Huyện Lấp Vò phát triển cây ấu theo hướng bền vững

Cập nhật ngày: 01/09/2022 10:04:51

ĐTO - Trải qua khoảng 30 năm, cây ấu phát triển trên địa bàn huyện Lấp Vò nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp. Nhiều nông dân đã chọn cây ấu là cây trồng chính để phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, thời gian qua, chính quyền địa phương và người trồng ấu chú trọng xây dựng thương hiệu, từng bước sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao chuỗi giá trị, giúp tăng thu nhập từ cây ấu.


Việc công bố nhãn hiệu “Củ ấu Long Hưng” góp phần 
nâng tầm thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương

Xây dựng thương hiệu cây ấu

Theo UBND huyện Lấp Vò, ấu là cây trồng thủy sinh, được nhiều nông dân trên địa bàn huyện canh tác. Thời điểm đầu, cây ấu được nông dân trồng chủ yếu trong mùa lũ nhằm cải thiện thêm thu nhập lúc nông nhàn. Trong quá trình sản xuất, cây ấu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan nên diện tích được mở rộng, nông dân đầu tư sản xuất thâm canh quanh năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, toàn huyện có 85ha trồng ấu, trong đó xã Long Hưng B có diện tích trồng lớn nhất với 82ha.

Nhằm nâng cao giá trị củ ấu, đầu tháng 8/2022, UBND huyện Lấp Vò tổ chức công bố nhãn hiệu chứng nhận “Củ ấu Long Hưng” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân trồng ấu, cũng như chế biến sản phẩm từ củ ấu tại địa phương nói riêng và người dân huyện Lấp Vò nói chung.

Xã Long Hưng B có diện tích canh tác ấu phủ đều trên địa bàn thuộc các ấp. Để nâng cao hiệu quả, từ năm 2018, nông dân trên địa bàn ấp Hưng Lợi Tây, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò đã thành lập Tổ hợp tác Sản xuất ấu an toàn ấp Hưng Lợi Tây. Đến nay, Tổ hợp tác có 43 thành viên, diện tích trồng ấu khoảng 81ha. Ông Đinh Văn Hợp - Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất ấu an toàn ấp Hưng Lợi Tây (huyện Lấp Vò) cho biết: “Thời gian qua, nhằm bảo đảm ấu phát triển tốt, Tổ hợp tác thường xuyên phối hợp với các ngành hướng dẫn quy trình sản xuất phù hợp thời vụ. Nhờ đó, cây ấu luôn đạt năng suất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chuẩn về kích cỡ nên bán được giá cao. Phần lớn củ ấu khi thu hoạch được bán cho các thương lái, sau đó, thương lái vận chuyển cung cấp cho các cơ sở, doanh nghiệp sơ chế, chế biến ấu trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, Tổ hợp tác rất mong nhận được sự hỗ trợ của các ngành, địa phương để liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hướng bền vững”.

Theo ông Mai Văn Miên - Chủ tịch UBND xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, nhằm góp phần khẳng định thương hiệu và mở ra nhiều triển vọng mới cho sản phẩm ấu, địa phương đã phối hợp các ngành chức năng triển khai nhiều hoạt động trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời vận động các ngành liên quan triển khai các chính sách hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất ấu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân liên kết sản xuất; tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến...”.

Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết: “Việc chọn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sẽ không giới hạn thành viên sử dụng, nhãn hiệu có thể được sử dụng bởi bất kỳ người nào có sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Vì vậy, nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Lấp Vò đều có thể đăng ký sử dụng tên nhãn hiệu “Củ ấu Long Hưng” cho sản phẩm mình sản xuất, kinh doanh. Từ đó, góp phần khuyến khích sản xuất phát triển, quảng bá sản phẩm, được mọi người tin dùng, giúp tăng lợi nhuận cho người dân sản xuất và chế biến sản phẩm từ cây ấu”.


Từ lâu, cây ấu trở thành cây trồng chính của nhiều hộ dân 
trên địa bàn huyện Lấp Vò

Nâng cao giá trị sản phẩm từ ấu

Thời gian qua, huyện Lấp Vò xuất hiện nhiều mô hình phát triển cây ấu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó, tiêu biểu là mô hình tận dụng phế phẩm từ củ ấu của anh Nguyễn Trường An ngụ ấp Bình Lợi, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò tạo ra phân bón hữu cơ với nhiều ưu điểm vượt trội. Anh An cho biết: “Xuất phát từ thực tế, người dân trồng ấu với số lượng lớn, nhưng hầu hết chỉ bán ấu tươi hoặc nấu chín. Do vậy, nguồn phụ phẩm từ củ ấu đều chất đống đem bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, tôi muốn tận dụng phụ phẩm này để làm phân hữu cơ cho các loại cây trồng khác”.

Theo đó, hàng tháng, anh Nguyễn Trường An thu vỏ ấu tươi từ các cơ sở chế biến với số lượng từ 20 - 30 tấn để chế biến phân hữu cơ. Mỗi tháng, anh có thể cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn phân bón hữu cơ từ vỏ ấu. Hiện anh An làm ra 2 dòng sản phẩm dạng bột và dạng viên, bán theo túi 2kg và túi 25kg.


Anh Nguyễn Trường An (ngụ ấp Bình Lợi, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) với mô hình chế biến vỏ ấu thành phân hữu cơ

Tương tự, chị Lê Kim Châu - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Đất Sen Hồng thuộc xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ ấu. Trong đó, chị Châu đã phát triển sản phẩm củ ấu tươi sau khi tách vỏ đã chinh phục thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau khi thành công với việc bảo quản sản phẩm củ ấu tươi, nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, chị Kim Châu bắt đầu nghiên cứu phát triển thêm một số sản phẩm đang được thị trường đánh giá cao như: bột sữa củ ấu uống liền, bột ấu bánh canh. Đồng thời phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới được chế biến từ củ ấu như: snack củ ấu, nui, hủ tiếu, cháo ăn liền...

Để phát triển bền vững cho cây ấu, ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò chia sẻ: “Huyện sẽ nghiên cứu hỗ trợ địa phương đầu tư khép kín ô bao trồng ấu với diện tích phù hợp để hướng đến sản xuất tập trung, tạo thuận lợi trong việc tổ chức, quản lý; đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn về cây ấu để giới thiệu cho nông dân áp dụng. Cùng với đó, hỗ trợ các địa phương trồng ấu thực hiện đăng ký cấp mã số vùng trồng để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác trồng ấu, khi đủ điều kiện sẽ thành lập hợp tác xã trồng ấu để thuận lợi trong tổ chức sản xuất và liên kết cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra với doanh nghiệp; tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm ấu. Ngành chức năng làm cầu nối để doanh nghiệp và địa phương gặp gỡ, trao đổi tìm hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ; hỗ trợ thúc đẩy phát triển chế biến, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ củ ấu và hướng đến trở thành sản phẩm OCOP, từng bước thực hiện, phát triển chuỗi giá trị ấu”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn