CLB Anh bành trướng châu Âu và sự đảo chiều của bóng đá
Cập nhật ngày: 17/04/2021 06:18:30
Nhìn vào sự hiện diện của các CLB Anh ở hai đấu trường châu Âu có thể thấy cán cân quyền lực thay đổi. Tiền bạc là mấu chốt vấn đề, nhưng không phải tất cả.
22 năm sau khi phải chơi ở hạng 3, Man City hiện có mặt ở bán kết Champions League. (Ảnh: Getty Images)
Lá cờ nước Anh lại bay cao ở châu Âu và hai trận chung kết toàn Anh giống như mùa 2018/19 hoàn toàn có khả năng lặp lại, với Chelsea - Man City ở Champions League còn MU - Arsenal tại Europa League. Tuy nhiên, trước khi mơ về viễn cảnh đó, hãy ngừng lại một chút và nghĩ về sự thay đổi đáng kinh ngạc của bóng đá Anh.
Khoảng hai thập niên trước, ngay cả những người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không thể hình dung về một ngày Chelsea cùng Man City sánh bước trên hành trình chinh phục đỉnh cao châu Âu, trong khi MU, Arsenal tìm kiếm cứu cánh cho mùa giải ở đấu trường hạng 2.
Khi bước sang thế kỷ 21, MU và Arsenal là hai thế lực thống trị Premier League. Họ hiếm khi bận tâm tới phần còn lại và dành thời gian cho việc tìm kiếm vinh quang châu Âu. Chelsea và Man City không có sự thoải mái đó. Cả hai vật lộn với các vấn đề của chính họ, chủ yếu là về tiền bạc.
Trước khi Roman Abramovich tiếp quản The Blues, đội bóng này nợ 80 triệu bảng và đối diện nguy cơ phá sản. The Citizens cũng nợ ngập đầu sau nỗ lực thoát khỏi giải hạng 3 và trở lại Premier League, chơi trận derby với MU thay vì Macclesfield Town trong sân vận động chỉ có 6.000 khán giả.
Khi vấn đề là tiền, thật dễ để giải quyết nếu có ông chủ như Abramovich hay Sheikh Mansour, những người bỗng một ngày nọ phát hiện ra tình yêu bóng đá và bước vào Chelsea, Man City, sau đó tạo nên một cuộc lột xác ngoạn mục. Hai đội bóng mặc cảm về lịch sử nghèo nàn vụt trở thành gã khổng lồ, lật đổ các thế lực cũ và viết nên lịch sử của chính mình.
Phó Chủ tịch Arsenal, David Dein, từng mô tả về cách Chelsea vận hành như sau: “Abramovich đã đậu chiếc xe tăng Nga của ông ta trước cửa nhà chúng tôi và bắn ra những tờ 50 bảng”. Dick Law, phụ tá của Dein, đính chính: “Tôi nghĩ nó giống tờ 1.000 bảng hơn”.
Có một sự ghen tỵ khá lớn ở đây. Tỷ phú người Nga từng tìm hiểu về khả năng mua Arsenal nhưng bỏ qua và Dein đã vô cùng tức giận khi biết điều đó. Còn về phía Sir Alex Ferguson, ông cáo buộc Chelsea “hủy hoại bóng đá” và dè bỉu Man City, “gã hàng xóm ồn ào” đang “tiêu tiền theo kiểu tự sát”.
Theo cách ít cực đoan hơn, cựu Chủ tịch Newcastle, Sir John Hall nói rằng, trong bóng đá ai chẳng phải bỏ tiền, chỉ có điều từ trước đến nay, các ông chủ chi tiêu căn cơ hơn. “Bọn tôi, Aston Villa, Everton và cả Liverpool, Arsenal hay MU đều đốt tiền không ít, nhưng các nhà tài phiệt đã đưa mọi thứ lên tầm cao mới. Túi tiền không đáy cho phép họ làm bất cứ điều gì”, Hall bình luận.
Nhưng Hall cũng bổ sung thêm, các tỷ phú đến nước Anh từ khắp nơi trên thế giới “đã làm thay đổi cuộc chơi cũng như cách vận hành bóng đá”, không chỉ về tiền bạc. Như đã thấy, trong giai đoạn 2013 đến nay, thực chi của MU là 780 triệu bảng, không ít hơn nhiều so Man City (854 triệu) và gấp đôi Chelsea (380 triệu), gấp ba Liverpool (231 triệu). Arsenal thì sao, với 445 triệu đã bỏ ra, họ là đội chi tiền nhiều thứ 3 Premier League, chỉ ít hơn hai đội bóng thành Manchester.
Tiền rất quan trọng trong bóng đá, nhưng phải chi tiêu hiệu quả để thúc đẩy tham vọng lớn. MU và Arsenal chậm chạp trong việc thích ứng để rồi tụt lại phía sau. Nỗ lực tiêu tiền để san bằng khoảng cách có thể giúp họ bắt kịp Chelsea và Man City, song không phải bây giờ.
“Chúng tôi đã lọt vào bán kết Europa League và đây giống như một trận đấu lớn đúng nghĩa ở châu Âu, bởi Roma là đối thủ có bề dày lịch sử”, HLV của MU, Ole Gunnar Solskjaer nói sau khi vượt qua Granada rạng sáng 16-4.
“Thật tuyệt vời khi trở thành một trong bốn đội bóng mạnh nhất châu Âu. Đây không phải chiến tích, bởi Man City đã từng vào bán kết Champions League một lần. Chúng tôi đang tạo ra một lịch sử khác”, HLV Man City, Pep Guardiola cho biết hôm thứ 5 vừa qua.
Một đội cố gắng viết lịch sử ở giải đấu danh gián nhất châu Âu, một đội cố gắng phóng đại tầm vóc của đấu trường hạng 2, nghe thật mỉa mai. Tuy nhiên đây là cách mà bóng đá diễn ra.
HẢI THANH (NDĐT)