Huyện Hồng Ngự

Quan tâm nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng bộ địa phương

Cập nhật ngày: 02/12/2024 10:47:52

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241202104908dt2-2.mp3

 

ĐTO - Hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư khóa XII “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” (viết tắt là Chỉ thị số 20), công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương trên địa bàn huyện Hồng Ngự đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ gìn bản sắc và truyền thống tốt đẹp quê hương vùng biên của tỉnh Đồng Tháp.


Học sinh Trường THCS Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự) về nguồn tại Khu di tích Xẻo Quít

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Ngay khi tiếp nhận Chỉ thị số 20 và văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Hồng Ngự đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy triển khai, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức và tích cực thực hiện việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Đồng chí Nguyễn Thị Thùy Linh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Hồng Ngự, cho biết: “Trên cơ sở chủ trương và chỉ đạo của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy là cơ quan thường trực chỉ đạo, phối hợp với Hội Khuyến học và Khoa học Lịch sử huyện, các đảng ủy xã, thị trấn tích cực tập hợp tư liệu, sưu tầm hình ảnh, gặp gỡ nhân chứng lịch sử để khai thác, ghi chép, đối chiếu, xác minh, tổng hợp các nguồn tư liệu, biên tập các bản dự thảo và tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn chỉnh nội dung.

Các đảng ủy xã, thị trấn xác định công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng, quá trình hình thành và phát triển là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, chính vì vậy, công tác biên soạn được các đảng ủy xã, thị trấn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện triển khai thực hiện. Quá trình triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện Hồng Ngự; Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng và quá trình hình thành, phát triển của Đảng bộ và Nhân dân các xã, thị trấn thuộc huyện Hồng Ngự giai đoạn 1930 - 2015 thu hút sự tham gia nhiệt tình của cán bộ cách mạng lão thành, cán bộ chủ chốt và nhân chứng lịch sử, đã bổ sung nhiều tư liệu, sự kiện lịch sử có giá trị, làm rõ nhiều vấn đề của lịch sử Đảng bộ địa phương...”.

Trên tinh thần quyết tâm của toàn hệ thống chính trị huyện, từ năm 2018 đến nay, huyện Hồng Ngự đã xuất bản 5 công trình lịch sử (Biên niên lịch sử xã Phú Thuận A giai đoạn 1930 - 2005; Lịch sử truyền thống cách mạng xã Thường Phước 1 giai đoạn 1930 - 2005; Lịch sử 80 năm đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển xã Thường Thới Hậu A giai đoạn 1930 - 2010; Biên niên lịch sử xã Phú Thuận B giai đoạn 1930 - 2015; Biên niên lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Long Khánh A), nâng tổng số công trình nghiên cứu lịch sử được xuất bản lên 13 công trình (cấp huyện 5 công trình, cấp xã 8/10 công trình). Xã Long Khánh B và Thường Phước 2 dự kiến hoàn thành trong năm 2025.


Một số công trình lịch sử cấp huyện và cấp xã của huyện Hồng Ngự đã được xuất bản

Quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục

Song song việc nghiên cứu, biên soạn, Ban Thường vụ Huyện ủy Hồng Ngự đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, chi hội, tổ hội... nhân dịp tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm quan trọng của đất nước, của tỉnh và địa phương. Các cấp ủy trực thuộc Huyện ủy phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương và của ngành; chủ động nắm tình hình dư luận để phòng ngừa, đấu tranh, phản bác hiệu quả các thông tin sai lệch, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng.

Hằng năm, Trung tâm Chính trị huyện Hồng Ngự lồng ghép nội dung lịch sử Đảng bộ địa phương vào chương trình giảng dạy cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Đồng thời đưa lịch sử Đảng bộ địa phương vào chương trình giảng dạy tại các trường THCS (dạy chính khóa 1 tiết/năm), THPT (dạy ngoại khóa 2 tiết/năm) để phát huy tác dụng các công trình lịch sử Đảng, giúp học sinh am hiểu sâu sắc về lịch sử nói chung và lịch sử Đảng bộ địa phương nói riêng, góp phần tạo động lực, sự thích thú cho các em tìm hiểu môn Lịch sử.

Thầy Võ Thành Tân - Hiệu trưởng Trường THCS Thường Thới Hậu A, cho biết: “Từ năm 2019 đến nay, nhà trường đưa chương trình giáo dục lịch sử địa phương vào giảng dạy; tổ chức dạy học trực tiếp trên lớp và các hoạt động ngoại khóa bằng hình thức về nguồn. Nội dung giảng dạy dựa trên nguồn tài liệu của tỉnh, từ đó, giáo viên biên soạn giáo án, sưu tầm thêm tài liệu liên quan và liên hệ thực tế ở địa phương. Thuận lợi khi giảng dạy là giáo viên được cung cấp tài liệu, được tạo điều kiện để thực hiện việc giảng dạy trên lớp hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa. Việc đưa giáo dục lịch sử địa phương vào giảng dạy trong nhà trường đã giúp giáo viên và học sinh hiểu được quá trình hình thành, phát triển của địa phương - nơi các em đang sinh sống. Học sinh hứng thú khi tìm hiểu về lịch sử địa phương, đặc biệt là khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, về nguồn... Qua đó, các em tự hào về truyền thống đấu tranh của cha ông ta qua các thế hệ, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước... Tuy nhiên, nguồn tài liệu dành cho việc giảng dạy còn hạn chế, việc sắp xếp và phân chia số tiết còn ít, các hoạt động ngoại khóa chưa nhiều. Mong muốn của nhà trường trong thời gian tới là được cung cấp thêm tài liệu, tranh, ảnh phục vụ việc dạy và học; mở các lớp tập huấn, hội thảo để giáo viên giảng dạy được học tập, trau dồi kinh nghiệm; tăng thêm số tiết và chế độ cho giáo viên giảng dạy; tạo nhiều điều kiện để học sinh được tham gia các hoạt động ngoại khóa, về nguồn”.

Chia sẻ cảm nghĩ khi được học lịch sử truyền thống địa phương, em Lê Đăng Khôi - học sinh lớp 8A3, Trường THCS Thường Thới Hậu A, cho biết: “Bản thân em cảm thấy rất hứng thú khi tham gia hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về lịch sử truyền thống Đảng bộ địa phương. Qua hoạt động đã giúp em hiểu rõ hơn về truyền thống đấu tranh của quê hương, đất nước và tự hào về thế hệ cha anh đi trước đã đấu tranh, hi sinh vì nền độc lập, tự do cho dân tộc. Em mong trong thời gian tới, nhà trường sẽ tăng thêm số tiết học về lịch sử truyền thống địa phương”.

Đánh giá kết quả công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ huyện và lịch sử truyền thống cách mạng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hồng Ngự, đồng chí Hà Văn Công - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hồng Ngự, cho biết: “Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo các yêu cầu, nhiệm vụ công tác sưu tầm, biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng, từ đó, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt và đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Quá trình triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, truyền thống đấu tranh cách mạng đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của cán bộ cách mạng lão thành, cán bộ chủ chốt, các nhân chứng lịch sử và những đóng góp tâm huyết của Nhân dân. Các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng vừa thể hiện được tính thống nhất chung về tính Đảng, vừa đảm bảo tính khoa học và tính giáo dục, được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Hà Văn Công cho biết thêm: “Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương chưa được duy trì thường xuyên; việc biên soạn lịch sử truyền thống, biên niên lịch sử, công tác sưu tầm tư liệu gặp nhiều khó khăn, phần lớn các nhân chứng sống trong kháng chiến còn rất ít, tuổi cao, trí nhớ giảm. Tài liệu thành văn tại địa phương không nhiều, tài liệu ở các kho lưu trữ ngoài huyện chưa được sưu tầm đã ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu và công tác biên soạn”.

Đẩy nhanh tiến độ biên soạn gắn với tuyên truyền

Thông tin những việc cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Thùy Linh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Hồng Ngự, cho biết: “Ban Tuyên giáo Huyện ủy tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20 theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa công tác sưu tầm, khai thác tư liệu, nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng. Tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền các nội dung công trình lịch sử Đảng bộ huyện, các xã, thị trấn gắn với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đảng bộ tỉnh cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh; tiếp tục đưa nội dung lịch sử Đảng bộ địa phương vào giảng dạy, tuyên truyền tại Trung tâm Chính trị huyện và các trường phổ thông trên địa bàn huyện”.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc bổ sung, sưu tầm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện Hồng Ngự (1975 - 2025); tập trung hoàn thành các công trình lịch sử đang thực hiện: Biên niên lịch sử xã Long Khánh B, xã Thường Phước 2, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Đối với các xã đã xuất bản lịch sử Đảng bộ, biên niên lịch sử Đảng bộ từ năm 2010 trở về trước tiếp tục triển khai nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ, biên niên lịch sử Đảng bộ tiếp nối các tập đã được nghiên cứu, xuất bản. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20 đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Phú Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn