“Văn hóa đổ thừa”
Cập nhật ngày: 17/08/2016 06:33:12
ĐTO - Có văn hóa vật thể và phi vật thể, được thế giới, quốc gia hoặc cộng đồng dân cư vùng, miền công nhận, như cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh, ẩm thực, trang phục...
Xã hội càng phát triển, càng xuất hiện nhiều nội dung văn hóa mới, như văn hóa ứng xử nơi công cộng, văn hóa giao thông... và có thêm một cái gọi là “văn hóa đổ thừa”.
Tại cơ chế, bị vướng qui định, do yếu tố khách quan... là những câu không hiếm nghe khi ai đó bị chất vấn, kiểm tra, khởi tố về khuyết điểm, vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.
Và hình như đã thành thông lệ: thành tích là của cá nhân, của thủ trưởng; khuyết điểm là của tập thể, của cấp dưới.
“Văn hóa đổ thừa” trở nên bi, hài khi cái máy tính cũng liên đới trách nhiệm.
Như vụ công an ở một huyện nọ ban hành văn bản thông tin có 16 vụ bắt cóc người mổ lấy nội tạng, kết luận sau đó là do lỗi đánh máy; như việc một người mua bán, sửa chữa “điện thoại cùi bắp” bị khám xét, bị khởi tố vì tội kinh doanh ngoại tệ trái phép, kết luận: quyết định khởi tố là do in nhầm dữ liệu từ máy tính; như văn bản chỉ đạo của lãnh đạo phòng giáo dục nọ yêu cầu các trường mầm non phải mua sữa của công ty ABC nào đó, khi dư luận phản ứng, người đánh máy phải chịu trách nhiệm nội dung văn bản.
Có câu “Hòn đất mà biết nói năng...”. Nhân viên văn thư “thấp cổ bé họng”, cái máy tính không biết nói - như đất.
Mọi người, dù giàu sang, phú quí đến đâu cũng sống với đất và về với đất. Cán bộ lãnh đạo để hoàn thành nhiệm vụ không thể bỏ qua vai trò của cấp dưới từ bảo vệ, văn thư, kể cả cái máy tính.
Với vai trò lãnh đạo, khi xảy ra khuyết điểm phải can đảm nhận trách nhiệm, không thể đổ thừa cho yếu tố khách quan, cho cấp dưới, bởi mọi chuyện đều do lãnh đạo quyết định.
Trong bài viết “Tự phê bình” (1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”, mặc dù “Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”.
Cái gọi là “văn hóa đổ thừa” không thể tồn tại khi Đảng, Nhà nước chủ trương và chỉ đạo quyết liệt về trách nhiệm người đứng đầu; khi chúng ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Để hệ thống chính trị, bộ máy hành chính công ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Để các doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hữu Ý