hợp. Với những bài đọc dài, GV luyện đọc thêm ở các tiết học tăng cường buổi thứ 2. Các ngữ liệu được thay thế gần gũi, giúp các em dễ hiểu hơn, kết quả học tập được ổn định...
Theo Sở GD&ĐT, toàn ngành đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tiến hành các bước tham khảo, lấy ý kiến đóng góp từ các trường, GV, cha mẹ HS, tổ chức hội thảo trong toàn thể cán bộ quản lý, GV... Đồng thời có sự tham gia, đóng góp trực tiếp ý kiến của đại diện chủ biên. Các giải pháp được ngành GD&ĐT thực hiện đã ghi nhận những ý kiến đóng góp, các ngữ liệu thay thế căn cứ vào các tiêu chí, định hướng, kinh nghiệm hay từ các đơn vị trường, những sáng kiến thực tế của GV. Sau hội thảo và tổng hợp các ý kiến, Sở GD&ĐT thực hiện các hướng dẫn đến các đơn vị trường, GV giảng dạy theo chương trình, phù hợp với năng lực học tập, đảm bảo chất lượng dạy và học đối với HS.
C.P.