ĐTO - Gần 1 tháng qua, người dân các huyện đầu nguồn Đồng Tháp phấn khởi hơn khi bước vào mùa nước nổi. Sau nhiều năm liền lũ nhỏ, năm nay, nước từ thượng nguồn đổ về sớm và cao hơn năm trước, bà con vui hơn bởi ruộng đồng được bồi đắp phù sa sau những mùa vụ liên tục đất không được nghỉ ngơi, cách vụ... Bên cạnh đó, nguồn thủy sản cũng dồi dào giúp người dân có điều kiện phát triển thêm một số làng nghề và tận dụng khai thác sản vật mùa nước nổi.
Một số hình ảnh người dân mưu sinh trong mùa nước nổi:
Với ưu điểm dễ trồng, ít bị sâu bệnh, vốn đầu tư thấp, thích nghi tốt với những vùng đất trũng thấp, đặc biệt là những vùng đất ngập lụt, từ nhiều năm nay, cây sen được nhiều nông dân xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự lựa chọn làm cây phát triển kinh tế gia đình.
Bà Nguyễn Thị Keo ở xã Thường Thới Tiền, chuyên sống bằng nghề bắt ốc nuôi lươn. Bà thường bắt ốc ở các tuyến kênh rạch với số lượng không nhiều, tuy nhiên từ khi xả lũ đến nay, nước tràn đồng, lượng ốc trên ruộng nhiều nên bà tranh thủ đi bắt ốc thêm làm nguồn thức ăn dự trữ cho lươn. Trung bình mỗi ngày bà bắt gần 20kg ốc trộn với cám cho lươn ăn, giúp giảm chi phí.
Ông Nguyễn Văn Hải ở ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền chuẩn bị đặt đú trên ruộng để đánh bắt cá, tôm mùa lũ.
Những ngày này, đi dọc các tuyến kênh nội đồng các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Tân Hồng xuất hiện nhiều nhóm nông dân săn bắt chuột đồng.
Theo dự báo, nước lũ năm nay về sớm và cao hơn so với năm trước, cá tôm sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, nguồn thủy sản lại giảm đi, đặc biệt là cá linh. Theo người dân chuyên làm nghề đóng đáy, lượng cá linh giảm khoảng 3-4 lần so với những năm trước, cá linh “không về” cũng gây khó khăn cho đời sống của người dân trong mùa lũ.
Thảo Vy-Nhật Khánh