Cần củng cố thương hiệu bóng đá Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 06/09/2017 09:55:45
Sau thời gian khẳng định thương hiệu tại sân chơi đỉnh cao bóng đá Quốc gia, Câu lạc bộ (CLB) bóng đá Đồng Tháp (ĐT) phải thi đấu trận Play-off để giành suất trụ hạng giải bóng đá hạng nhất 2017. Đây là sự thất vọng về niềm tin của người hâm mộ bóng đá cả nước.

Vượt qua khó khăn, DFC phấn đấu củng cố thương hiệu để phát triển
Bóng đá ĐT từng tự hào là thương hiệu bóng đá mang đậm bản sắc địa phương của cả nước. Sau thời gian hoạt động theo cơ chế bao cấp, Công ty Cổ phần Phát triển bóng đá Đồng Tháp (DFC) được thành lập 2015. Tuy bước đầu có những ý tưởng năng động về kinh doanh, nhưng do không thể tự cân đối nguồn tài chính dẫn đến hệ quả phải xuống thi đấu tại giải hạng nhất Quốc gia.
Tham dự mùa giải hạng nhất 2017, mô hình doanh nghiệp DFC tiếp tục quản lý CLB ĐT, thuận lợi ban đầu là định hướng phù hợp với Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và xu thế phát triển chung. Nhưng với mục tiêu đặt ra khiêm tốn, DFC chỉ mong trụ lại giải hạng nhất, thậm chí sợ phải thăng hạng giải V.League!. Điều này đi ngược lại quan điểm đầu tư của bóng đá chuyên nghiệp là hướng đến thành tích cao.
Theo báo cáo tài chính hoạt động DFC năm 2017, trong số tổng chi phí khoảng 15 tỷ đồng, nguồn thu của công ty chiếm khoảng 6 tỷ đồng (45%), còn lại 9 tỷ đồng (55%) từ nguồn hỗ trợ do ngân sách và tài trợ, quảng cáo của doanh nghiệp nhà nước. Việc nguồn tài chính đầu tư cầm chừng, buộc phải thắt chặt chi tiêu mua sắm, lực lượng cầu thủ và kế hoạch chuẩn bị vào giải không như ý muốn, đồng nghĩa với thành tích đội bóng thi đấu yếu kém, khán giả đến sân cổ vũ thưa dần và tổn thương đến thương hiệu bóng đá địa phương.
Dẫu biết tính khắc nghiệt trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, nhưng việc quản lý nguồn nhân lực luôn để chảy máu chất xám diễn ra. Vì nhiều lý do khác nhau, hàng năm, đội bóng mất đi các cầu thủ có thương hiệu, bản sắc. Chẳng hạn năm 2015 mất Thanh Hào, Bửu Ngọc và 2016 Duy Khanh, Thanh Hiền ra đi... Năm 2017, lực lượng cầu thủ biến động lớn, phải bổ sung kế thừa nhiều cầu thủ mới 17 tuổi. Điều này ở cấp độ thi đấu giải chuyên nghiệp Quốc gia đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mạnh đội.
Việc phối hợp quản lý còn bất cập, bởi các mục tiêu, nguồn lực đầu tư đào tạo cầu thủ trẻ thuộc sự định hướng, quản lý của Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh. Trong khi DFC chỉ quản lý đội bóng chuyên nghiệp với tham vọng nâng cao thương hiệu và kinh doanh bóng đá riêng. Khi mục tiêu đào tạo cầu thủ kế thừa không đạt đẳng cấp yêu cầu, hay vấn đề quyền sở hữu cầu thủ của địa phương chưa được làm rõ... thì phát sinh những mâu thuẫn về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai đơn vị là khó tránh khỏi.
Xây dựng và phát triển thương hiệu bóng đá chuyên nghiệp, bên cạnh bản sắc truyền thống bóng đá của địa phương, CLB còn phải hướng đến mục tiêu chiến thắng để giành ngôi vị cao nhất. Khi CLB có thành tích vẻ vang, thu hút được nhiều người quan tâm, thì mới hy vọng có doanh nghiệp cùng đồng hành. Khi đó, mới có thể khai thác hiệu quả hình ảnh kinh doanh, tiếp thị, quảng cáo và tăng nguồn thu tài chính.
Nhìn nhận khách quan, bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam bước đầu chỉ là loại hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận. Nhưng cần thấy việc củng cố, giữ gìn thương hiệu bóng đá ĐT có vai trò văn hóa tinh thần địa phương rất lớn. Đó là loại hình dịch vụ không khói, có tác động đem lại nhiều lợi ích cho xã hội như: du lịch, thương mại, dịch vụ khách sạn, tín dụng và phát triển đô thị.
TRƯỜNG THƯ