Ấn tượng về sự nghiệp “Dẫn đường” và “Cầm cương” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cập nhật ngày: 22/07/2024 05:27:47
ĐTO - Tất cả cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thành viên các tổ chức chính trị - xã hội, hầu hết người Việt Nam và bạn bè nước ngoài đều biết đến sự đóng góp lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, mỗi người có thể có góc nhìn riêng về một số vấn đề với những quan niệm khác nhau. Việc nhận xét về nhân vật lãnh tụ nói chung, về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng phải có độ lùi về thời gian mới có thể hiểu được đầy đủ ý nghĩa của nó. Nhưng qua một số bài viết, phát biểu và hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi rất ấn tượng về người “Dẫn đường” và “Cầm cương” đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn không ít sóng gió.
Tất cả các báo chí chính thống và nhiều mạng xã hội đã công bố về tiểu sử và những thành tích của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người vừa được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng vì đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Dư luận xã hội có nhận xét chung về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà cách mạng chân chính, nhà lãnh đạo bình dân và chân thành. Nếu chỉ nhìn vào cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong một số năm gần đây, chúng ta bắt gặp ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với vai trò là người “Dẫn đường” và “Cầm cương” xuất sắc.
Về vai trò “dẫn đường”
Trong Đảng và Nhân dân đều thừa nhận vai trò và công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tìm ra con đường cách mạng phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam bằng việc gắn cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, các nhà lãnh đạo kế tiếp đã kế tục con đường ấy, dẫn dắt Nhân dân làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong các cuộc kháng chiến với những lực lượng hùng mạnh nhất thế giới, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước đi lên theo định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa.
Các Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trước đây như đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Trường Chinh... đều đã có những kiến giải về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Về phần mình, với việc tham gia nhiều khóa trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhiều năm là Ủy viên Bộ Chính trị và 3 khóa trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể Trung ương Đảng “khám phá”, “giải mã” về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho xuất bản bộ sách đồ sộ “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Cuốn sách tuyển chọn những bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải đáp câu hỏi không chỉ cho Việt Nam, mà còn nhiều nước tương đồng về chính trị trên thế giới. Đó là: Chủ nghĩa xã hội là gì, vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và những vấn đề đặt ra. Tài liệu đã đặt cơ sở lý luận cho Đảng hoạch định đường lối đổi mới định hướng phát triển đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người “Dẫn đường” xuất sắc.
Về vai trò “cầm cương”
Là người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Hàng loạt chủ trương, giải pháp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiến tạo để Ban Chấp hành Trung ương hay Bộ Chính trị thông qua nhằm củng cố Đảng, kiện toàn các cơ quan Đảng và hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội, giữ vững bản chất, nguyên tắc, Điều lệ Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận diện rõ “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi” nên đề xuất hình thành tổ chức và phương pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách quyết liệt với chủ trương “không có vùng cấm”. Đây là mặt trận “phức tạp và quá khó” vì nó “chạm” đến mình, đồng chí mình - “làm sao diệt chuột mà bảo vệ bình hoa” và sự tinh vi “núp bóng” của các hành vi ấy. Nơi đây, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, có kẻ “cua cậy càng, cá cậy vây”. Trong nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay lẫy Kiều để nhắc nhở đồng chí mình: “Nghĩ mình phương diện quốc gia. Quan trên nhìn xuống người ta trông vào” và tuyên bố xử nặng đối với những người trong cơ quan phòng, chống tham nhũng mà “nhúng chàm”. Người đời ví von việc chống tham nhũng như “chiếc lò” và suy tôn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Người đốt lò vĩ đại”.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Nhờ sự quyết liệt ấy, hàng loạt cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống bị xử lý, bị đưa ra ánh sáng pháp luật và đã răn đe, cảnh tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người “Cầm cương” xuất sắc.
Là người “Dẫn đường” và “Cầm cương”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện đầy đủ bản lĩnh, phẩm chất của một nhà lãnh đạo cách mạng sáng suốt ở chỗ kiên quyết, kiên trì và mềm dẻo. Sự không nhượng bộ, làm việc tới nơi tới chốn, nhưng biết chờ đợi, linh hoạt, đã thể hiện được triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” và hình ảnh “cây tre” trong chính sách đối ngoại mà chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần tạo nên dấu ấn. Qua “Dẫn đường” và “Cầm cương” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tất cả các lĩnh vực từ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đến quan hệ đối ngoại đã tạo cho Việt Nam diện mạo mới: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều đó cho thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc.
Với 80 năm tuổi đời, gần 60 năm cống hiến cho Đảng và đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “một pho lịch sử”. Bài viết chỉ vài chấm phá “nét vàng” trong sự nghiệp “Dẫn đường” và “Cầm cương” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ “cát bụi”, Người trở thành “viên ngọc quý” và bình dị ra đi trong nỗi đau của gia đình, niềm tiếc thương của Đảng, của dân tộc và sự cảm thông sâu sắc của bạn bè quốc tế.
DÂN BIỆN