Bi hùng cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ 40 năm trước

Cập nhật ngày: 17/02/2019 12:30:20

http://baodongthap.com.vn/database/video/2019021712312915-2 BI HUNG CUOC CHIEN TRANH___.mp3

ĐTO - Lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội - 2017) đã chính thức gọi cuộc chiến tranh 40 năm trước đây ở biên giới phía Bắc là “cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc”.


Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. Ảnh tư liệu. Nguồn: Vietnamnet.vn

Trọn 30 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, đất nước mới thật sự thống nhất, độc lập, tự do, nhân dân cùng bắt tay xây dựng với mong muốn có cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Thế nhưng, “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng”, dân tộc Việt Nam lại buộc phải bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam và sau đó là bảo vệ lãnh thổ ở biên giới phía Bắc.

Ngày 17/2/1979, khi không khí đón Xuân Kỷ Mùi vẫn chưa lắng, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới dài 1.400km tràn vào 6 tỉnh của Việt Nam.

Chỉ trong 1 tháng, nhiều làng mạc, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất bị tàn phá; hàng triệu người dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống; nhiều thường dân vô tội bị sát hại. Quân Trung Quốc cũng đã cho nổ mìn phá hoại một trong những di tích thiêng liêng nhất đối với người Việt Nam: hang Cốc Bó (Pắc Bó, Cao Bằng) nơi Bác Hồ sống và làm việc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Đi ngược những người mẹ già, những bầy trẻ nhỏ di tản về phía Nam với những đôi mắt tiễn biệt là những đoàn quân Việt Nam vội đi về biên giới phía Bắc với những ước hẹn chiến thắng quân xâm lược.

Dù chịu nhiều hy sinh, mất mát, quân và dân biên giới phía Bắc cùng quân dân cả nước đã hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả.

Ngày 14/3/1979, Trung Quốc buộc phải rút hết quân về nước.

Sau đó, Quốc hội nước ta, tại kỳ họp thứ 5 khóa VI đã ra Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ của nhân dân ta trước tình hình mới”.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn lấy hòa hiếu, nhân nghĩa làm đầu trong quan hệ với các nước lân bang, như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo (bản dịch của Ngô Tất Tố): “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Tư tưởng, truyền thống đó đến nay được khái quát bằng quan điểm của Đảng ta tại Đại hội lần thứ VII/1991: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Bên cạnh đó, giữ vẹn cõi bờ, độc lập, tự do là nguyên tắc bất di, bất dịch.

10 năm trước, công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ Việt - Trung đã hoàn thành. Cửa khẩu địa đầu Tổ quốc Việt Nam, biên giới Việt - Trung cũng như quan hệ hai nước đều mang tên Hữu Nghị.

40 năm đã trôi qua. Những làng mạc bị tàn phá đã hồi sinh, phát triển. Lịch sử đã sang trang. Nhưng ngày 17/2/1979 được xem là một trong những cột mốc bi hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đồng thời thêm một lần nữa nhắc nhở chúng ta phải luôn cảnh giác trước họa xâm lăng, kiên quyết bảo vệ cõi bờ thiêng liêng của Tổ quốc.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn