KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2023)
48 năm giải phóng - Đất Sen hồng bứt phá vươn lên
Cập nhật ngày: 29/04/2023 05:53:35
ĐTO - Trong cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1975, cùng với các tỉnh, thành phố khác ở miền Nam, quân và dân tỉnh Đồng Tháp đã đoàn kết, anh dũng chiến đấu, giải phóng quê hương. Sau 48 năm giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Đất Sen hồng ngày càng giàu đẹp.
Lễ mừng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng ở thị xã Cao Lãnh, tháng 5/1975 (ảnh tư liệu)
Những ký ức hào hùng
Theo một số tài liệu, tháng 8/1974, Trung ương Cục giải thể tỉnh Kiến Phong, thành lập tỉnh Sa Đéc và Long Châu Tiền. Tỉnh Sa Đéc có 7 huyện gồm: Chợ Mới, Cao Lãnh, Kiến Văn, Mỹ An, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và thị xã Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong 2 ngày (15 - 16/4/1975), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sa Đéc họp mở rộng khẩn cấp tập trung thảo luận Nghị quyết đặc biệt và Mệnh lệnh Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa của Trung ương Cục. Đây là hội nghị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là ánh sáng trực tiếp mở đường, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và quân, dân trong tỉnh đến toàn thắng. Ngày 26/4/1975, Tỉnh ủy Sa Đéc nhận được lệnh hiệp đồng với mặt trận Sài Gòn vào Chiến dịch Hồ Chí Minh. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, mặt trận Sài Gòn giành toàn thắng và Tổng thống ngụy Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng.
Tại thị xã Cao Lãnh, 23 giờ ngày 30/4/1975, quân cách mạng tiến vào tiếp quản và làm chủ hoàn toàn thị xã Cao Lãnh. 7 giờ sáng ngày 1/5/1975, quân ta từ nhiều hướng tiến vào tiếp quản và làm chủ hoàn toàn thị xã Sa Đéc. Hết ngày 2/5, hầu hết tỉnh Sa Đéc được giải phóng. Ngày 2/5/1975, UBND cách mạng tỉnh Sa Đéc ra bản Tuyên bố: Kể từ giờ phút này, đất nước ta sạch bóng quân Mỹ, tỉnh ta đã hoàn toàn giải phóng. Cũng từ giờ phút đó, lịch sử chứng kiến một bước ngoặt vĩ đại đối với tỉnh Sa Đéc nói riêng, cả nước nói chung: kết thúc thắng lợi 30 năm liên tục, bền bỉ và anh dũng chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam, đưa cả nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Vẫn còn nhớ như in khí thế hào hùng, cảm xúc thiêng liêng, niềm vui bất tận của quân, dân ta trong ngày toàn thắng, đồng chí Nguyễn Đắc Hiền - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp bồi hồi chia sẻ: “Thời điểm tháng 4/1975, tôi được giao nhiệm vụ là Phó Ban Thường trực Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Sa Đéc. Tôi còn nhớ, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sa Đéc họp mở rộng khẩn cấp, đồng chí Nguyễn Thế Hữu là Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc lúc đó đã nói, thời điểm họp lần sau là khi tỉnh ta hoàn toàn giải phóng. Và rồi mong muốn ấy đã thành sự thật; khuya 30/4, thị xã Cao Lãnh được giải phóng, rồi đến các địa phương khác trong toàn tỉnh. Đến giờ tôi vẫn không quên được, không khí tràn ngập thành thị, nông thôn ngày ấy là niềm vui chiến thắng”.
Ra mắt chính quyền ngày thành lập tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Hoàng Dũng)
Mỗi khi đến những ngày tháng 4 lịch sử kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Lê Quang Sáu - nguyên Trưởng Ban An ninh, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Sa Đéc lại bồi hồi xúc động. Đồng chí Lê Quang Sáu cho biết: “Cách đây 48 năm, tôi là một trong những người tham gia giải phóng thị xã Sa Đéc. Khoảng 7 giờ sáng ngày 1/5/1975, khi chứng kiến cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng tung bay trên nóc tòa nhà Tiểu khu Sa Đéc đã trở thành ký ức mãi mãi không thể nào quên đối với tôi. Là người dân sinh ra trong thời kỳ chiến tranh, tôi thấy mình may mắn, hạnh phúc hơn nhiều anh em, đồng đội khi còn được sống đến ngày thống nhất đất nước và chứng kiến những đổi thay, phát triển không ngừng của quê hương”.
Đồng Tháp đổi thay sau 48 năm giải phóng
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, 48 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp đã phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết, phấn đấu vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai toàn diện, đạt nhiều kết quả tích cực. Tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển, tăng trưởng kinh tế và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng; đời sống người dân được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm trung bình 1,74%/năm.
Người dân xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa
Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, hệ thống giao thông được chú trọng nâng cấp, Đồng Tháp dần chấm dứt cảnh “khuất nẻo - qua sông phải lụy đò” hàng thập kỷ qua, đặc biệt diện mạo từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc. Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định; Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới phát huy hiệu quả. Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trong tốp dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX).
Nổi bật, năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 8,62% cao nhất trong 10 năm trở lại đây, GRDP bình quân đầu người 62,1 triệu đồng (tương đương 2.675 USD). Toàn tỉnh có 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; các điểm du lịch đã thu hút 3,4 triệu lượt khách tham quan, tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng. Tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội Sen, Lễ hội Cá tra... TP Cao Lãnh và TP Sa Đéc được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới các Thành phố học tập toàn cầu.
Chế biến và xuất khẩu cá tra, cá ba sa là một trong những thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp
Chứng kiến chặng đường dài chiến đấu, xây dựng và phát triển của quê hương, đồng chí Nguyễn Đắc Hiền xúc động, cho biết: “Ai đã từng sống ở Đồng Tháp 48 năm trước, giờ nhìn lại mới thấy quê hương ta từ phố phường đến các vùng nông thôn, đâu đâu cũng đổi thay to lớn, khác “một trời một vực” so với trước kia. Đời sống người dân được nâng lên cả vật chất lẫn tinh thần. Nhiều khu công nghiệp hình thành và phát triển; cầu, đường, nhà ở nông thôn được xây dựng kiên cố; xã nào cũng có trường học; người nông dân thay đổi tư duy, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Một tỉnh giàu truyền thống cách mạng anh hùng trong kháng chiến cứu nước, nay được phát huy để trở thành anh hùng trong thời kỳ đổi mới”.
Đô thị TP Cao Lãnh ngày càng phát triển (Ảnh: Hoàng Trọng)
Năm 2023 là năm sơ kết, đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Toàn Đảng bộ tỉnh quyết tâm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra trên tinh thần “Đổi mới phương pháp làm việc, đổi mới công tác tham mưu và tạo thành công mới”. Tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của tỉnh nhà, đó là động lực và niềm tin, là ngọn nguồn sức mạnh để nhiều thế hệ người Đồng Tháp nỗ lực vượt qua khó khăn và thử thách, phát huy tiềm năng, thế mạnh, không ngừng bứt phá vươn lên, chung tay xây dựng quê hương Đất Sen hồng ngày càng giàu đẹp, văn minh, “nghĩa tình, năng động, sáng tạo”.
NGÂN NGUYỄN
* Bài viết có sử dụng tài liệu tham khảo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp và Lịch sử Đảng bộ TP Sa Đéc