Ban Bí thư quy định cơ cấu tổ chức của Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cấp tỉnh
Cập nhật ngày: 24/05/2024 05:32:46
Thường trực Ban Bí thư ký Quy định số 146 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cấp tỉnh.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường (Ảnh: quochoi.vn)
Quy định của Ban Bí thư nêu rõ, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cấp tỉnh là tổ chức đảng do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương thành lập, chịu sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh.
Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cấp tỉnh thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương.
Về cơ cấu tổ chức, thành viên Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cấp tỉnh do Ban Thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh quyết định chỉ định trên cơ sở đề nghị của Ban Tổ chức cấp ủy và Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng.
Theo đó, thành viên Đảng đoàn HĐND cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các ban của HĐND, Chánh Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND. Chủ tịch HĐND làm Bí thư Đảng đoàn, một Phó Chủ tịch HĐND làm Phó Bí thư Đảng đoàn.
Thành viên Ban cán sự Đảng UBND cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Sở Nội vụ, Chánh Văn phòng UBND. Chủ tịch UBND làm Bí thư Ban cán sự Đảng, một Phó Chủ tịch UBND làm Phó Bí thư Ban cán sự Đảng.
Thành viên Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam (là đảng viên), trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, các ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam, trưởng ban có nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức, cán bộ (là đảng viên) cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam làm Bí thư Đảng đoàn, một Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam làm Phó Bí thư Đảng đoàn.
Thành viên Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm: Chánh án, các Phó Chánh án, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ. Chánh án làm Bí thư Ban cán sự Đảng, một Phó Chánh án làm Phó Bí thư Ban cán sự Đảng.
Thành viên Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ. Viện trưởng làm Bí thư Ban cán sự Đảng, một Phó Viện trưởng làm Phó Bí thư Ban cán sự Đảng.
Thành viên Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch và Trưởng ban (phòng) có nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức, cán bộ (là đảng viên) của tổ chức đó. Chủ tịch làm Bí thư Đảng đoàn, một Phó Chủ tịch làm Phó Bí thư Đảng đoàn.
Thành viên Đảng đoàn liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch (là đảng viên) và Trưởng ban (phòng) có nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức, cán bộ (là đảng viên) của tổ chức đó. Chủ tịch làm Bí thư Đảng đoàn, một Phó Chủ tịch làm Phó Bí thư Đảng đoàn.
Về nguyên tắc làm việc, Ban Bí thư quy định, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cấp tỉnh làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số. Đối với những nội dung công tác quan trọng, vượt thẩm quyền phải xin ý kiến ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh.
Khi các thành viên của Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cấp tỉnh có ý kiến khác nhau, qua thảo luận không thống nhất (biểu quyết không đạt đa số quá bán) thì báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau đó với Ban Thường vụ cấp ủy.
Quy định cũng nêu rõ, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cấp tỉnh họp định kỳ một tháng một lần, họp chuyên đề và đột xuất khi cần; các cuộc họp chỉ được thực hiện khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự. Nội dung các cuộc họp đều phải ghi biên bản, có kết luận và ra nghị quyết để lưu hành, tổ chức thực hiện.
Trường hợp cần thiết, đột xuất không tổ chức họp thì được lấy ý kiến thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng bằng văn bản (trừ công tác cán bộ).
Theo ANH VĂN (VTC News)