Chạnh lòng đội bóng miền Tây

Cập nhật ngày: 22/09/2016 09:32:14

ĐTO - Sau 1 năm trụ hạng V-League, Đồng Tháp (ĐT) đã không thể tái lập thành tích trong mùa bóng 2016 và phải chấp nhận về chơi giải Hạng Nhất. Đây thực sự là một kết cục buồn cho địa phương có truyền thống bóng đá bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long!


Những cổ động viên nhiệt thành đến cổ vũ đội nhà trong trận cuối ở V-League 2016

Dù ĐT đã chính thức xuống hạng khi giải còn 3 vòng đấu, nhưng nhiều cổ động viên nhiệt thành vẫn đến sân cổ vũ cho đội nhà trong trận đấu cuối cùng gặp SHB Đà Nẵng trên sân Cao Lãnh. Với họ, hành động này giống như lời an ủi cho đội bóng con cưng trước khi họ chia tay V-League. Bạn Nguyễn Thành (xã Đốc Binh Kiều, Tháp Mười) chia sẻ: “Tranh thủ ngày cuối tuần, em đến xem đội ĐT chơi. Biết là kết quả không còn thay đổi được, nhưng em vẫn muốn đến động viên tinh thần cầu thủ. Vì họ còn đá, còn quyết tâm vì màu cờ sắc áo thì tại sao chúng ta - những người hâm mộ không thể hiện tình yêu với bóng đá quê hương? Nhân đây, em cũng xin gửi lời cám ơn đến toàn thể đội bóng, Ban huấn luyện vì đã cố gắng hết sức mình dù kết quả không như mong đợi. Em hy vọng ĐT sẽ nhanh chóng trở lại V-League”. Dù thi đấu đầy nỗ lực với mong muốn cống hiến trận cầu hay dành tặng khán giả nhà, nhưng trước đối thủ quá mạnh và đang cạnh tranh ngôi vô địch như SHB Đà Nẵng, các cầu thủ chủ nhà đã không thể làm nên điều bất ngờ. Sự thua sút về lực lượng đã khiến ĐT không thể trụ vững trước đội khách cũng quyết thắng với hy vọng vô địch và cuối cùng nhận trận thua đậm 0-4 ngày tạm biệt V-League.

Đội ĐT không thể trụ lại ở giải bóng đá cao nhất Việt Nam không phải chuyện bất ngờ. Bởi, ngay từ trước khi mùa giải khởi tranh, giới chuyên môn nhận định rằng ĐT chính là một trong những “ứng cử viên” chiến đấu tránh rớt hạng. Tại sao một địa phương sở hữu lò đào tạo trẻ có tiếng trong cả nước và không thiếu cầu thủ xuất sắc như ĐT lại phải liên tục lên hạng rồi xuống hạng nhanh chóng? Thực ra, ngay từ khi bóng đá Việt Nam chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, vấn đề tài chính là yếu tố then chốt tác động đến sự thành bại của bất kỳ câu lạc bộ (CLB) nào. Ví như Hà Nội T&T, FLC Thanh Hóa hay Becamex Bình Dương... những đội bóng thi đấu thành công trong nhiều năm qua đều có sự “chống lưng” của các “ông bầu” hay tập đoàn, nhà tài trợ lớn. Còn những CLB nhà nghèo thì luôn “nơm nớp” lo xuống hạng hoặc giải thể vì không thể kham nổi kinh phí dự giải.

Thực tế, khi Tập đoàn Cao su Việt Nam còn tài trợ, ĐT đã thi đấu rất thành công trong giai đoạn từ năm 2009 - 2011. Tuy nhiên, từ ngày Tập đoàn Cao su Việt Nam không tài trợ, CLB Đồng Tháp ngay lập tức lận đận và xuống hạng ở V-League 2012. Năm 2014, ĐT còn sắp bị giải thể do không đủ kinh phí tham dự giải Hạng Nhất. Cuối cùng, CLB đã cố gắng tận dụng số tiền bán biển quảng cáo trên sân, bán vé... và huy động thêm tiền từ nguồn sổ số kiến thiết, vận động doanh nghiệp trong tỉnh tài trợ để đáp ứng yêu cầu về tài chính của Ban Tổ chức giải và đăng ký thi đấu vào ngày cuối cùng của thời hạn. Cũng mùa giải năm đó, đội bóng miền Tây giành chức vô địch giải Hạng Nhất, qua đó thăng hạng V-League mùa giải 2015.


Các cầu thủ Đồng Tháp (trái) thi đấu nỗ lực nhưng không thể tạo nên bất ngờ trước SHB Đà Nẵng

Tin vui đến chưa được bao lâu thì nỗi lo “kim tiền” lại ám ảnh những người làm bóng đá xứ Sen hồng. Công ty TNHH Bóng đá ĐT lúc bấy giờ không thể vận động được số tiền 35 tỷ đồng (trong đó có 15 tỷ đồng tiền nợ và 20 tỷ đồng chuẩn bị cho V-League 2015) theo quy định của Ban Tổ chức V-League. Trong khi đó, ngân sách tỉnh không thể đầu tư cho công ty vì phạm luật. Do vậy, UBND tỉnh đã thông báo rằng đội bóng quê nhà sẽ không dự V-League 2015. Tuy nhiên, để bóng đá ĐT tiếp tục chinh chiến tại đấu trường Quốc gia và đáp ứng mong mỏi của người hâm mộ tỉnh nhà, Công ty Cổ phần Phát triển Bóng đá Đồng Tháp được thành lập thay cho Công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp cũ (đã tuyên bố phá sản). Với vốn điều lệ ban đầu 24,5 tỷ đồng nhờ sự chung tay của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ĐT lại “chết đi sống lại” trước thềm mùa giải mới.

Nhưng rồi ĐT cũng chỉ trụ lại V-League được 1 năm. Vấn đề chính của ĐT vẫn là thiếu tiền. Không mạnh về tài chính, ĐT không thể giữ chân các trụ cột sau mỗi mùa giải kết thúc mà trường hợp ra đi của Thanh Hiền hồi đầu năm 2016 là một điển hình. Thiếu tiền, ĐT cũng không chọn cho mình những cầu thủ chất lượng cả nội binh lẫn cầu thủ ngoại. Vì lẽ đó, ra sân với một đội hình mỏng, với những cái tên không quá nổi bật thì khả năng giành điểm trong một trận đấu là hết sức khó khăn đối với ĐT. Mặc dù đội chủ sân Cao Lãnh tăng cường thêm sức mạnh trên băng ghế chỉ đạo khi mời Trần Công Minh làm thuyền trưởng cho CLB để kết hợp cùng ông Phạm Công Lộc với hy vọng “giải cứu” đội nhà, nhưng rồi mọi chuyện đã không như ý. ĐT chấp nhận xuống hạng khi chỉ giành được 8 điểm với duy nhất 1 chiến thắng, 5 trận hòa, còn lại toàn thua.

Lê Thanh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn