Xây dựng Trường Sa xanh, sạch, đẹp
Cập nhật ngày: 14/02/2025 10:04:56
ĐTO - Hiện nay, trên các đảo ở Trường Sa, quân và dân đã xây dựng được nhiều mô hình thu gom rác thải, bảo vệ môi trường hiệu quả; hình thành vườn ươm, chăm chút, cải tạo từ đảo cát trắng trở thành hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát, rau trái bốn mùa.
Đảo Len Đao
“Ngôi nhà xanh” thu gom rác
Cập nhật kịp thời những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các đảo ở Trường Sa hiện nay như: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Len Đao, Cô Lin… đều đã có các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Đến đảo Song Tử Tây, Len Đao, bên cạnh vườn rau xanh, vườn ươm cây, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã đặt 2 thùng rác vô cơ và hữu cơ, "Ngôi nhà xanh" bằng sắt, thép chia thành từng ngăn để phân loại rác thải. Chiến sĩ Huỳnh Lộc Thọ (đảo Len Đao) cho biết, để đảm bảo môi trường trên đảo, các loại rác thải trong quá trình sinh hoạt đều được cán bộ, chiến sĩ thu gom bỏ vào thùng phân loại rác. Rác thải sau khi phân loại sẽ bỏ vào từng bao lớn, gửi theo các chuyến tàu để mang vào đất liền xử lý. Nhờ đó, môi trường trên đảo Len Đao luôn được giữ trong lành, sạch, đẹp.
Tương tự, khi đến đảo Song Tử Tây, chúng tôi ấn tượng bởi dưới những tán cây xanh rợp bóng mát có mô hình “Ngôi nhà xanh” bảo vệ môi trường do quân và dân trên đảo dựng nên. Ông Cao Văn Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây, cho biết, hiện nay, lượng rác thải trên đảo từ quá trình sinh hoạt và rác theo sóng biển trôi dạt vào nhiều. Do đó, hàng năm, chỉ huy đảo đã có kế hoạch phân công, phối hợp quân và dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để mang vào bờ. Rác thải nhựa sẽ được đốt; lá cây được ủ thành phân phục vụ cho quá trình ươm cây, tăng gia sản xuất; rác thải rắn được bỏ vào các “Ngôi nhà xanh”, sau đó tập trung đưa lên tàu chở về đất liền xử lý theo quy định. Hiện tại, bên cạnh "Ngôi nhà xanh", trên đảo còn có lò đốt các loại rác thải có thể tiêu hủy được. Cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom rác thải với tần suất 2 lần/tuần; tổ chức các chương trình như: “Ngày Chủ nhật xanh”, “Mùa hè xanh” vận động quân và dân trên đảo thu gom rác thải về phân loại như trong đất liền để giữ cho đảo luôn xanh, sạch, đẹp.
Mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên đảo Len Đao
Nhân lên những mầm xanh
Để tập trung xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết tình quân dân”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo ở Trường Sa đã thực hiện có hiệu quả chương trình "Xanh hóa Trường Sa”. Trường Sa hôm nay có những hàng cây xanh tươi ngày càng lớn lên cùng năm tháng và những vườn rau xanh mướt giữa môi trường khí hậu khắc nghiệt.
Hôm chúng tôi đến đảo Sinh Tồn Đông, dưới tán cây lớn là giàn bí trĩu quả, vườn rau xanh tươi tốt. Những năm trước đây, các đảo còn phải phụ thuộc vào nguồn rau xanh, cung cấp từ đất liền thì hiện nay đã tự túc hoàn toàn. Những vườn ươm cây xanh cũng được hình thành, dưới bàn tay tỉ mẩn, khéo léo của quân và dân trên đảo ngày càng tươi tốt. Thượng úy Trần Lê Tiến Dũng - Trợ lý phòng không trên đảo Sinh Tồn Đông, cho biết, hạt bàng vuông được ủ ươm mầm trong đất mùn, độ ẩm cao và che nắng gió. Mỗi năm, cán bộ, chiến sĩ trên đảo ươm được 200 - 300 cây để nhân lên những mầm xanh trên đảo; đồng thời cung cấp cho các đảo khác. Mỗi lần có đoàn khách từ đất liền ra thăm, cán bộ, chiến sĩ đều tặng những cây bàng vuông, loài cây có sức sống bền bỉ, vươn lên trong nắng gió có hoa rất đẹp, được xem là biểu tượng của Trường Sa.
Vườn ươm cây mù u trên đảo Song Tử Tây
Việc trồng cây xanh ở Trường Sa khó khăn hơn rất nhiều so với đất liền do khí hậu rất khắc nghiệt. Những mùa mưa bão đánh trùm lên cây, ảnh hưởng đến khả năng sống sót của cây. Đồng thời, việc vận chuyển cây xanh từ đất liền ra, qua quá trình dài trên tàu ra đến đảo, tỷ lệ cây sống thấp. Mặt khác, do môi trường đặc thù, cây được trồng trên nền đất san hô, nên khả năng chống chịu bị giảm sút. Trung tá Vũ Mạnh Hải - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết, để trồng cây xanh ở đảo, cán bộ, chiến sĩ phải đào hố, tạo mùn bằng cách thu gom lá cây và dùng đất mùn trong đất liền chở ra; khi cây phát triển lên sẽ sử dụng các loại lưới che chắn xung quanh, phòng ngừa gió mùa Đông Bắc, Tây Nam thổi liên tục dễ làm cây chết. Vào tháng 2 đến tháng 8, khí hậu nắng gắt, khả năng giữ nước của đất ở trên đảo rất kém, do đó cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên tưới nước, đảm bảo cho cây sống sót trong thời gian nhất định. Để không quá phụ thuộc cây giống chở ra từ đất liền, một số đảo đã hình thành các vườn ươm cây xanh, khả năng đáp ứng được 4.000 - 6.000 cây/năm.
Với sự nhiệt huyết, sáng tạo của quân và dân trên đảo, trong năm 2024, đảo Sinh Tồn Đông đã trồng được 4.000 cây xanh các loại như: Phi lao, dừa, tra, bàng vuông, mù u, phong ba, bão táp… Đó là sự nỗ lực rất lớn của quân và dân trên đảo, góp phần thực hiện thành công chương trình “Xanh hóa Trường Sa”.
Theo THÁI THỊNH (baokhanhhoa.vn)