Vui buồn nghề trọng tài bóng đá phong trào
Cập nhật ngày: 25/10/2017 08:07:06
ĐTO - Trọng tài điều khiển các trận đấu bóng đá được ưu ái gọi bằng cái tên “ông vua sân cỏ”. Cái tên nói lên quyền lực của họ, bởi trọng tài là người đưa ra những quyết định cuối cùng trên sân đấu. Nhưng cái nghề “làm vua” này cũng mang đến cho họ lắm nỗi buồn vui.

Niềm vui lớn nhất với người trọng tài là khi họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Trước mỗi trận đấu diễn ra, công việc quen thuộc của các trọng tài là kiểm tra danh sách cầu thủ, ghi chép biên bản, kiểm tra còi và thẻ... Những việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại cực kỳ quan trọng đối với các “vị vua áo đen”. Khi trận đấu bắt đầu, dấu ấn trọng tài lại càng đậm nét hơn bởi tính minh bạch và sự công tâm của họ là yếu tố quan trọng mang đến thành công cho trận đấu. Trên sân, trọng tài cũng di chuyển liên tục như các cầu thủ để có thể theo dõi hết các tình huống. Nhiều khán giả xem trận đấu chỉ chú tâm đến diễn biến trận đấu mà quên đi tầm quan trọng của trọng tài.
Trọng tài bóng đá vốn chịu rất nhiều sức ép, nhưng trọng tài bóng đá phong trào phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp hơn. Họ phải chịu áp lực từ cầu thủ, Ban huấn luyện đội bóng và thậm chí là khán giả. Trọng tài Trần Văn Khỏe - Ban Trọng tài Đồng Tháp chia sẻ: “Khi cầm còi một trận đấu, chúng tôi hay gặp trở ngại lớn nhất là việc các cầu thủ và cổ động viên phản ứng. Nếu bắt ở các giải phong trào thì việc phản ứng càng phổ biến bởi có cầu thủ, khán giả chưa nắm rõ luật thi đấu”.
Bóng đá là môn thể thao mang tính cạnh tranh quyết liệt giữa các cầu thủ trên sân cỏ. Chính vì thế, trọng tài là người đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều tiết nhiệt độ cũng như xử lý các tình huống trên sân. Dù chịu áp lực nhưng mỗi vị trọng tài đều phải tỏ ra cứng rắn và chuẩn xác với từng quyết định của mình.
Trên sân bóng, trọng tài được xem là người quyền lực nhất, nhưng thực sự nghề trọng tài chẳng khác gì “làm dâu trăm họ”. Thế nên, với những trọng tài, niềm vui lớn nhất của họ chính là việc không để xảy ra sai sót nào trong trận đấu hay được nhận những lời khen ngợi của cầu thủ, huấn luyên viên và khán giả... Đó chính là động lực để họ gắn bó với nghề.
Trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp, lẫn phong trào, đã có nhiều vị trọng tài bị các cầu thủ hoặc cổ động viên hành hung vì họ cho rằng bị xử ép. Với các trọng tài chuyên nghiệp thì được lực lượng an ninh bảo vệ, còn các trọng tài bóng đá phong trào đôi khi họ phải tự bảo vệ mình.
Trọng tài Nguyễn Trung Nam - Phó Ban Trọng tài Đồng Tháp cho biết: “Hiện các giải bóng đá phong trào của tỉnh đang dần được tổ chức tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề an ninh vẫn chưa được đảm bảo, đặc biệt là việc bảo vệ lực lượng trọng tài. Do đó, chúng tôi hy vọng sắp tới, công tác an ninh ở mỗi giải phong trào của tỉnh đều được thực hiện tốt, đảm bảo an toàn cho anh em trọng tài, đặc biệt là các trọng tài trẻ. Có như thế, những người cầm còi mới phát huy hết khả năng và hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Nghề trọng tài cần phải rèn thể lực để bảo đảm sức khỏe cho đến việc học luật thi đấu. Mà luật thi đấu thường xuyên thay đổi, khiến trọng tài phải cập nhật liên tục để áp dụng đúng đắn. Theo chia sẻ của các “vị vua áo đen”, dù nắm rõ luật nhưng đôi khi họ vẫn mắc những sai sót nhất định. Cùng với việc phải hứng chịu những lời không hay từ cầu thủ và khán giả khiến họ ray rứt “mất ăn mất ngủ”. Trọng tài Trần Văn Điền - Ban Trọng tài Đồng Tháp cho biết: “Trong các trận đấu có nhiều sự cố xảy ra và trọng tài cũng là người thường xuyên mắc lỗi. Nguyên nhân có thể do góc nhìn của trọng tài không thuận lợi hay tình huống quá nhanh khiến trọng tài cũng không theo kịp dẫn đến quyết định sai lầm. Những lúc như thế, những người làm nghề như chúng tôi cảm thấy rất buồn và muốn bỏ nghề. Tuy nhiên, vì niềm đam mê, chúng tôi học cách vượt qua để tiếp tục gắn bó...”.
Ban trọng tài Đồng Tháp hiện tại có khoảng 20 người. Trong đó, có trọng tài Nguyễn Trung Nam đang cầm còi ở V-league, còn một số anh em khác làm việc tại giải hạng nhất hoặc hạng nhì. Nhìn chung, các trọng tài đều đã qua lớp đào tạo cơ bản để có thể điều khiển trên sân bóng.
Những người làm trọng tài ở Đồng Tháp mà chúng tôi tiếp xúc không gọi đó là “nghề” mà thường thay bằng từ “nghiệp”. Bởi hầu hết họ đến với công việc “cầm cân nảy mực” này như một cái duyên. Nghề trọng tài chỉ là việc tay trái của họ, nơi để họ thể hiện tình yêu với bóng đá, còn thực tế mỗi người ở Ban trọng tài Đồng Tháp lại có công việc khác nhau. Người là cán bộ, người là giáo viên, hay sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng... Tuy mỗi người mỗi nghề, mỗi việc nhưng cái nghiệp trọng tài là sợi dây liên kết tất cả lại với nhau, những người có chung niềm đam mê.
Trọng tài bóng đá phong trào đôi khi chưa nhận được sự quan tâm nhiều nhưng họ là những người cực kỳ quan trọng. Không có trọng tài, bóng đá sẽ mất đi tính kỷ luật và vẻ đẹp vốn có của nó. Do vậy, vượt lên những khó khăn, các “vị vua áo đen” đều muốn tiếp tục gắn bó với nghề bằng cái tâm và tình yêu dành cho trái bóng tròn.
LÊ THANH