Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại huyện Tháp Mười, Cao Lãnh

Cập nhật ngày: 28/08/2019 09:30:35

ĐTO - Ngày 27/8, Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đã đến kiểm tra tại 2 huyện Tháp Mười, Cao Lãnh.


Đoàn kiểm tra công tác CCHC tại huyện Tháp Mười

Qua kiểm tra, đoàn đánh giá cao việc lãnh đạo UBND huyện, UBND các xã, thị trấn và các phòng, ban rất quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác CCHC. Các đơn vị đều thực hiện tốt việc niêm yết công khai các TTHC tại bộ phận một cửa; cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc giữa các phòng, ban; việc thực hiện các TTHC cơ bản được người dân và các doanh nghiệp hài lòng.

Ngoài ra, thực hiện Đề án giai đoạn 3 của UBND tỉnh, bảo đảm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã cho Bưu điện được các huyện quan tâm, thực hiện đúng theo kế hoạch, bước đầu mang lại hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn một số lĩnh vực hạn chế cần được quan tâm khắc phục như: công tác tuyên truyền CCHC chưa đạt kế hoạch đề ra; việc cập nhật quy định mới chưa kịp thời; vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hẹn trên lĩnh vực đất đai; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3 còn hạn chế.

Tại huyện Tháp Mười, phần mềm một cửa điện tử có cập nhật nhiều hồ sơ (hơn 14.000 hồ sơ), tuy nhiên vẫn còn trên 860 hồ sơ trễ hẹn do phần mềm treo không truy cập được, một số trễ do công chức chuyên môn chuyển sai quy trình, chưa thao tác thu hồi hồ sơ để chuyển lại; một số hồ sơ lĩnh vực lao động - thương binh - xã hội gửi liên thông về huyện, công chức một cửa không thao tác tiếp nhận hoặc từ chối hồ sơ.


Đoàn kiểm tra làm việc với UBND huyện Cao Lãnh

Tại huyện Cao Lãnh, một số hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với trẻ em khuyết tật, người khuyết tật chưa thực hiện đúng quy trình (thiếu công khai). Lĩnh vực đất đai còn nhiều hồ sơ quá hạn, phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ không luân chuyển đầy đủ các cơ quan tham gia giải quyết, yêu cầu bổ sung hoàn thiện hồ sơ không thực hiện bằng phiếu hướng dẫn và không đúng thời gian quy định. Phần mềm một cửa điện tử có cập nhật nhiều hồ sơ, tuy nhiên vẫn còn nhiều hồ sơ trễ hẹn, quá hạn do nhiều hồ sơ trên phần mềm cũ chưa kết thúc, công chức chuyên môn không luân chuyển hồ sơ.

Qua làm việc, ông Lê Minh Trung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị các huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC, hạn chế tối đa hồ sơ phải trả lại và hồ sơ quá hạn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, công dân và doanh nghiệp đến làm thủ tục, trả kết quả nhanh chóng, giảm bớt chi phí, thời gian đi lại cho người dân.

K.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn