Đồng Tháp
Rà soát, kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính
Cập nhật ngày: 30/08/2017 11:20:28
Ngay từ đầu năm 2017, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 16 về rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC) năm 2017 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh đã chọn 3 ngành làm điểm gồm: Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông Vận tải với chỉ tiêu phải đề xuất cắt giảm, sửa đổi, bổ sung tối thiểu 30% trên tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị. Ngoài ra, các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh cũng có trách nhiệm tự tổ chức rà soát, đánh giá TTHC thường xuyên theo quy định.
Để thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, đánh giá TTHC, Sở Tư pháp đã tiến hành tập huấn cho các công chức có liên quan của 3 Sở được chọn làm điểm; đồng thời ban hành Quyết định số 29 ngày 27/3/2017 về việc thành lập Tổ tham vấn TTHC, với các thành viên là công chức của các sở: Tư pháp, Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Hành chính công) để tiến hành rà soát độc lập và kiểm tra chất lượng rà soát của các đơn vị theo kế hoạch. Tổ tham vấn làm việc trực tiếp với từng cơ quan để xem xét, thống nhất phương án cắt giảm, đơn giản hóa theo chỉ tiêu đề ra.
Tổng số TTHC tại 3 Sở (Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu Tư; Giao thông Vận tải) là 363 thủ tục, qua rà soát kiến nghị giữ nguyên 248 thủ tục, kiến nghị đơn giản hóa 115 thủ tục, chiếm 31,68% tổng số TTHC của 3 Sở; tổng chi phí tiết kiệm sau khi rà soát (dự kiến) là hơn 38 tỷ đồng/năm.
Ngoài việc kiến nghị đơn giản hóa các TTHC theo các phương án cụ thể, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ bổ sung vào Điều 13, Nghị định 96 ngày 19/10/2015 quy định về số lượng, hình thức, nội dung mẫu dấu của địa điểm kinh doanh; Điều 34, Nghị định 78 ngày 14/9/2015 về thủ tục thông báo sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu đối với địa điểm kinh doanh và bổ sung vào biểu mẫu Phụ lục II-8; Phụ lục II-9 và Phụ lục II-10 ban hành kèm theo Thông tư 20 ngày 1/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp. Vì Theo khoản 3, Điều 45, Luật Doanh nghiệp quy định “Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể”, hiện nay các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng mẫu dấu của địa điểm kinh doanh nhưng không thực hiện được do chưa có thủ tục quy định.
UBND tỉnh Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu bổ sung thêm quy định đối với công trình bến thủy nội địa của địa phương cho phù hợp với thực tế, không quy định tổng thể chung chung sẽ rất khó cho đối tượng thực hiện TTHC tuân thủ các quy định này. Bộ Tài chính cần tính ngang bằng mức phí sử dụng đường bộ của ô tô đến 9 chỗ ngồi do tổ chức hoặc cá nhân sở hữu. Vì theo Phụ lục 01, Thông tư 293 thì mức phí sử dụng đường bộ của ô tô đến 9 chỗ ngồi của cá nhân là 130.000 đồng/tháng, của tổ chức là 180.000 đồng/tháng gây bức xúc cho tổ chức sở hữu ô tô đến 9 chỗ ngồi và khó khăn cho Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trong việc xác định sở hữu của phương tiện.
Tỉnh cũng Kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh lại quy định về thời hạn hiệu lực đối với kết luận giấy khám sức khỏe lái xe, vì hiện nay hiệu lực đối với kết luận giấy khám sức khỏe lái xe là 6 tháng. Thời gian này là quá ngắn, trong khi học viên phải nộp hồ sơ trước khi vào học, thời gian học đối với giấy phép lái xe hạng C khoảng 5 tháng, có trường hợp học viên thi không đạt, phải thi lại chung với khóa đào tạo sau thì hiệu lực giấy khám sức khỏe hết hạn, học viên phải khám sức khỏe lại, tốn thêm chi phí. Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại hiệu quả Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp, do quy định này đang gặp nhiều vướng mắc, bất cập trong khâu tổ chức thực hiện, nhất là việc luân chuyển hồ sơ để trình ký từ cấp huyện lên cấp tỉnh, làm kéo dài thời gian, gây ách tắc TTHC của người dân, tổ chức.
M.T