Tay vợt một tay gây sốt ở Tây Ninh
Cập nhật ngày: 31/10/2018 05:00:05
Chỉ dùng một tay liệu có đủ sức chơi quần vợt chuyên nghiệp? Alex Hunt, tay vợt New Zealand gây sốt ở Giải quần vợt Vietnam F4 Futures - Hải Đăng Cup diễn ra tại Tây Ninh mới đây, đã đem đến câu trả lời thú vị cho người hâm mộ.
Alex Hunt thi đấu quần vợt chuyên nghiệp dù chỉ có một tay - Ảnh: TẤN PHONG
Cụt tay trái bẩm sinh, Hunt vẫn quyết theo đuổi sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp và anh đã làm được nhiều hơn những gì người ta mường tượng.
Không chỉ chiến đấu sòng phẳng với những đối thủ lành lặn, tay vợt 24 tuổi này từng leo lên hạng 1.784 trên bảng xếp hạng ATP. Sự xuất hiện của Hunt ở Vietnam F4 Futures khiến không ít người ngỡ ngàng bởi hầu hết những tay vợt chuyên nghiệp đều phải cầm vợt cả 2 tay để tăng lực đánh. "Độc thủ đại hiệp" Alex Hunt vì thế chịu nhiều bất lợi so với các đối thủ. Ngoài ra, khi giao bóng anh phải nhờ đến sự giúp đỡ của cánh tay giả (để tung bóng).
"Việc thi đấu với một cánh tay giả khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trọng tâm của tôi bị lệch và rất khó giữ thăng bằng. Sau mỗi trận đấu hay buổi tập, vai trái của tôi thường rất đau vì phải liên tục đeo tay giả. Việc có thể tung bóng chuẩn xác bằng bàn tay giả (được thiết kế đặc biệt để trái bóng nằm lên đó) cũng là vấn đề. Tôi đã phải luyện tập nó từ rất nhỏ để giao bóng được như bây giờ" - Hunt kể về những khó khăn của mình khi chơi quần vợt chuyên nghiệp.
Dù chơi được nhiều môn thể thao như bóng rổ, bóng đá, bơi lội..., nhưng quần vợt là niềm đam mê lớn nhất và Hunt bất chấp tất cả để theo đuổi đam mê. Đang học chuyên ngành kinh tế ở một trường ĐH ở California (Mỹ), anh quyết định tạm gác việc học để tham dự các giải quần vợt chuyên nghiệp mỗi khi có cơ hội. Và cột mốc sự nghiệp của anh đến vào giữa năm 2017 ở giải Guam F1 Futures khi Hunt giành chiến thắng trước tay vợt chủ nhà Christopher Cajigan. Trận thắng này giúp anh lần đầu tiên hiện diện trên bảng xếp hạng ATP với vị trí 1.784.
Tất nhiên, sự nghiệp của tay vợt một tay này đầy rẫy rào cản. Không có nhà tài trợ, anh phải nhờ đến hỗ trợ của gia đình, bạn bè mới đủ chi phí cho các chuyến đi. Hunt còn thường tìm cách tiết kiệm khi xin ở nhờ nhà người quen. Sau tất cả, tay vợt này đối mặt với cuộc đời bằng sự lạc quan tuyệt đối.
"Tôi biết mọi người chú ý đến tôi chỉ vì tôi cụt tay và tôi học cách chấp nhận điều đó. Bạn biết đó, mỗi người sẽ có một suy nghĩ khác nhau về điều này. Riêng tôi, tôi chọn cách nhìn tích cực và không quá bận tâm việc người khác nghĩ thế nào. Mục tiêu của tôi là chơi quần vợt. Tôi sẽ tập luyện và thi đấu thật nhiều để có thể vươn xa nhất với quần vợt. Tôi muốn vô địch Men’s Futures và lên thật cao trên bảng xếp hạng ATP. Ngoài ra, tôi hi vọng mình có thể truyền cảm hứng cho các em nhỏ hoặc những người khuyết tật khác".
Những ai lần đầu hỏi Hunt vì sao bị cụt tay có lẽ sẽ trố mắt trước lời nói đùa "bị cá mập cắn" của anh. Với Hunt, khiếm khuyết cơ thể chẳng phải là lý do gì để anh tự ti cũng như ngừng bước trên con đường theo đuổi đam mê.
Cơ hội tìm hiểu văn hóa các địa phương
Tham dự các giải đấu quốc tế, Hunt không chỉ nhằm theo đuổi con đường quần vợt chuyên nghiệp, anh còn luôn muốn tìm hiểu văn hóa các địa phương.
"Tôi đã thi đấu tại Việt Nam một lần và tôi rất thích, ấn tượng với mọi thứ ở đây từ thức ăn, thắng cảnh và con người. Những điều này khiến tôi quay lại Việt Nam. Con người Việt Nam rất thân thiện, mọi người đều quý mến tôi. Nếu tôi tìm được một người bạn gái Việt thì quá tuyệt vời!", Hunt chia sẻ.
|
TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG (TTO)