Bản lĩnh trước những điều “nhạy cảm”
Cập nhật ngày: 02/10/2016 10:22:57
Thời nay sao mà lắm sự nhạy cảm! Hễ nhà chức trách đụng vào đâu cũng đều bị nhắc: coi chừng, chuyện nhạy cảm.
Vậy những ai thường đối mặt với chuyện nhạy cảm? Công an, thuế vụ, kiểm lâm, hải quan, nhà báo..., nghĩa là những người làm các công việc liên quan đến điều tra, tìm chứng lý phục vụ cho xử lý công việc, xét xử, định hướng dư luận. Nhưng khối việc, khối chuyện chẳng hề liên quan đến điều tra lại cũng rất nhạy cảm.
Thí dụ chuyện góp ý, phê bình, xem xét kỷ luật. Anh phê bình cậu A, đúng quá, nhưng bố cậu ấy lại là quan chức cỡ bự, cho nên liệu đường mà nói. Chị định bác bỏ cái dự án “khủng” đầu tư tiền tấn của tổng công ty do cô B làm tổng giám đốc ư? Hoàn toàn đúng, vì rước toàn công nghệ, máy móc lạc hậu, nhưng nên nhớ, bác ruột cô B là người “nói có kẻ nghe đe có kẻ sợ”. Và cái dự án này còn được “Cụ” “bật đèn xanh”. Nghe thế, chị chỉ còn nước nuốt cục tức vào bụng và... dè chừng.
Lại có bao chuyện khó xử nữa vì liên quan đến chuyện đất đai, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền... Cấp dưới họp lên họp xuống không dám quyết định, lại đẩy quả bóng lên cấp trên. Cấp trên hỏi lại, đã hỏi ý kiến dân chưa? Trả lời, chưa, vì chuyện này nhạy cảm, đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dễ làm rối tình hình. Thế là không huy động được nguồn trí tuệ của nhân dân, bỏ lỡ nhiều thông tin quý từ tai mắt nhân dân. Không phải cái gì không muốn làm, sợ đụng chạm, ảnh hưởng đến lợi ích cục bộ, cá nhân người lãnh đạo là lại đóng khung vào hai chữ “nhạy cảm”.
Trong khi đó, có quá nhiều chuyện thật sự nhạy cảm, nhưng người ta lại không thấy, hoặc vờ như không thấy. Như chuyện người anh họ ở tỉnh Sơn La vì quá nghèo đã phải chở thi thể cô em xấu số vừa mất về quê bằng xe máy. Không ít bài báo, không ít tấm ảnh trên báo và trên mạng xã hội cứ khoan sâu mãi vào nỗi đau thương buốt nhói tâm can! Chuyện lấy vợ, lấy chồng cận huyết thống; chuyện bố mẹ nhẫn tâm giết con; chuyện sếp quấy rối tình dục nữ nhân viên bằng những trò thô bỉ... cũng được phơi trên mặt báo. Rất tiếc, sự việc được viết một cách trần trụi, với lời lẽ khi lạnh lùng, nhẫn tâm, lúc buông tuồng, rơm rác, mà không hề có sự phân tích hay một lời phê phán, cảnh tỉnh.
Thời công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, cùng với những thông tin chính xác, được cung cấp từ nguồn tin chính thống, là khá nhiều những thông tin bịa đặt với tâm địa, dụng ý khác nhau. Mạng xã hội cùng với những mặt tích cực cũng làm nảy sinh tệ a dua, chém gió, buôn dưa lê và thói vô cảm. Cho nên, thái độ tích cực nhất của người tiếp nhận thông tin là bình tĩnh sàng lọc, nhìn sâu vào sự phát triển của sự việc để thấy cái bình thường trong cái bất thường và ngược lại, để có thái độ tích cực, cách xử lý tích cực, luôn ở thế chủ động. Nói nôm na rằng, trước rất nhiều tin đồn, anh phải là người có bản lĩnh, đừng bao giờ để tin đồn cầm tay kéo đi. Khi người ta tiếp cận được sự thật thì sự thật bao giờ cũng vô cùng đơn giản.
Trở lại với câu chuyện thực hiện chức trách, nhiệm vụ của nhà quản lý, và những người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Xin chớ bao giờ đầu hàng những gì nhân danh “nhạy cảm”. Như câu chuyện đã nêu ở phần đầu bài viết, về cái dự án “khủng”, khi sự việc vỡ lở, kẻ phạm tội vào tù mọi người mới rõ, chẳng hề có “Cụ” nào bảo kê cả. Các vị muốn né tránh cho nên mới đổ riệt cho là, việc ấy việc nọ liên quan đến những chuyện tày trời. Né tránh chính là đầu hàng, chứ không phải như có người nói “cẩn tắc vô ưu”.
Thái độ, tinh thần phụ trách của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu là: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Như thế chẳng còn lo “gà mổ mối, mối đục chân vua, vua ăn thịt gà”. Vì suy cho cùng, còn khoanh ra những vùng cấm, vùng tránh cho nên mới có nhiều nỗi sợ treo lơ lửng trên đầu như thế.
Theo Hải Đường/NDĐT