Báo chí giải pháp - hướng đi cho báo chí truyền thống

Cập nhật ngày: 21/09/2024 20:03:51

Chiều 21/9, tại Bình Thuận, Báo Nhà báo và Công luận tổ chức chương trình Diễn đàn Tổng Biên tập 2024: “Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống?” là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí chia sẻ, thảo luận về báo chí giải pháp - xu hướng báo chí đang được các tòa soạn trên thế giới cũng như tại Việt Nam hết sức quan tâm.


Hơn 100 Tổng Biên tập tham dự hội nghị

Tham dự diễn đàn có đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và hơn 100 Tổng Biên tập các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Trần Nguyên Huy - quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, cho biết, được khởi đầu từ năm 2019, đến nay, Diễn đàn Tổng Biên tập đã bước sang mùa thứ 6, là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí gặp gỡ, chia sẻ về những vấn đề đang là mối quan tâm hàng đầu của các toà soạn, cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp giúp các cơ quan báo chí vượt qua thách thức để hoạt động hiệu quả hơn. Diễn đàn với 2 phiên thảo luận: Phiên thứ nhất có chủ đề "Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng"; Phiên thứ hai có chủ đề "Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?"


Đồng chí Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân (bìa trái) ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng của bão lũ

Hiện nay, báo chí truyền thống đã, đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ truyền thông xã hội. Tuy nhiên, thực tế đời sống báo chí thời gian qua đã cho thấy, báo chí truyền thống không nên và không thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ đưa tin.

Vì thế, để bảo đảm sự tồn tại, kiến tạo nguồn thu và giữ chân được độc giả, báo chí truyền thống buộc phải tìm những hướng đi mới. Với báo chí cách mạng Việt Nam, hướng đi đó còn là việc làm thế nào để các cơ quan báo chí tiếp tục khẳng định được dòng thông tin chủ lưu, định hướng, dẫn dắt dư luận và đóng góp được vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không chỉ để giữ chân độc giả mà còn để củng cố niềm tin của công chúng vào báo chí.


Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, chia sẻ, trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, nhất là trí tuệ nhân tạo, những ứng dụng của công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề mới trong hoạt động của báo chí truyền thống, vừa tạo ra nhiều cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức mà báo chí truyền thống cần giải quyết để từ đó có thích ứng linh hoạt, tiếp tục phát triển.

Báo chí giải pháp, báo chí xây dựng không chỉ mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ và tích cực cho báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội. Hơn thế, báo chí giải pháp có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, theo Reuters, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng né tránh tin tức là thông tin quá tải, tác động tiêu cực đến tâm trạng độc giả và cảm giác bất lực trước tin tức. Một số người né tránh tin tức vì cho rằng thông tin lặp đi lặp lại và nhàm chán. Bản chất tiêu cực của tin tức cũng khiến độc giả cảm thấy lo lắng và bất lực.


Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh chia sẻ xu hướng báo chí giải pháp

Khi mà niềm tin với truyền thông bị xói mòn và tình trạng né tránh tin tức cao chưa từng thấy, các cơ quan báo chí phải tìm hiểu lý do người dùng ồ ạt xa rời tin tức và tìm ra cách thu hút, tương tác và giữ chân độc giả. Tin tức tiêu cực thường bị coi là một trong những nguyên nhân chính. Vì vậy, báo chí phải xác định cách thức hoàn thành nhiệm vụ đưa tin mà không làm độc giả xa lánh.

Một hướng đi đang hiện rõ cho ngành báo là báo chí xây dựng, báo chí giải pháp. Theo đó, các cơ quan báo chí trong khi đưa tin thì cũng đề xuất các giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng để độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng.

Báo chí cần tìm hiểu độc giả muốn thông tin gì và sẵn sàng trả tiền cho thông tin nào. Lối làm báo truyền thống 5W (who, what where, when, why) được thay thế bằng “what now” và “how”. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, báo chí xây dựng cải thiện tâm trạng của người tiêu dùng tin tức, thúc đẩy có những việc làm mang lại lợi ích cho xã hội và khích lệ tương tác nhiều hơn với các cơ quan báo chí. Những cơ quan báo chí đang thử nghiệm nội dung tích cực hoặc những nội dung mang lại hy vọng và giải pháp thì nhận được những kết quả tích cực. Mặc dù tin tiêu cực thường được xem nhiều hơn nhưng tin tích cực có thể khiến người dùng tăng tương tác hoặc trả phí.

Hiệu quả của báo chí xây dựng sẽ ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của người dùng; trao quyền cho độc giả bằng cách thúc đẩy niềm tin vào năng lực bản thân; không bị coi là báo chí chất lượng thấp; thúc đẩy mọi người có hành động có ích cho xã hội; gia tăng tương tác với cơ quan báo chí, tác giả bài báo và chủ đề; tăng số “like” dù có thể không thúc đẩy chia sẻ hoặc bình luận; có thể thu hút và tăng nguồn thu quảng cáo, vì thu hút sự chú ý nhiều hơn của độc giả. Những thông tin tích cực như mở chuyên mục: Người tốt việc tốt, Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, Việc tử tế, Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực… Vừa qua, Báo Nhân Dân đã mở ra nhiều chuyên mục chuyên sâu người tốt việc tốt, thông tin tích cực đã gia tăng số lượng độc giả trên các nền tảng.

Theo THANH HẢI (NDO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn