Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước hết là hiểu sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh
Cập nhật ngày: 02/03/2024 04:05:16
ĐTO - Tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng. Tư tưởng đó thể hiện trong một văn kiện chính trị quan trọng bậc nhất của đất nước Việt Nam. Đó là bản Tuyên ngôn độc lập mà Bác Hồ trình bày vào ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tư tưởng vĩ đại trong văn kiện đó chính là cốt lõi của nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ngày 23/2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị học tập Chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của Nhân dân Đồng Tháp” trong toàn Đảng bộ tỉnh
Những giá trị bền vững của nền tảng tư tưởng của Đảng
Hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vẫn phải tiếp tục thực hiện kiên quyết, hiệu quả để bảo vệ giá trị to lớn của tư tưởng của Bác trong văn kiện quan trọng đó. Tư tưởng đó cần được hiểu đúng đắn trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tránh sự ngộ nhận hoặc hiểu một cách hời hợt về tư tưởng của Bác, dẫn đến những khuynh hướng cực đoan mà hệ lụy của nó là hành động đi ngược lại tư tưởng của Bác.
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đó là nội dung đặt vấn đề để làm phần mở đầu trong bản văn kiện chính trị quan trọng bậc nhất nói trên mà Bác Hồ trích dẫn trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Tiếp theo đó, Bác Hồ trích dẫn trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 có nội dung tương tự: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Bác Hồ khẳng định đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Điều vĩ đại trong bản Tuyên ngôn độc lập không phải là khẳng định lại những chân lý tất yếu có tính phổ quát của nhân loại, mà là Bác Hồ đã lên án nghiêm khắc những hành động đi ngược lại tư tưởng đúng đắn đó của chính những thế lực thực dân, đế quốc ở chính quốc gia sản sinh ra tư tưởng đó. Như vậy, Bác Hồ đã cho mọi người thấy rằng, không phải những nơi nói ra được những điều đúng đắn thì họ sẽ làm được những điều đúng đắn đó, thậm chí, họ có thể làm ngược lại hoàn toàn. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, những thế lực thực dân, đế quốc nói tôn trọng tự do, bình đẳng nhưng trên thực tế họ không làm cho người dân Việt Nam được tự do, bình đẳng. Họ nói tôn trọng hạnh phúc nhưng trên thực tế họ không làm cho người Việt Nam có được hạnh phúc. Ở đây, mặc dù Bác Hồ thể hiện sự đồng tình, tôn trọng những giá trị tư tưởng của các nước đế quốc phương Tây, nhưng Bác Hồ vẫn lên án hành động của các thế lực thực dân, đế quốc. Trong khi lên án những điều xấu của kẻ thù, Bác Hồ không xem tất cả những gì của kẻ thù cũng đều là xấu, cũng như vẫn kính trọng những giá trị chân lý phổ quát của nhân loại mặc dù những giá trị đó do kẻ thù nói ra. Nói cách khác, Bác Hồ đã học được giá trị tốt từ kẻ thù.
Từ đó cho thấy tư tưởng của Bác đã vượt trên sự yêu - ghét, thoát khỏi sự chi phối của cảm tính, lấy lợi ích của Quốc gia, dân tộc làm tiêu chí cao nhất để đánh giá tốt xấu, đúng - sai, lấy trí tuệ sáng suốt để soi sáng tầm nhìn, biết phân biệt rõ những cái tốt đang lẫn lộn trong mớ hỗn độn xấu xí, không để cho nhận thức của mình bị làm méo mó bởi cảm tính ghét - thương. Đó chính là điều cốt lõi làm nên giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh và là yếu tố tạo nên giá trị bền vững của nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ đó tạo nên giá trị bền vững của văn kiện chính trị vĩ đại của dân tộc.
Bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng
Hiện nay, một vài thế lực thất bại và cố chấp vẫn đang tìm mọi cách phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng để cố biện minh cho những thất bại của họ trước đây. Họ càng chống phá, họ lại càng thất bại và càng đi vào vòng lẩn quẩn. Họ không thể giải thích được đàng hoàng, tử tế những gì đang xảy ra trên đất nước Việt Nam đang ngày một đổi mới và phát triển nhờ giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chúng ta tin rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng với nền tảng tư tưởng vững vàng, cùng với sự đoàn kết toàn dân, đất nước Việt Nam sẽ ngày một phát triển thịnh vượng. Mọi người đều được tự do, hạnh phúc và bình đẳng.
Tuy nhiên, những gì đang xảy ra trong thực tiễn cho thấy, muốn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà mục tiêu là vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và tiến bộ xã hội, thì không thể chỉ có lòng tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng là đủ, mà đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải hiểu đúng tư tưởng của Bác Hồ và hành động thiết thực, đúng đắn khi cần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trước hết, để bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng thì nội bộ cán bộ, đảng viên phải hiểu đúng và hành động đúng với tư tưởng của Đảng và Bác Hồ. Trong đó điều quan trọng nhất là mỗi người phải hiểu từng hành động của bản thân mình có đúng với tư tưởng của Đảng và Bác Hồ hay chưa. Từ đó mà nói những điều đúng đắn một cách trung thực, làm điều đúng đắn một cách tự giác, không phải vì muốn người khác khen ngợi mình mà vì để khẳng định tính chính trực của bản thân. Trong Đảng mà không có được điều này thì kẻ thù chưa phá nền tảng tư tưởng của Đảng cũng sụp đổ. Đoàn kết trong Đảng mạnh, nền tảng tư tưởng vững chắc thì không kẻ thù nào có thể phá hoại được. Lê-Nin đã từng cảnh báo Đảng Cộng sản Liên Xô: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta” và thực tiễn chứng minh điều đó đã đúng.
Do vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước hết và cơ bản nhất là tự bản thân mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải quyết tâm không được phạm sai lầm, nếu có sai lầm thì phải nhanh chóng sửa sai. Sửa sai thì phải chấp nhận tổn thất, đau thương. Không dám chịu tổn thất, đau thương thì khó có thể sửa sai.
Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, để xác định một điều là đúng hay sai đôi khi cũng không hề đơn giản. Có nhiều người mãi đến cuối đời mới nhận ra vấn đề là đúng hay sai. Có người tuy hiểu được vấn đề là đúng nhưng không đủ bản lĩnh để hành động cho đúng, có những nguyên nhân khách quan, có những nguyên nhân chủ quan. Có người phó mặc cho cuộc sống xô đẩy, không có lý tưởng, chỉ lo lợi ích bản thân mà rơi vào sai lầm.
Do vậy, mỗi người cần phải đối diện với từng vấn đề, từng hoàn cảnh của bản thân với một thái độ tích cực và luôn luôn cầu thị để có thể hành động phù hợp nhất. Đừng bao giờ vì một sự bất bình hay thất bại nào đó mà đánh mất đi những điều quý giá của bản thân. Chẳng hạn, đừng vì sự thù hận mà đánh mất lòng nhân ái của bản thân, đừng vì một thất bại mà từ bỏ khát vọng chân chính, đừng vì sự thua kém của mình so với một số người bạn mà đánh mất sự tự tin và lòng tự trọng...
Điều thứ hai trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cách thức hành động đáp trả đối với những thế lực chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng ta sẽ không vì kẻ địch dùng những thủ đoạn cực đoan, phi pháp mà ta cũng trở thành kẻ cực đoan, phi pháp. Không vì hắn xúc phạm nhân phẩm của ta rồi ta cũng chà đạp nhân phẩm của hắn, dù rằng nhân phẩm của hắn không tốt đẹp gì. Đôi khi những điều kẻ địch đem ra làm phương tiện chống phá ta cũng có nguyên nhân từ những sai lầm, yếu kém của chúng ta. Như thế thì việc chống phá của kẻ địch, ở một góc độ nào đó cũng là “giúp” chúng ta nhận ra những yếu kém, sai lầm của mình. Do đó, chúng ta cần giữ một thái độ luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt để có thể nhận diện được thủ đoạn của kẻ địch và tự tìm cách khắc phục sai lầm, yếu kém, nâng cao bản lĩnh, phẩm chất của chúng ta.
Điều thứ ba trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là tránh ngộ nhận hoặc quá cực đoan dẫn đến cứ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nhìn hiện tượng rồi quy hết thành bản chất. Bởi vì kẻ địch thường lợi dụng những hành động bình thường được pháp luật bảo vệ để thực hiện ý đồ xấu. Nếu ta không nhận thức sáng suốt, quá cực đoan thì sẽ đánh nhầm vào người dân chúng ta. Mặt khác, thế giới thay đổi, tiến bộ không ngừng, đôi khi ta không thay đổi nhận thức kịp với tình hình xã hội thì nhận thức đúng - sai của ta cũng lạc hậu và ta rơi vào tình trạng cực đoan.
Điều thứ tư là, đôi khi chúng ta cũng phải chấp nhận sự cùng tồn tại vừa hợp tác, vừa đấu tranh, phải biết “gạn đục, khơi trong” để bảo vệ lợi ích Quốc gia, dân tộc, bảo vệ cái đúng, cái tốt. Có một triết lý phổ biến: “Cái gì tồn tại thì đã có tính hợp lý; Cái gì hợp lý thì sẽ tồn tại”.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà những giá trị phổ quát của nhân loại là “nhân quyền”, “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” được đề cao. Đất nước ngày càng phát triển theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhân dân là chủ thể quyết định sự phát triển của đất nước. Điều này tạo nên sự phát triển của đất nước và tiến bộ xã hội. Độc lập dân tộc, chủ quyền Quốc gia là nhân tố tạo nên sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế - xã hội. Hợp tác quốc tế vì hoà bình, ổn định và phát triển của mỗi Quốc gia là môi trường tốt nhất để phát triển. Chúng ta phải lấy tinh thần đó để đấu tranh chống mọi hành động thù địch. Lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực. Lấy cái “chân, thiện, mỹ” để đẩy lùi cái sai, cái ác, cái xấu. Thêm bạn, bớt thù, hướng đến cái đồng nhất, bỏ qua cái khác biệt. Lấy lý trí sáng suốt để soi sáng cho hành động; sẵn sàng thay đổi bản thân để đi đến thành công.
Kiều Thế Lâm