Nhận rõ sự tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Cập nhật ngày: 24/08/2024 05:33:29

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240824053413dt2-7.mp3

 

ĐTO - “Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là đặc trưng trong lĩnh vực xã hội thuộc 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hầu hết người Việt Nam có thể “nằm lòng” đối với đặc trưng này, nhưng thường thì thiên về nội dung của nó. Bài viết này bàn luận về tính tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa trên phương diện lý luận và thực tiễn. Qua đây, chúng ta phần nào hiểu được việc cần phải làm cho nền văn hóa trong thời gian tới.


Ảnh minh họa (Ảnh: M.X)

Khái niệm văn hóa được nhiều người và tổ chức nói đến. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO): “Văn hóa là tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội; văn hóa không chỉ bao gồm văn học và nghệ thuật, mà còn cả phong cách sống, phương thức chung sống, các hệ giá trị, truyền thống và niềm tin”. Xuất phát từ vị trí địa lý và bối cảnh đương đại, văn hóa Việt Nam sớm có tiền đề và điều kiện để “chuyển mình” thành nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những yếu tố cần và đủ để được xem là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là:

Sự tiếp thu của nền văn hóa

Nền văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa tiếp thu với nhiều nền văn hóa của các quốc gia khác. Trong thời kỳ cổ đại, theo dòng chảy văn hóa, văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc đã thâm nhập vào văn hóa Việt Nam. Trong đó, văn hóa Trung Quốc đã ngấm sâu, rộng và là mạch xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam đến tận ngày nay và có thể còn ảnh hưởng không nhỏ trong tương lai. Trong thời cận và hiện đại, các nền văn hóa Pháp, Mỹ và Nga có ảnh hưởng nhất định đối với văn hóa Việt Nam. Tiếp nhận, tiếp biến đã và đang thăng hoa văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, có thể ghi nhận rằng, nơi này và lúc khác, với nhận thức khác nhau, một số nhà cầm quyền đã ngặn chặn, khước từ, lên án, bài xích một số hình thức, sản phẩm văn hóa khác. Mặc dù vậy, sự tiếp thu các nền văn hóa của các nước khác mà nhất là các quốc gia có vị thế lớn trên chính trường quốc tế là dòng chủ lưu.

Sự kế thừa và phát triển của nền văn hóa

Nền văn hóa Việt Nam vừa hội tụ, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, vừa có được sự kế thừa từ trong các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Một cộng đồng người đa dân tộc với nhiều nét văn hóa phong phú và đặc sắc mà trong đó các loại hình văn hóa tinh tế. Và vườn hoa ấy, các tác phẩm văn học của những cây bút tài danh sống mãi với người đọc không chỉ trong nước. Mạch ngầm văn hóa Việt Nam luôn được kế thừa, bảo tồn, phát triển và đang “trăm hoa đua nở” trên mảnh đất nhân ái, văn minh. Dĩ nhiên, như bao lĩnh vực khác của cách mạng xã hội xã hội chủ nghĩa,  nền văn hóa Việt Nam cần được sàng lọc để loại bỏ những quan niệm, hành vi, cách sống, tập tục trở thành hủ tục, những hình thức, cách thức phản cảm và gây tiêu hao, lãng phí thời gian và của cải xã hội, cộng đồng, gia đình.

Sự xác lập nền tảng khoa học của nền văn hóa

Trước đó và nhất là từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, học thuyết Mác - Lênin dần dần nảy nở, phát triển và là nền tảng tư tưởng của Đảng và xã hội ở Việt Nam. Học thuyết Mác - Lênin hình thành trên cơ sở khoa học tự nhiên với 3 phát kiến vĩ đại (định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng, học thuyết tế bào, học thuyết tiến hóa) và khoa học xã hội với triết học Đức, kinh tế chính trị Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp. Theo đó, học thuyết này luôn luôn tiếp nhận khoa học hiện đại - học thuyết “mở”. Với hạt nhân là quan điểm duy vật và phép biện chứng, học thuyết Mác - Lênin lý giải sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy từ những hiện thực khách quan vốn có của nó. Học thuyết Mác - Lênin là một bước phát triển cao của tư tưởng nhân loại, khắc phục triệt để sự nhận thức lệch lạc, mơ hồ và niềm tin huyễn hoặc vào một thế giới thần linh hay ma quỷ nào đó. Và từ đây, nền văn hóa Việt Nam có được “vật liệu” đâm hoa, kết trái “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Mặc dù căn bản đã có các yếu tố của tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa Việt Nam vẫn còn không ít những “loài hoa dại” cần được diệt trừ. Một lần nữa, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch hướng phát triển nền văn hóa Việt Nam: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Theo đó, một số nội dung cụ thể phải làm là: “Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan. Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn hóa, văn nghệ. Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội”.

Nền văn hóa tự bản thân nó là sự kết tinh sức sáng tạo của con người. Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam là một quá trình của sự “hội ngộ” giữa truyền thống và hiện đại, của quá khứ và tương lai, từ bên trong và ngoài. Và đây cũng là một chuỗi dài của sự đào thải những lạc hậu, cản trở, mục nát. Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam là của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn hướng đến tương lai hiện đại, văn minh.

Dân Biện

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn