100 ngày tập kết chuyển quân ra Bắc ở Cao Lãnh

Cập nhật ngày: 24/10/2014 14:01:34

Ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở trận Điện Biên Phủ. Ngay ngày hôm sau 8/5/1954, hội nghị Giơnevơ khai mạc và đến ngày 20/7/1954 thông qua được văn bản Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Cao Miên.


Viếng mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc trước khi tập kết

Để thực hiện hòa bình, quân đội hai bên phải ngừng bắn; vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) được làm ranh giới tạm thời, quân đội nhân dân Việt Nam tập trung vào miền Bắc, quân đội Pháp tập trung vào miền Nam để đến ngày 20/7/1956 tổ chức tổng tuyển cử cả nước, thống nhất đất nước.

Ở Nam bộ được chia 3 vùng tập kết quân đội nhân dân Việt Nam để chuyển ra Bắc gồm: Khu vực Hàm Tân, Xuyên Mộc 80 ngày (tính từ ngày ký hiệp định Giơnevơ 20/7/1954), khu vực Đồng Tháp Mười 100 ngày, khu vực Cà Mau 200 ngày. Ở miền Trung quân đội ta xuống tàu ở Bình Định, chia làm 3 đợt: 80 ngày, 100 ngày và 300 ngày.

Ở khu vực Đồng Tháp Mười, đến ngày 23/8/1954 toàn bộ quân đội Pháp kể cả lực lượng võ trang Cao Đài, Hòa Hảo thân Pháp rút ra, giao lại cho quân đội nhân dân Việt Nam gom về tập kết bao gồm quân đội các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Long Châu Sa, các tỉnh miền Đông: Gia Định, Tây Ninh và tình nguyện quân Việt Nam ở Cao Miên... Địa điểm xuống tàu ra Bắc là bến Bắc Cao Lãnh và Doi Me.

Tiểu đoàn 311 của tỉnh Long Châu Sa được vinh dự vào tiếp quản nội ô thị trấn Cao Lãnh.

Trước khi rút đi, bọn tay sai Pháp cố tuyên truyền xuyên tạc nói xấu Việt Minh như gia đình nào có con trai, con gái phải đưa đi tản cư, có vòng vàng phải cất giấu, vì bộ đội Việt Minh về sẽ bắt thanh niên, hãm hiếp phụ nữ, cướp bóc tài sản... Nhờ các chi bộ xã, thị trấn bí mật luồn về sớm phát động, học tập trong nhân dân nên hầu hết nhân dân các xã Hòa An, Tân Thuận Tây, Tịnh Thới, Mỹ Trà, Tân An, Mỹ Ngãi, Phong Mỹ, An Bình... đều có ý thức sẵn sàng đón bộ đội về đóng quân trong nhà mình. Bộ đội ta được giáo dục từ trước và vốn hiền lành, vui vẻ, không chửi thề nói tục, lao động giúp dân quét dọn nhà cửa, làm cỏ rác, gánh nước, chẻ củi, đối xử lễ phép, nhã nhặn với nhân dân, không vi phạm cây kim sợi chỉ của dân, gần gũi và dạy trẻ em ca múa, sửa chữa nhà dân bị hư, dọn đường, sửa cầu... nên sớm chinh phục tình cảm của nhân dân, được nhân dân tin yêu, giúp đỡ tận tình, coi như con cháu trong gia đình mình.

Dù bận trăm công ngàn việc, lãnh đạo các xã cùng bộ đội chăm lo lợi ích của nhân dân như tiếp tục cấp ruộng đất cho nhân dân vùng tạm chiếm trước đây, đổi giấy bạc cụ Hồ qua tiền Đông Dương ngân hàng cho dân, sửa đường, bắc cầu, đào kinh, cất mới trường học, nhà hộ sinh, tu bổ mộ liệt sĩ... Bộ đội Tiểu đoàn 311 được giao nhiệm vụ xây dựng mới ngôi mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sanh Huy và xây đài liệt sĩ ở ngã tư lầu Mười Chuyển.

Thi hành Hiệp định, quân đội ta từ các nơi tập trung về lần lượt xuống tàu đi ra Bắc ở bến bắc Cao Lãnh từ ngày 7/10/1954. Mỗi chuyến đi có hàng ngàn đồng bào đứng dọc hai bên đường và bờ sông Cao Lãnh lưu luyến tiễn đưa bộ đội ta xuống tàu. Chuyến cuối cùng là ngày 29/10/1954.

Theo báo cáo tổng kết, bộ đội ta xuống tàu đi ra Bắc ở bến bắc Cao Lãnh với tổng số 13.508 người. Trong đó, bộ đội tỉnh Long Châu Sa 2.563 người (Tiểu đoàn 311 là 586 người), tỉnh Mỹ Tho 4.011 người, tỉnh Gia Định Ninh (Gia Định, Tây Ninh) 3.479 người, Phân Liên Khu miền Đông 2.523 người, tình nguyện quân Miên 794 người...

Sau khi bàn giao, tỉnh Mỹ Tho và huyện Chợ Mới, ngày 28/10/1954, hai phái đoàn quân đội nhân dân Việt Nam do thiếu tá Nguyễn Văn Tam làm trưởng và Liên hiệp Pháp do Đại úy Buzzo làm trưởng đã họp phiên cuối cùng ở nhà việc Mỹ Trà, đồng ký tên vào biên bản bàn giao giữa hai bên.

Lúc 0 giờ ngày 31/10/1954, quân đội Liên hiệp Pháp trở lại Cao Lãnh. Cuộc đấu tranh gìn giữ hòa bình, đòi phía địch nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ của nhân dân ta bắt đầu...

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn