Sách tham khảo trong nhà trường - một vấn nạn?
Cập nhật ngày: 04/12/2020 09:09:24
Năm học 2020 - 2021 bắt đầu thì cũng bắt đầu rộ lên câu chuyện sách tham khảo trong nhà trường, mà nhiều ý kiến gay gắt gọi đó là một vấn nạn. Câu chuyện sách tham khảo trong nhà trường diễn ra từ lâu, có thể đã ba, bốn chục năm nay. Suốt một thời, người ta không nói nhiều về giảm tải thì dường như cũng không mấy ai quan tâm đến vấn đề này. Nay, trong trào lưu cải cách giáo dục mới mà giảm tải là một trong những phẩm chất, tiêu chí được nêu lên hàng đầu thì câu chuyện sách tham khảo đang được xới lên một cách nóng bỏng, sôi sục. Có phải đây là một vấn nạn hay không, xin bàn qua đôi điều.
Trước hết, nhìn dưới góc độ chuyên môn, nhân đạo và sức khỏe, theo cách gọi thường gặp gần đây về việc cắt bớt tất cả mọi phương diện liên quan đến học sinh, từ nội dung chương trình và sách giáo khoa đến thời gian và thời lượng trên lớp... là giảm tải thì quả thật, việc ồ ạt in sách tham khảo và tìm cách tuồn vào nhà trường, nhất là vận động hoặc bắt học sinh phải mua, quả là một vấn đề đáng quan tâm, nhất là với học sinh lớp 1 - những đứa trẻ tiên phong trong chương trình cải cách mới. Hiện nay, học sinh lớp 1 phải có trong cặp một bộ sách giáo khoa gồm 8 cuốn. Cộng với tập vở, tương thích với 8 cuốn sách đó, như vậy cũng đã quá nặng đối với một đứa trẻ 6 tuổi mỗi ngày đến trường. Chỉ cần khoảng một nửa trong số đó kèm sách tham khảo (ví dụ các môn Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội...), chắc chắn, các em sẽ phải còng lưng tải sách đi học. Rõ ràng, đây là cách làm chệch với tinh thần, nội dung và quyết tâm giảm tải của cả nước trong giáo dục. Sách tham khảo có thể có ít nhiều tác dụng, bổ ích với giáo viên. Còn đối với học sinh, chỉ cần học hết trong sách giáo khoa, dưới sự giảng dạy, hướng dẫn của giáo viên là đủ, thậm chí là thừa! Rõ ràng, không một tác giả sách giáo khoa nào, khi biên soạn lại chừa một khoảng trống về kiến thức và kỹ năng, để có thể qua đó mà chen vào những phần cần bổ sung, tham khảo. Nếu quả thực có điều này, thì bộ sách đó chắc chắn không vượt nổi nhiều ngưỡng thẩm định của các nhà chuyên môn và giáo viên. Có người khẳng định, người ta viết sách tham khảo chỉ với mục đích làm tiền, hoàn toàn không vì quyền lợi người học. Có thể nhận xét đó còn ít nhiều mang tính cực đoan, nhưng không phải là không có cơ sở thực tiễn cần xem xét.
Thứ hai, dưới góc độ tài chính, việc in ấn, phát hành ồ ạt sách tham khảo và ỉ ôi học sinh mua bằng nhiều cách, với cái giá không hề hữu nghị chút nào, khiến nhiều gia đình thuộc diện nghèo, diện khó khăn phải lâm vào tình huống khó xử. Không tìm mọi nguồn, mọi cách mua sách cho con đi học thì áy náy, day dứt với bổn phận làm cha làm mẹ. Mà mua sách cho con, nhất là gia đình có nhiều đứa con đi học thì hầu bao quá ngặt, bởi còn bao nhiêu chuyện chi tiêu khác ập đến mỗi ngày. Chỉ riêng bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện hành đã có giá khoảng 200.000 đồng (ví dụ: bộ Cánh diều: 199.000 đồng; lúc đầu định giá là 225.000 đồng). Mua sách giáo khoa còn vất vả, trầy trật, giờ phải mua thêm sách tham khảo nữa thì lấy tiền đâu ra? Có nhiều phụ huynh ao ước: đừng sinh ra cái gọi là sách tham khảo nữa thì hay biết mấy. Có sách, con người ta có, con mình không, vậy là lại thêm một mặc cảm thua thiệt đeo đẳng suốt năm tháng đến trường của tụi nhỏ nhà nghèo.
Ở đây, cần nhìn rõ cái tâm của người viết sách tham khảo. Không phải tác giả nào viết sách tham khảo cũng chỉ cốt kiếm tiền. Nhưng nhìn vào thực trạng sách tham khảo đang bung ra trên thị trường và tấn công vào trường học như hiện nay thì quả thật, dù có nhìn nhận khách quan, công bằng đến mấy cũng phải thốt lên rằng: loạn! Trong một chương trình thời sự của VTV, phóng viên chuyên trách giáo dục đã đưa ra trong một phóng sự: có tác giả đã phù phép gần chục cuốn sách tham khảo cho lớp 1 bằng những tên gọi khác nhau, nhưng nội dung bên trong là y nguyên, không thay đổi, dù chỉ một chữ! Người ta cũng thường dùng chiêu dựa hơi, liên kết, liên doanh để kinh doanh sách tham khảo. Có không ít cuốn sách mượn một nhân vật có học hàm, học vị đứng tên chủ biên, còn viết lách bên trong thì toàn những cây bút vô danh thực hiện. Và vì thế, chất lượng sách tham khảo, nhìn chung là chưa tốt và không ít cuốn lặp lại sách giáo khoa một cách ấu trĩ, ngô nghê, thừa thải.
Cũng cần nhìn nhận một cách cụ thể vai trò của nhà trường đối với hoạt động xuất bản sách tham khảo, nhất là vấn đề phát hành, mua bán. Trong phóng sự của VTV nói trên, phóng viên cũng đã chỉ ra việc: không ít đơn vị giáo dục, nhất là Ban giám hiệu các trường đã nhận làm đầu mối phát hành sách tham khảo và tìm cách ép giáo viên, học sinh mua. Đó là một việc làm sai trái, cần sửa chữa, chỉnh đốn ngay. Đối với nhà trường, chỉ có thể vận động giáo viên mua sách tham khảo, theo quan điểm quản lý hoạt động chuyên môn riêng của mình. Còn không, tốt nhất là mua cho thư viện trường, giáo viên, học sinh nào thấy cần thì đến đó đọc hoặc mượn về đọc.
Đối với một số nhà xuất bản, nên chăng, cần xác lập lại triết lý kinh doanh với tính nhân văn đậm hơn, không quá thiên về doanh thu, lợi nhuận khi xuất bản sách liên quan đến nhà trường, đến thế hệ trẻ, trong đó có sách tham khảo các loại. Nhà Xuất bản Giáo dục là con chim đầu đàn trong hoạt động xuất bản sách giáo khoa và sách tham khảo liên quan đến nhà trường, đương nhiên, vì đây là con đẻ của ngành giáo dục và trong một thời gian không ngắn đã độc chiếm công việc hệ trọng này. Gần đây, vì nguyên lý chống độc quyền và vấn đề cạnh tranh thương mại, Nhà nước mà cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho và cấp phép thêm một số nhà xuất bản khác được tham gia vào hoạt động này. Dù vậy, vai trò, vị trí và tiềm lực, tiềm năng của Nhà Xuất bản Giáo dục vẫn chứng tỏ họ mãi là con chim đầu đàn trong lĩnh vực xuất bản thuộc ngành giáo dục. Trong thực tế, điều này đã và đang diễn ra, ví dụ: Nhà Xuất bản Giáo dục đã gần như độc chiếm biên soạn, xuất bản sách giáo khoa lớp 1 hiện hành (4/5 bộ). Vả chăng, với tư cách ấy, nhà xuất bản này không nhất thiết phải xung trận in ấn sách tham khảo hay chí ít là chỉ xuất bản một cách cẩn trọng, chất lượng, góp phần lành mạnh hóa khí quyển học hành của con em chúng ta nơi học đường?
Cuối cùng, có cơ quan chủ quản nào đứng ra quản lý hoạt động xuất bản, phát hành sách tham khảo trong nhà trường phổ thông hiện nay cho đến nơi đến chốn hay không? Như tôi biết là có, nhưng vẫn còn lơ là, buông lỏng. Để sách tham khảo trong nhà trường tự tung tự tác lộn xộn như hiện nay là đi ngược lại quan điểm, chủ trưởng đổi mới, cải cách giáo dục mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang bắt đầu tiến hành trong một chu trình mới.
Gọi sách tham khảo trong nhà trường hiện nay là một vấn nạn, e chưa thật thỏa đáng, còn ít nhiều cực đoan. Tuy nhiên, không phải ở đó, không có nhiều vấn đề khiến chúng ta bức xúc, trăn trở như nêu ở trên.
TAO ĐÀN